Khổ vì giàu khoáng sản

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Đồng Nai là tỉnh có nhiều khoáng sản với trữ lượng lớn nhất vùng Đông Nam Bộ, hiện các doanh nghiệp được cấp phép đang cấp tập khai thác, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân.

Cấp tập khai thác

Theo nghiên cứu, ở miền Đông Nam Bộ, Đồng Nai là tỉnh có địa tầng đá với trữ lượng lớn nhất, khai thác có thể đạt khoảng 20 triệu mét khối/năm. Tại đây, ngoại trừ TP.Biên Hoà - nơi trữ lượng đá lớn nhất nhưng hàng loạt các mỏ hết hạn - thì huyện Vĩnh Cửu có tiềm năng lớn.

Hiện không chỉ hàng loạt các mỏ khoáng sản ở các xã Thiện Tân, Tân An, Thạnh Phú, Cây Gáo... đang như công trường khổng lồ, tỉnh Đồng Nai còn điều chỉnh bổ sung quy hoạch để cho thăm dò khai thác khoáng sản ở hàng loạt các xã khác như Vĩnh Tân (có mỏ puzlan 37ha, trữ lượng 8,17 triệu tấn, Tân An (mỏ laterrit 95ha, trữ lượng khoảng 3,24 triệu tấn) và thị trấn Vĩnh An.

Nguồn lợi khổng lồ của khai thác tài nguyên đến mức, ngay cả 70ha đất lúa 2 vụ đang màu mỡ ở xã Bình Lợi cũng bị tỉnh quy hoạch khai thác đá. Hiện tại, một DN mới dừng ở việc thăm dò nhưng người dân đã nhìn thấy trước số phận mình. Bức xúc nói với PV, ông Ông Huỳnh Văn Cường (ấp 2 xã Bình Lợi) nói thẳng, không chỉ tầng đất màu mỡ bị xoá sổ mà việc khai thác, chế biến vận chuyển đá sẽ khiến không khí trong lành của làng quê đầy... bụi đá, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của dân.

nuida8411.JPG

Những núi đá khổng lồ đang chế biến ở xã Hoá An.

Vậy nên người dân xã Bình Lợi đồng loạt kiến nghị dừng lại việc khai thác đá nơi đây. Tuy nhiên, trong văn bản mới đây trả lời dân, cơ quan chức năng Đồng Nai trấn an rằng, để dự án ít tác động đến môi trường xung quanh thì khi bắt đầu triển khai dự án, chủ đầu tư phải đắp bờ bao xung quanh khu vực khai thác và trồng cây dày đặc trên bờ bao để hạn chế việc nước mặt chảy tràn làm ô nhiễm nguồn nước và bụi phát tán ra môi trường xung quanh làm ảnh hưởng đến mùa màng cây trái của người dân.

Nhưng không ai tin DN có thể đảm bảm an toàn sức khoẻ cho người dân. Điển hình nhất, ngay kề xã Bình Lợi là xã Thiện Tân, DN nào cũng “cam kết” nghiêm túc nhưng bụi đá vẫn mù mịt bay, biến địa phương này thành địa bàn nóng về bức xúc của dân liên quan vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngay cả đến Phó Trưởng phòng TNMT huyện Vĩnh Cửu cũng phải lên tiếng rằng, nếu như trước đây các ruộng bắp, lúa và vườn bưởi của người dân ở xã Thiện Tân cho năng suất và chất lượng cao, thì hiện nay do bị bụi đá bám vào nên cây ít ra hoa, khó kết trái, hoặc có kết trái cũng không đạt chất lượng, năng suất như trước.

Thở trong bụi đá

Nỗi khốn khổ dai dẳng nhất kể cả khi các mỏ đá đã ngừng hoạt động phải kể tới xã Hoá An (TP.Biên Hoà). Năm 2009, trước kiến nghị xin gia hạn của hàng loạt DN khai thác đá ở TP.Biên Hoà, UBND tỉnh Đồng Nai ký văn bản số 6567 đồng ý gia hạn cho 7 mỏ đá, trong đó có mỏ ở Hoá An được khai thác đến hết năm 2010, đồng thời được tăng thời lượng nổ mìn từ 4 lên 6 ngày/tuần. Thế là các DN tăng tốc khai thác nhằm khi đóng cửa mỏ thì có nguồn dự trữ dồi dào mà chế biến.

Thế nên sang năm nay, người dân xã Hoá An tưởng sẽ thở phào nhẹ nhõm khi các mỏ đá nơi đây vừa ngừng nổ mìn vì đã hết hạn, thì lại khổ sở vì bụi từ những núi đá mi, đá 1x2, đá hộc được trữ... cao như núi, nằm cách nhà dân chỉ từ 20-50m.

Bất kỳ gió to hay bé đều mang theo bụi từ những núi đá thốc tháo vào khu dân cư bên dưới, khiến quần áo nhà cửa cứ mốc trắng. Đặc biệt, bụi mù mịt hơn khi xe xúc đá lên xe và vận chuyển đá đi xuống. Trong khi đó, các DN nơi đây không có biện pháp nào để hạn chế ô nhiễm bụi ngoài trừ việc... thi thoảng xịt nước.

Theo bác sĩ Trần Trung Thuận - GĐ Trung tâm Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ và môi trường Đồng Nai - thì bụi từ đá rất độc hại, người thường xuyên hít phải bụi này có thể bị bệnh bụi phổi. Người dân sống lân cận khu vực khai thác đá đều có nguy cơ bị bệnh bụi phổi, nếu nhiễm bệnh này sẽ không chữa được.

Theo người dân Hoá An, họ cũng nhận được bồi dưỡng của DN khai thác đá với mức 30.000 - 50.000 đồng/người/tháng vì đã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, số tiền trên không đủ khám những bệnh thông thường, thì lấy đâu ra tiền điều trị những căn bệnh mạn tính do hằng ngày phải hít bụi như thế này.
 
×
Quay lại
Top