Hỏi đáp về hôn nhân có yếu tố nước ngoài

Luật Gia Thái

Thành viên
Tham gia
7/8/2014
Bài viết
0
Hỏi đáp về hôn nhân có yếu tố nước ngoài

Câu 1:

Hôn nhân có yếu tố nước ngoài là như thế nào?

Trả lời

Theo quy định tại Khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình:

a) Giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài;

b) Giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam;

c) Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

Giải thích rõ hơn về nội dung này, theo Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi chung là Nghị định số 68/2002/NĐ-CP), được bổ sung, sửa đổi theo Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 thì quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài bao gồm kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài thường trú tại Việt Nam với nhau; công nhận việc kết hôn, ly hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được tiến hành tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Trong đó, theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP:

- Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm công dân nước ngoài và người không quốc tịch.

- Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam.

Câu 2:

Quy định mới về kết hôn có yếu tố nước ngoài:

Câu hỏi

(TNTS) Tôi là Việt kiều đang định cư ở Nga, sắp tới tôi dự định về VN kết hôn. Theo dõi qua báo chí tôi được biết chính phủ có quy định mới về hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Tôi muốn biết trong thủ tục đăng ký kết hôn (ĐKKH) có gì mới và khác biệt so với quy định trước đây không?

Trả lời

Ngày 28.3.2013 Chính phủ có ban hành Nghị định số 24/2013/NĐ-CP về quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài (thay thế Nghị định số 68/2002 và Nghị định số 69/2006) có hiệu lực thi hành từ ngày 15.5.2013. Về thủ tục ĐKKH, thì có những điểm mới và khác so với trước đây như sau:

Về thành phần hồ sơ vẫn là: Tờ khai ĐKKH, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (hoặc tuyên thệ hiện tại không có vợ/chồng), giấy khám sức khỏe về tâm thần, bản sao hộ khẩu + giấy CMND (bên VN), bản sao hộ chiếu (bên nước ngoài ). Điểm mới là hồ sơ chỉ lập thành 1 bộ, các giấy tờ nào quy định nộp bản sao mà đương sự không có điều kiện chứng thực sao y thì có thể nộp bản photocopy và xuất trình bản chính để đối chiếu.

Khi nộp hồ sơ thì chỉ cần bên VN đại diện nộp, không còn quy định phải có đơn xin vắng mặt và ủy quyền của bên NN cho bên VN nộp hồ sơ ĐKKH nữa.

Về thời hạn giải quyết ĐKKH cũng được rút ngắn không quá 25 ngày, nếu có xác minh qua công an thì cũng không quá 10 ngày làm việc.

Về thủ tục phỏng vấn, nội dung phỏng vấn hiện nay là để kiểm tra, làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn và mức độ hiểu biết nhau của hai bên nam, nữ. Bỏ quy định kiểm tra, làm rõ về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung.

Nếu kết quả phỏng vấn cho thấy hai bên kết hôn không hiểu biết về hoàn cảnh của nhau thì Sở Tư pháp hẹn ngày phỏng vấn lại; việc phỏng vấn lại được thực hiện sau 30 ngày, kể từ ngày đã phỏng vấn trước.

Câu 3:

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì trường hợp nào việc kết hôn có yếu tố nước ngoài bị từ chối đăng ký?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP và khoản 5 Điều 1 Nghị định số 69/2006/NĐ-CP thì việc đăng ký kết hôn bị từ chối trong các trường hợp sau đây:

- Một hoặc cả hai bên đương sự chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật Việt Nam;

- Bên đương sự là người nước ngoài chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú (đối với người không quốc tịch);

- Việc kết hôn không do nam, nữ tự nguyện quyết định;

- Có sự lừa dối, cưỡng ép kết hôn;

- Một hoặc cả hai bên đương sự là người đang có vợ, đang có chồng;

- Một hoặc cả hai bên đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự;

- Các đương sự là những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời;

- Các đương sự đang hoặc đã từng là cha, mẹ nuôi và con nuôi, bố chồng và con dâu, mẹ vợ và con rể, bố dượng và con riêng của vợ, mẹ kế và con riêng của chồng;

- Các đương sự cùng giới tính (nam kết hôn với nam, nữ kết hôn với nữ).

Việc đăng ký kết hôn cũng bị từ chối, nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; kết hôn không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, xâm phạm t.ình d.ục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác.

Câu 4:

Việc lựa chọn áp dụng pháp luật để giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài được quy định như thế nào?

Trả lời

Ly hôn là một quan hệ đặc biệt trong quan hệ hôn nhân và gia đình, là cơ sở pháp lý để làm thay đổi hay chấm dứt quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Để thống nhất khi giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài, Điều 104 Luật Hôn nhân và gia đình quy định cụ thể việc lựa chọn áp dụng luật theo từng trường hợp sau:

- Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình (theo quy định này thì các bên đương sự hoặc ít nhất một bên đương sự là công dân Việt Nam phải thường trú tại Việt Nam vào thời điểm xin ly hôn. Chỉ khi đó mới áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam để giải quyết việc ly hôn).

- Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì theo pháp luật Việt Nam.

- Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Câu 5:

Sáu năm trước tôi kết hôn với một người Mỹ, nhưng nay vợ chồng tôi không hợp nhau nữa nên tôi muốn xin ly hôn chồng ở Việt Nam thì có được không? Cơ quan nào sẽ giải quyết việc ly hôn đối với trường hợp của tôi?

Trả lời

Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 410 và điểm c khoản 1 Điều 411 Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam. Đối với vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống ở Việt Nam thì thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo Khoản Điều 123 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ cảu vợ chồng, cha mẹ và con, nuôi con nuôi, giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước ngoài láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam. Điều 125 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn quy định: bản án, quyết định ly hôn của Toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên thì bạn có thể gửi đơn yêu cầu ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn cư trú để được xem xét, giải quyết.

Câu 6:

Thủ tục xin ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài

Trả lời

Em hỏi về thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài. Em lấy chồng Đài Loan năm 2007, do cuộc sống vợ chồng không hợp nhau nên em đã bỏ ra ngoài. Hai năm sau chồng em lấy vợ mới. Năm 2011 em về Việt Nam. Em bị mất giấy đăng ký kết hôn bản gốc, bây giờ em muồn làm thủ tục ly hôn đơn phương thì phải cần những giấy tờ gì và làm ở đâu? Em cảm ơn!

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo quy định tại Điều 51 và Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn” và “Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án xem xét, giải quyết việc ly hôn”. Tòa án xem xét, quyết định cho ly hôn khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Tình trạng của vợ chồng trầm trọng;

- Đời sống chung không thể kéo dài;

- Mục đích của hôn nhân không đạt.

Nếu một bên vợ hoặc chồng đơn phương xin ly hôn, thì thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên được tiến hành theo các bước sau:

- Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền

- Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;

- Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;

- Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.

Theo đó, hồ sơ khởi kiện xin ly hôn có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường Bưu điện gồm có các giấy tờ sau đây:

- Đơn xin ly hôn (theo mẫu);

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính); Trường hợp không có bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, thì bạn phải xin xác nhận của UBND cấp tỉnh nơi đã đăng ký kết hôn.

- Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân (bản sao chứng thực);

- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực - nếu có);

- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung

Về thẩm quyền giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 33, 34, 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 xác định thẩm quyền theo cấp và thẩm quyền theo lãnh thổ.

Thứ nhất, xác định thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc về tòa án nhân dân cấp tỉnh hay cấp huyện

Căn cứ Điều 33, Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền của Tòa án theo cấp “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện.” thì những vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài (có người ở nước ngoài hoặc có tài sản ở nước ngoài) thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân cấp Tỉnh/thành phố giải quyết. Song, theo quy định về tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp huyện của Ủy ban thường vụ quốc hội trong Nghị quyết về việc giao thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 33 của Bộ luật Tố tụng dân sự cho các Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh số 724/2004/NQ-UBTVQH11 và số 1036/2006/NQ-UBTVQH11 thì một số Tòa án nhân dân cấp huyện, xã, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng có thẩm quyền giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngòai có đương sự hoặc có tài sản ở nước ngoài.

Đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài được giải thích theo Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành những quy định trong “Phần thứ nhất” Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 như sau:

“4.1. Đương sự ở nước ngoài bao gồm:

a) Đương sự là cá nhân không phân biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam mà không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự; đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài hoặc người nước ngoài không ở Việt Nam có mặt tại Việt Nam để nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự hoặc đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án.

Đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha, mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, thì theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Luật hôn nhân và gia đình là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú của công dân Việt Nam.

b) Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.

4.2. Tài sản ở nước ngoài

Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.

4.3. Cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài.

Cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài là trường hợp trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cần phải tiến hành một hoặc một số hoạt động tố tụng dân sự ở nước ngoài mà Tòa án Việt Nam không thể thực hiện được cần phải yêu cầu cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoặc đề nghị Tòa án nước ngoài thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.”

Thứ hai, xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngòai theo lãnh thổ

Căn cứ khoản 1, Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:

"1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;"

Căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 36, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu như sau:

“1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:

a)...
b)...
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;”

Như vậy, nếu chồng chị có nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) ở Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài do Tòa án nhân dân nơi chồng chị cư trú hoặc làm việc thụ lý và giải quyết. Nếu chồng chị không có nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) ở Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài do Tòa án nhân dân nơi chị cư trú hoặc làm việc thụ lý và giải quyết.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất "Những quy định chung" của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004

Luật 2014 QH10 Hôn nhân và gia đình


Câu 7:

Mọi người ơi cho em hỏi trường hợp: Người đi du học, sau khi tốt nghiệp thì làm việc ở nước ngoài có được coi là "Có yếu tố nước ngoài" không?

Trả lời

chào bạn
Theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 :“Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài” là quan hệ hôn nhân và gia đình:
a) Giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài (người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm công dân nước ngoài và người không quốc tịch);
b) Giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam;
c) Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Các quan hệ hôn nhân và gia đình không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì không phải là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Cụ thể các quan hệ hôn nhân và gia đình sau đây không phải là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài:
- Giữa người Việt Nam với người Việt Nam cùng đang sinh sống ở trong nước.
- Giữa công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài với công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước
- Giữa hai công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài nhưng đã về Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các quy định tại Chương XI Luật Hôn nhân và Gia đình về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thì “Các quy định của Chương này cũng được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài”.
Như vậy, mặc dù “quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài” không phải là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhưng trình tự, thủ tục để xác lập, thay đổi hay chấm dứt lại được áp dụng tương tự như đối với các trường hợp có yếu tố nước ngoài. Còn đối với trường hợp quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với nhau mà không có bên nào định cư ở nước ngoài mặc dù có thể cả hai bên đều đang sinh sống ở nước ngoài nhưng nay đã về nước thì việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt quan hệ hôn nhân và gia đình cũng được áp dụng như các trường hợp ở trong nước.
Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên thì thẩm quyền đăng ký kết hôn cho hai bạn tùy thuộc vào tình trạng cư trú của bạn hiện nay.
như thế chắc bạn cũ̉ng có câu trả lời cho mình rồi phải không.thân aí

Câu 8:

Anh Minh và vợ chưa cưới người Mỹ đã chuẩn bị xong hồ sơ đăng ký kết hôn thì bất ngờ người vợ chưa cưới của anh phải về nước gấp do việc gia đình. Không muốn trì hoãn thời gian nộp hồ sơ, anh Minh định nộp hồ sơ đăng ký kết hôn thay người vợ chưa cưới có được không?

Trả lời

Căn cứ vào Điều 14 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP thì về nguyên tắc, khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, cả hai bên nam nữ đều phải có mặt, không chấp nhận việc nộp hồ sơ đăng ký kết hôn qua người thứ ba. Tuy nhiên, trong trường hợp có lý do khách quan (như do ốm đau, bệnh tật, bận công tác hoặc có lý do chính đáng khác) mà một bên không thể có mặt được thì phải có đơn xin vắng mặt, trong đó nêu rõ lý do vắng mặt và có giấy uỷ quyền cho bên kia nộp thay hồ sơ (giấy uỷ quyền phải được chứng thực hợp lệ).

Vì vậy, anh Minh không được nộp hồ sơ đăng ký kết hôn hộ vợ chưa cưới. Nếu anh muốn nộp thay thì người vợ chưa cưới phải có đơn nêu rõ lý do vắng mặt và có giấy ủy quyền hợp lệ cho anh Hùng để anh nộp thay hồ sơ

Câu 9:

Người yêu của tôi là người Đài Loan. Chúng tôi dự định đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Nhưng tôi nghe nói trình tự kết hôn với người nước ngoài qua nhiều khâu và mất nhiều thời gian, trong khi công việc kinh doanh của anh ấy rất bận, nên khó có thể ở Việt Nam lâu được. Vậy chúng tôi phải làm như thế nào để có thể đăng ký kết hôn trong trường hợp bạn trai tôi chỉ về nước được khoảng 1 tháng?

Trả lời

Theo quy định, thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam là 30 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp có yêu cầu cơ quan Công an xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm 20 ngày (có nghĩa là 50 ngày kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ). Pháp luật cũng cho phép trong trường hợp có lý do khách quan mà một bên không thể có mặt được thì có đơn xin vắng mặt và uỷ quyền cho bên kia đến nộp hồ sơ.

Như vậy, nếu bạn trai của bạn chỉ về Việt Nam được khoảng 1 tháng thì trước đó, bạn trai của bạn làm đơn xin vắng mặt và làm giấy ủy quyền hợp lệ cho bạn để bạn nộp hồ sơ kết hôn cho cả hai người. Bạn nên liên hệ với Sở Tư pháp nơi bạn nộp hồ sơ để biết trước về thời gian phỏng vấn. Khi đó, bạn trai của bạn sắp xếp về Việt Nam để Sở Tư pháp phỏng vấn 2 bên và tiến hành các thủ tục đăng ký kết hôn. Bạn lưu ý, theo quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí do đương sự nộp, Sở Tư pháp sẽ tiến hành giải quyết việc đăng ký kết hôn. Bạn có thể tìm hiểu thêm trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam quy định ở Điều 16 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP và Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 69/2006/NĐ-CP để hai bạn chủ động bố trí thời gian thực hiện được việc đăng ký kết hôn của mình

Câu 10:

Chị Lan là người Việt Nam, sắp kết hôn với một công dân Đài Loan và dự định sẽ sang Nhật sinh sống. Xin hỏi sau khi kết hôn, chị Lan có thể giữ lại quốc tịch Việt Nam hay không? Trong khi ở nước ngoài, nếu quyền và lợi ích của bản thân chị Lan bị xâm phạm, Nhà nước Việt Nam có những chính sách bảo hộ hay không?

Trả lời

Theo quy định của pháp luật Việt Nam việc kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của đương sự. Vì thế sau khi kết hôn, chị M vẫn có quốc tịch Việt Nam.

Điều 9 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định về việc giữ quốc tịch khi kết hôn, ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật như sau:

Việc kết hôn, ly hôn và hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của đương sự và con chưa thành niên của họ (nếu có).

Đồng thời, nhà nước Việt Nam có chính sách bảo hộ đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Điều 6 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008:

- Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

- Các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế để thực hiện sự bảo hộ đó.

Câu 11:

Tôi là người Việt Nam lấy chồng người Đài Laon. Hiện nay, cả hai vợ chồng tôi sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Chúng tôi đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, nhưng chưa thống nhất được về việc con chúng tôi sẽ mang quốc tịch của ai. Tôi muốn biết trong trường hợp vợ chồng tôi không thoả thuận được quốc tịch cho con thì con chúng tôi sẽ mang quốc tịch của cha hay mẹ?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 về quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam quy định:

- Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam.

Như vậy, trong trường hợp này, anh chị sinh con ra trên lãnh thổ Việt Nam mà không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì đứa trẻ đó có quốc tịch Việt Nam.
TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ CÔNG LÝ- HỖ TRỢ NGƯỜI NGHÈO


Công ty Luật Gia Thái hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật

- Hỗ trợ người nghèo: Tham gia tư vấn, đại diện và tham gia tố tụng

- Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

- Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện tư vấn pháp luật.

- Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.

- Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật luật sư bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.

Cần biết thêm thông tin tư vấn hãy thực hiện theo cách sau:

1. Vào trang web công ty Luật Gia Thái: https://luatgiathai.com/law

2. Gọi điện thoại hỏi: LS Vũ Thị Thảo: 043.869.4864- 0983.232.416 - 0909675968

3. Gặp trực tiếp tại địa chỉ: Số 1, ngõ 377 Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Bản đồ địa chỉ: https://www.gosur.com/en/point/4394740/

LUẬT GIA THÁI RẤT MONG ĐƯỢC HỖ TRỢ QUÝ KHÁCH HÀNG!
 
×
Quay lại
Top