Học trò, nhà giáo và một nền giáo dục chờ cải cách

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Hơn 6 năm trước (tháng 1-2007), một học sinh lớp 11 đã gửi thư ngỏ lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ là GS. Nguyễn Thiện Nhân. Còn tại thời điểm này, không chỉ "cư dân mạng” xôn xao mà những ai quan tâm (hoặc liên quan trực tiếp tới giáo dục) đều biết đến một clip dài 67 phút của một học sinh lớp 12, với tên gọi khá ấn tượng "Sự trăn trở của kẻ lười biếng”.

Như vậy là, không chỉ người dân kêu than về sự lạm thu của nhà trường, kêu ca về chất lượng dạy học… mà là học sinh, thầy cô giáo - những nhà giáo dục lên tiếng.



876915-2013-125-04-a1.jpg


Em có ý kiến


1. Thư của em học sinh lớp 11 gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (năm 2007) có đoạn: "…Cháu cũng được biết các mặt tốt của việc bỏ thi đại học, ví dụ như sẽ đỡ cho nhà nước và các gia đình những khoản kinh phí nhất định song như thế sẽ gây cho học sinh chúng cháu rất nhiều những bất cập. Sẽ ra sao nếu như các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra không thực sự nghiêm túc, như thế kết quả thu được sẽ là rất bất công. Cháu không phải là không tin tưởng vào các biện pháp "cải tổ ngành” các cô bác đang thực hiện, nhưng cháu đã được chứng kiến rất nhiều những tiêu cực trong thi cử nhất là thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều đến mức cháu khó có thể tin là sẽ tổ chức được những kì thi tốt nghiệp nghiêm túc trên toàn quốc, đặc biệt là những tỉnh lẻ như nơi cháu đang sống”.



Chưa hết, em viết tiếp: "Một sự thực nữa là trong 3 học kì đã qua không ít những bạn cùng tuổi với cháu đã trót học lệch, chỉ chú trọng những môn mà sau này các bạn sẽ thi đại học, nên cho đến giờ các bạn đã bị bỏ xa nhiều kiến thức về các môn học khác nên đi thi sẽ không tránh khỏi hiện tượng không làm được bài hoặc có những bài thi dở khóc, dở cười. Tất nhiên đó là lỗi của các bạn ấy nhưng cháu nghĩ nếu như các bạn ấy bị trượt thì cũng thật đáng tiếc cho tài năng của các bạn ấy”.

Cuối cùng, em kết luận: "Nhiều lúc chúng cháu nghĩ không biết chúng cháu được sinh ra đúng khi nhà nước cải cách giáo dục là điều đáng mừng hay đáng lo nữa ạ, vì quá nhiều thay đổi, thay đổi lại thật dồn dập. Chẳng lẽ chúng cháu lại phải hy sinh mình để làm lứa thử nghiệm sao ạ ?”


Còn nội dung chính trong clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” của một học sinh lớp 12 hiện nay, được mở đầu bằng nhận định: lớp 12 tại Việt Nam là giai đoạn khắc nghiệt nhất trong đời học sinh. Cùng với nhận xét gây sốc rằng "những gì mà chúng ta đang gọi là giáo dục là hậu quả không hề tươi sáng với bất kỳ thành phần nào của xã hội”, một đề xuất được coi là táo bạo của học sinh này là chỉ cần học hết lớp 9 là đủ, không cần phải học 12 năm phổ thông, bởi vì ở tuổi 14, 15 nhiều người đã biết xác định được khả năng và lối đi riêng cho mình.

Cho rằng chương trình 12 năm đang áp dụng không thiết thực, nặng nề, học sinh này nhấn mạnh rằng hiện nay hầu hết học sinh học là để thi, để kiểm tra, để không bị tách rời khỏi đám đông, để được an toàn…. chứ không phải xuất phát từ mong muốn học để lấy kiến thức. Từ đó đặt vấn đề: "Nếu sáng mai không kiểm tra thì hôm nay bạn có học không? Nếu mai được nghỉ mà ngày kia cũng chẳng kiểm tra môn gì thì bạn có mở sách ra để học không? Nếu không có bất cứ một khái niệm nào trong thi cử, bạn có mở sách ra để làm giàu cho bản thân mình không?”




6 năm trôi qua, không biết học sinh lớp 11 năm nào gửi thư cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giờ ra sao? Và cũng lại tự hỏi: 6 năm nữa cuộc đời cậu học trò lớp 12 trong clip tháng 4-2013 thế nào? Nhưng quả là giáo dục đã thực sự là mối lo ngại của những người đang được giáo dục, đang được thừa hưởng; mối lo ấy kéo dài đã nhiều năm.

Giáo dục phổ thông của chúng ta lãng phí rất lớn. Hàng năm có một số lượng lớn thanh niên tốt nghiệp trung học phổ thông không qua lọt cánh cửa đại học, cao đẳng, phải bước vào thị trường lao động, chịu bằng lòng với một việc làm đơn giản không cần tay nghề, dù đã tốn 12 năm đèn sách, hoặc phải chấp nhận vào học nghề ở một trường trung cấp kỹ thuật vốn chỉ đòi hỏi trình độ trung học cơ sở. "Tình trạng lãng phí đó vừa thiệt hại cho xã hội, vừa tạo mầm mống bất ổn trong thanh niên”, theo GS. Hoàng Tụy.

2. Clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” ngay lập tức nhận được rất nhiều ý kiến, đồng tình/ không đồng tình; khen/ chê khác nhau. Theo TS Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) thì những gì xuất hiện trong clip không mới, nhưng cái mới ở đây là chỉ mãi đến bây giờ chúng ta mới nghe thấy điều này từ phía người học. "Điều đó cũng có nghĩa là các em đã cố gắng chịu đựng suốt bao nhiêu năm qua đến độ không chịu đựng nổi và phải tìm cách nói lên tâm tư của mình”.

Còn nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đánh giá, học sinh đó đã khao khát nói lên chính kiến. "Vừa xem clip tôi vừa suy nghĩ những điều em nói. Dù đâu đó còn điểm này, điểm khác phải bàn lại nhưng chuyện giáo dục đặt nặng thành tích, thi cử nhiều, áp lực lớn như em trình bày tôi hoàn toàn ủng hộ”, thầy Lâm nói.

Tương tự, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh- Hà Nội) cho rằng, điều em học sinh kia nói cũng là trăn trở bấy lâu của những người có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà. Chương trình phổ thông hiện nay quá nặng nề, thiên về kiến thức. Cái gì chúng ta cũng muốn học trò biết mà thiếu dạy trò kĩ năng sinh tồn, kĩ năng sống. Từ đó, PGS Cương cho rằng, nếu được thì cần loại bớt một nửa kiến thức có trong sách phổ thông.

Xung quanh việc giảm chương trình phổ thông từ 12 năm xuống còn 9 năm như "đề xuất” của "một kẻ lười biếng”, nhiều người đồng tình và đề nghị cần phải phân phối lại chương trình để người trẻ có thể cống hiến và làm được nhiều việc hơn cho xã hội vì thời gian học (kể cả đại học) lên tới 16-17 năm là quá dài. Lại có người cho rằng, cần kéo dài tuổi thơ cho các em bằng cách cho trẻ đi học muộn hơn (8 tuổi thay vì 6 tuổi) và chỉ nên học chương trình 10 năm. Còn những ai đã từng trải qua giai đoạn giáo dục hệ 10 năm trước kia thì cho rằng việc chuyển sang hệ 12 năm là phí phạm.

Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đề xuất học phổ thông 9 năm của học sinh này và một số người khác có phần ngây ngô và thiếu khả thi, trước hết bởi sự khác biệt về môi trường sống giữa các vùng miền trên đất nước, khiến "xuất phát điểm” của người học không tương đồng. Thêm nữa, nếu nói một thiếu niên 15, 16 tuổi đã tự xác định được khả năng và lối đi riêng cho mình thì thiếu căn cứ.


3. Trong lúc những tranh luận về giáo dục vẫn diễn ra thì ý định nung nấu một cuộc cải cách giáo dục cũng sôi sục không kém. Với giáo dục- đào tạo không chỉ đổi mới mà phải là cải cách.

Từ vùng sâu vùng xa, nhà giáo Hoàng Kim Hữu (Trường trung học cơ sở Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đưa ra nhận xét không gian của nền giáo dục hiện nay chưa thể thoát khỏi tính chất của con người "nông nghiệp, nông dân và nông thôn”; cải cách giáo dục hiện nay cái cốt yếu đầu tiên là phải đổi mới tư duy của những người làm giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông.

Còn nhà giáo Vũ Hữu Huy (Trường trung học phổ thông Ngọc Tảo, Hà Nội) thì nhấn mạnh rằng, cần phải định vị lại giáo dục; từ đó mới nói đến những chuyện cụ thể. Trong đó có vấn đề tăng lương, tăng học phí, bỏ thi đại học mà lồng ghép nó vào kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Nâng cao chất lượng giáo viên, giảm số tiết từ 17 tiết/tuần cho một giáo viên xuống còn 14tiết/tuần, đồng thời tăng số lượng trường học bằng cách giảm chỉ tiêu học sinh/lớp bằng 24 em;

Cải cách toàn bộ sách giáo khoa hiện nay với phương châm: Kiến thức hãy là hành trang để học sinh lập nghiệp. Nội dung tập trung sát thực tế tránh đưa những bài học mang tính chất hàn lâm, không thực tế, ví dụ như học thuyết lượng tử để làm gì khi không mắc nổi chiếc bóng đèn. Cuối cùng, ông Huy nói với "ông giáo dục” rằng, trong tình hình hiện nay hãy bình tâm suy xét để đặt lợi ích học sinh, giáo viên và lợi ích dân tộc lên hàng đầu.


GS Hoàng Tụy từng lên tiếng nhiều lần về những căn bệnh tàn phá nền giáo dục nước nhà, ông cũng đưa ra đề cương cải cách giáo dục của mình và chỉ ra những vấn đề chính cần giải quyết trong cải cách giáo dục.

-Thứ nhất: Cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy, giải tỏa nghịch lý lương, để nhà giáo ở mọi cấp an tâm làm việc, toàn tâm toàn ý với trách nhiệm cao cả của mình.


-Thứ hai: Cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề.

-Thứ ba: Thay đổi căn bản cung cách học và thi, xoá bỏ thi cử nặng nề, tốn kém mà kém lại hiệu quả.

-Thứ tư: Chuyển mạnh giáo dục đại học theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế về cả nội dung, phương pháp và tổ chức quản lý.


Theo GS Hoàng Tụy, 4 vấn đề đó phải giải quyết theo định hướng hội nhập tích cực vào trào lưu chung của thế giới văn minh.


Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục là lẽ đương nhiên. Nhưng cải cách nó thế nào đây trong khi cứ quanh quẩn giữa ngã ba đường. Nói như TS Vũ Thị Phương Anh thì các cuộc cải cách giáo dục của chúng ta thường nhằm vào nội dung chương trình, thời lượng, cơ sở vật chất trang thiết bị, sách giáo khoa.

Những cái đó cần nhưng chưa đủ và cũng không phải là ưu tiên hàng đầu. "Theo tôi, điều quan trọng hiện nay là có triết lý mới về giáo dục, và triết lý đó nếu cần tóm tắt lại trong một câu thì tôi gọi là "dân chủ hóa giáo dục…Nếu không nhắm đến việc thay đổi triết lý thì có cải cách đến mấy cũng chỉ nửa vời và không đạt được mục tiêu nhắm đến”. TS Phương Anh cũng lưu ý một cách nhẹ nhàng rằng, đa số giải pháp đã có sẵn, không cần chúng ta phải tìm con đường mới mà chỉ cần chúng ta đi trên con đường thế giới đã vạch sẵn, bằng phương tiện và vận tốc của chúng ta mà thôi.



Nguoonf : daidoanket.vn







 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top