Học sinh ăn ở nội trú: được & mất!

Totoro

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/12/2011
Bài viết
5.437
Nhu cầu cho con em ăn ở, học tập tại các trường phổ thông nội trú đang ngày một gia tăng, nhất là ở các gia đình không đủ điều kiện chăm sóc, kèm cặp con em.

939417-751b58d5844d0e-img.jpg


Trường THCS - THPT tư thục Nguyễn Văn Linh - Pleiku - Gia Lai

Các trường công lập hầu như không thể tổ chức cho học sinh ăn học nội trú. Mô hình trường dân lập - tư thục đã nhanh chóng gánh vác chức năng quan trọng này.

NỘI TRÚ, DỄ ĐỤNG CHẠM

Cách nay hơn 4 năm, ngay tại cửa phòng bảo vệ của một trường THPT tư thục ở một quận ven TP.HCM, máu của một học sinh (HS) lớp 12 đã đổ. Chỉ vì tức nhau cái “nhìn đểu” và lời thách thức đánh nhau, cậu HS D.V.Đ lớp 11 (17 tuổi) đã dùng dao Thái Lan đâm chết cậu HS H.T.Q. lớp 12 (19 tuổi). Cả hai đều ăn ở nội trú. Nạn nhân vốn là “đàn anh” có tiếng. Đáng tiếc nhất là khi xảy ra án mạng, các nhân viên bảo vệ nhà trường lại đang đi ăn cơm chiều. Sau vụ án kinh hoàng này, lực lượng bảo vệ, nhân viên quản sinh (quản lý học sinh), nhân viên giám thị của ngôi trường này được tăng cường gấp đôi số lượng. Tất cả phòng ở nội trú thường xuyên được kiểm tra, giám sát 24/24 giờ, đặc biệt các hung khí đều bị tịch thu, hệ thống camera được lắp đặt khắp nơi...

Anh T.Đ.A. đã có gần chục năm làm quản sinh của 3 trường THCS - THPT tư thục ở TP.HCM cho biết: Không chỉ ngăn ngừa HS chửi thề, kết bè phái, gây lộn, đánh nhau, chúng tôi còn phải giám sát đề phòng tình trạng hút hít (nhất là thuốc lắc, heroin), tình trạng mất cắp, lừa đảo. Ở tuổi vị thành niên, một số em đã sớm cặp bồ, tranh giành người yêu, ghen tuông rồ dại. Lại còn phải giúp học trò giữ gìn sức khoẻ, ăn ở vệ sinh… Hàng trăm, hàng nghìn đứa trẻ xa cha mẹ, đến từ mấy chục tỉnh - thành, khác nhau về lối sống, cách biệt về giọng nói, hoàn cảnh kinh tế gia đình giàu - nghèo khác nhau..., chứa đựng nguy cơ mất đoàn kết, thậm chí dẫn đến xung đột. Người quản sinh và cả nhà trường đều phải quan tâm đặc biệt đến HS nội trú, trong đó các em lớp 10 - lớp 11 có nhiều vấn đề đáng lo nhất!

Để phòng ngừa các hiện tượng đáng lo nói trên, nhiều trường THCS - THPT dân lập - tư thục đã ban hành “Nội quy HS ăn ở bán trú, nội trú” rất nghiêm ngặt. Ví dụ: Cấm tiếp khách và bạn khác giới trong phòng ở. Cấm nghe nhạc, cấm sử dụng điện thoại di động (và các phương tiện nghe nhìn khác) trong khu nội trú và cả trong sân trường. Cấm nấu ăn, cấm tự giặt ủi (đã có nhà trường lo chuyện này). Không cho HS ra khỏi khu nội trú và ra ngoài cổng trường, nếu không có người thân đến đón và chưa được nhà trường cho phép. Tất nhiên các vật dụng sắc nhọn, các chất dễ cháy nổ, chất gây nghiện... đều triệt để cấm tàng trữ, sử dụng. Cha mẹ (CM) HS trước khi gửi con vào ăn học nội trú - bán trú, đều phải ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định trên. Nếu con em vi phạm, sẽ dễ dàng bị nhà trường trả về gia đình và yêu cầu chuyển trường ngay.

939417-664188-image007.jpg
Một góc nội trú trường THPT tư thục Chu Văn An - TP HCM

NỘI TRÚ GIÚP HS MAU KHÔN LỚN

Chỉ riêng việc đưa đón, theo dõi con em đi học hàng ngày - với đông đảo các bậc CMHS (đặc biệt ở vùng đô thị phức tạp) - luôn luôn là bài toán nóng bỏng! Gửi con em vô trường nội trú sẽ thoát được nỗi lo rất lớn này.

Ở một số gia đình bất hạnh (cha mẹ li dị; cha hoặc mẹ mất sớm; cha đi tù, mẹ dính tệ nạn; cha mẹ lo bươn chải kiếm sống v.v...), thì việc phó thác hoàn toàn con cái cho trường nội trú là giải pháp tối ưu. Tất nhiên, nhà nghèo thì việc gửi con ăn học nội trú mỗi tháng 4-5 triệu đồng là không thể. Do đó, hầu hết gia đình HS phổ thông nội trú, đều có mức sống trên trung bình, nhiều em là con nhà đại gia, con em của gia đình quan chức. Một số đại gia đã cho con cái đi du học nội trú tự túc từ lớp 9 - 10, ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Singapore... Tất nhiên chi phí cao gấp chục lần - mấy chục lần so với học nội trú trong nước.

Ông N.H.V., hiệu trưởng một trường THPT công lập ở Cà Mau, cách nay 4 năm đã xin cho con theo học nội trú ở một trường THPT tư thục ngoại thành TP.HCM. Ông cho biết: Con tôi ở quê ít giao tiếp, học tiếng Anh hơi chậm, tính tình nhút nhát, lại có biểu hiện mê mệt game online. Sau 2 năm ăn học nội trú (lớp 11-12), cháu không còn những biểu hiện đáng lo như trên nữa. Cháu mau trưởng thành, tự lập tốt, tự giác cao, học lực khá, đã bỏ chơi game. Cháu đang học đại học ở Sài Gòn. Sau này ra trường, cháu dự định lập nghiệp lâu dài ở TPHCM, tôi ủng hộ và tin tưởng vào con.

Nếu con em học lực khá giỏi và hạnh kiểm tốt, chắc chắn rất ít CMHS lại chuyển con từ trường công lập sang trường tư thục, vì chi phí ăn - ở - học nội trú cao gấp 5-7 lần trường công. Nói vậy, không có nghĩa là HS nội trú các trường phổ thông tư thục đa số là thành phần cá biệt và học lực làng nhàng. Một số trường THCS - THPT tư thục nổi tiếng ở TP HCM như: trường Nguyễn Khuyến; trường Trương Vĩnh Ký... đã tổ chức sàng lọc đầu vào hết sức khắt khe, không khác gì cách thức tuyển sinh của các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa. Do đó tỷ lệ HS hai trường tư thục trên thi đỗ tốt nghiệp hàng năm là 100% và thi đậu vào đại học - cao đẳng cũng lên tới 70-80%/năm. Nhiều năm liền ở hai trường tư này, bình quân mỗi năm tỷ lệ chọi đầu vào lên tới 1/30, 1/40 HS.

Trong số hơn 80 trường THCS - THPT tư thục (riêng mô hình trường phổ thông dân lập chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa) ở TP HCM hiện nay, ước tính chỉ có khoảng chục trường nổi tiếng là quá thừa hồ sơ xin nhập học. Hơn 80% số trường tư còn lại đang phải chạy tất bật, về mấy chục tỉnh - thành phía Nam để chiêu sinh cho đủ chỉ tiêu và ăn học nội trú chất lượng cao - được các trường ra sức phô trương ưu thế. Nhiều trường phải bồi dưỡng các người môi giới chiêu sinh. Các trường trang bị phòng ở nội trú cho HS tương đương khách sạn 2-3 sao, có máy điều hoà nhiệt độ, máy tắm nóng lạnh, thậm chí có cả truyền hình cáp. Nếu HS bán trú, trường có xe ô tô đưa đón hàng ngày. HS nội trú được thầy quản nhiệm giúp ôn tập tất cả các buổi tối. Các em được học thêm Anh văn; Tin học và luyện thi cuối cấp ngay trong trường. Ngoài ra, nhà trường còn có sân chơi thể thao, sinh hoạt văn nghệ, để giúp HS tránh bị “xì trét” do học tập căng thẳng và để các em vơi bớt nỗi nhớ gia đình...

Theo Xaluan
 
Nội trú sướng muốn chết, học thoải mái không ồn ào và đặc biệt yên tĩnh so với căn nhà ngay chợ của tôi. Hơn nữa còn không phải nghe cha mẹ càm ràm này nọ, muốn ăn gì thì ăn, muốn học gì thì học. Chứ như bây giờ học khuya một chút thôi cũng bị nói này nói nọ, thì nhức đầu lắm:KSV@14:
 
×
Quay lại
Top