Học cách cân bằng

ngopro9x

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
31/5/2011
Bài viết
182
Học cách cân bằng
Khi tôi lên Sài Gòn trọ học được một thời gian, tôi nhận ra một điều chua chát rằng: Ở thành phố này dường như giữa người và người chỉ có mối quan hệ xã giao, chẳng hề có tình cảm thật sự một chút nào.

Có thể bạn cho rằng tôi quá cực đoan, cũng có thể do tôi toàn gặp những người như vậy.

Năm đầu tiên, tôi ở trong một khu đa số là sinh viên trọ học xa nhà. Khi đó, tôi mừng như bắt được vàng vì nghĩ cùng là sinh viên thì sẽ biết yêu quí và quan tâm lẫn nhau hơn.

Thế nhưng, có nhiều việc xảy ra khiến tôi cảm thấy mình thực sự bị hẫng hụt. Có một lần, nhỏ L đi học về trễ đói bụng quá xin tôi ít cơm ăn lót dạ, nhưng câu nói của L khiến tôi hết sức ngạc nhiên: “Tý nữa L nấu cơm sẽ mang trả H liền”.

Ôi! Bạn bè sống với nhau có lúc này lúc kia, đâu cần thiết phải sòng phẳng đến vậy. Câu nói của L khiến tôi cảm thấy hơi buồn, cái M cùng phòng chia sẻ với tôi: “Trong thành phố rạch ròi vậy đấy! Hôm bữa L xin tao mấy trái ớt mà nó còn mang sang trả nữa là. Nó bảo không muốn vay nợ ai gì cả. Ai ở đây cũng vậy thôi”.

Ở quê tôi, bạn bè sống với nhau rất thân tình và chủ yếu dựa vào tình cảm hành xử là chính, ít khi phân biệt sòng phẳng quá như thế, nên quả thật tôi hơi sốc trước cách chơi của các bạn trong này. Cùng khu nhưng đa số phòng nào biết phòng nấy, rất khó gần gũi hay giúp đỡ nhau trong sinh hoạt hằng ngày.

Lại có lần tôi mua nhầm 2 cuốn sách, trong khi một cậu bạn cùng lớp tôi chơi khá thân chưa mua cuốn sách này. Tôi đưa cho bạn ấy và nói cầm lấy mà dùng. Lát sau, cậu bạn dúi vào tay tôi hai chục nghìn, tôi hỏi: tiền gì?, thì cậu ta trả lời: tiền sách. Tôi nhất quyết trả lại tiền. Cậu ấy cũng nhất quyết không nhận, bảo:“ tớ mà đưa sách cho cậu thì tớ cũng nói cậu đưa tiền thôi”. Lần này tôi chuyển từ trạng thái sốc sang choáng. Trong đầu tôi đã mặc định sẵn con trai phải ga-lăng này nọ, với lại tôi thừa một cuốn sách cho bạn bè mình là chuyện bình thường, đâu có dính dáng tới chuyện tiền nong ở đây.

Dần dà, tôi hiểu rằng ở trong này phải sòng phẳng tất cả mọi thứ, điều đó khiến tôi ban đầu hơi khó thích ứng. Ở Miền Bắc, giả sử một anh chàng mời cả nhóm đi uống nước thì tất nhiên anh chàng đó sẽ nhận nhiệm vụ trả tiền. Rồi sau này khi ai đó lên tiếng mời thì người đó kiêm luôn việc trả tiền(đa số là vậy). Còn trong Nam, với trường hợp như thế các anh chàng sẽ đưa ra phương pháp: Cam - pu - chia, tức là mọi người cùng đóng góp chung. Suy cho cùng cũng chỉ là cách ứng xử văn hóa của từng vùng miền. Nhưng với một đứa con gái Bắc chuộng tình cảm như tôi thì việc rạch ròi quá khiến tình cảm cũng từ đó bị rạch ròi phân bì theo.

Khi tôi chuyển sang khu trọ mới, ở đây đa số là các anh chị đã đi làm, chỉ có phòng tôi và phòng nhỏ P bên cạnh là sinh viên. Thế nhưng các anh chị rất vui vẻ, thoải mái. Mỗi lần về quê là đem cho các phòng nhiều trái cây, nói là quà quê.

Có lần tôi phơi quần áo thì tới gần chiều trời đổ mưa. Tôi lo lắng khi mình đang ngồi học trên lớp và nhủ thầm: Thế là xong, ướt hết rồi. Nhưng về tới nhà chị K đã gọi: H, sang lấy đồ nè, may mà chị lấy kịp, không thì mấy đứa hết đồ mặc- vừa nói chị vừa cười trêu tôi. Tôi mừng quýnh cảm ơn chị. Lòng chợt cảm thấy ấm áp vô cùng. Dù chỉ là những hành động rất nhỏ thôi nhưng nếu mọi người biết quan tâm lẫn nhau thì cuộc sống đã đẹp lên rất nhiều.

Một hôm, tôi đang nấu thức ăn thì bình ga không may hết giữa chừng. Nếu đổi ga thì tôi phải đi xuống hai lầu nữa (phòng tôi trên lầu 3), tôi vừa la: hết ga mất tiêu rồi, ngay tức khắc đã có một bình ga chìa trước mặt mình bên phòng anh D: “Cầm dùng đi nhóc”. Tôi nhớ tới lời nhỏ M “ở trong này ai cũng sòng phẳng” vội nói ngay liền: “Tý nữa em đổi em trả anh nha”, thì anh nói ngay: “Làm gì mà rạch ròi thế, cứ dùng đi, khi nào hết anh sang phòng em lấy”…

Những gì các anh chị ở khu mới đã làm cho tôi giúp tôi dần dần xóa bỏ quan niệm của mình về sự sòng phẳng thái quá ở đây.

Đôi khi, giữa cách Cho và Nhận cũng cần thể hiện một cách khéo léo nhưng phải thật chân thành. Vì tình cảm cũng như cây cối, hoa lá…đều phải được nuôi dưỡng và chăm sóc để nó ngày một lớn dần lên, cũng như duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người xunh quanh. Và ở đời sẽ có lúc mình cần sự giúp đỡ của người này người khác, hay người khác cũng sẽ có giai đoạn cần sự giúp đỡ của mình. Quan trọng là phải biết ứng xử sao cho hợp lý - đó cũng là cách tôi học được để thích ứng với môi trường mới. Chẳng thể nói mọi thứ sòng phẳng hoàn toàn, và nếu có thực sự sòng phẳng thì đôi khi cũng đâu có tốt. Cái gì trong cuộc sống cũng có định tính và định lượng mà ta cần phải biết học cách cân bằng.
 
×
Quay lại
Top