Gửi Teen sẽ và sắp lên 12

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Đây chỉ là kinh nghiệm...thật ra đó là từ những thiếu sót của mình, viết ra để các bạn có được sự chuẩn bị tốt hơn mình trước đây.

Năm 12 sẽ…là một năm học với nhiều sự kiện và thử thách đến dồn dập. Từ tháng 8 đến tháng tư là 4 kì thi định kì (2 học kì, 2 giữa kì), sau Tết bắt đầu chộn rộn chuyện tư vấn chọn trường chọn ngành, từ khoảng tháng 3 đến giữa tháng 4 nộp đơn đăng kí trường và ngành dự thi, tháng 5 viết lưu bút và chia tay bạn bè đầy cảm xúc xáo trộn, đầu tháng 6 thi tốt nghiệp, đầu tháng 7 thi đại học, thi cao đẳng, mỗi đợt cách nhau khoảng 2-3 ngày.

Bài vở thì không kể hết, chồng chất giữa các môn thi tốt nghiệp và thi đại học. Mà tới tận cuối tháng 3 mới biết 3 môn thi tốt nghiệp còn lại, vậy nên suốt cả năm, phải học đều đều các môn, để đảm bảo đậu tốt nghiệp, cộng thêm nâng cao những môn khối thi đại học, bài vở rất nhiều. Mà đó chỉ mới là về phần học.

Phần tâm lý cũng không kém chuyện ly kì. Thứ nhất là áp lực bài, như trên. Thứ hai, áp lực chọn trường, nhìn chung rất rối reng vì không được định hướng từ sớm và đầy đủ, làm cho não mình “xoắn” cực đại. Nói là tìm hiểu nhưng ai trải qua rồi mới biết, chọn ngành, chọn trường, giống như là phải vắt “chân” lên trán suy nghĩ vậy, không khó, tìm rồi sẽ thấy thôi, nhưng đòi hỏi nhiều cân nhắc trăn trở, lẫn hoài nghi nữa, công tác hướng nghiệp lại chủ yếu là giới thiệu trường đại học chứ không phải tìm hiểu bản thân, tóm lại là chỉ có thể tự đi mà chủ động thôi. Thứ ba, càng gần cuối năm, cảm giác bồi hồi với bao sự xúc động dồn nén, rất nhiều lần mình sẽ bị cơn bão cảm xúc ập đến, nhưng đó cũng là một kỉ niệm khó quên của thời học sinh, thời điểm ta chắt chiu lại từng khoảnh khắc, tình bạn, tình thầy cô.

Cái thử thách ở đây là ta bị kẹp giữa hai cái vấn đề trên, do vậy ta cứ ở trong cái thế khá là “gọng kìm”, mệt não vô cùng. Thầy cô mình từng nói: “học sinh lớp 12 nhìn tụi nó già ra hẳn”, quả không sai. Cũng 9 tháng đó, nhưng năm 12 giống như là năm học dài nhất, với thật nhiều những ngày dài, dài ra vì học, dài ra vì nghĩ suy, mà, năm 12 cũng qua nhanh ào một cái như cơn mưa bóng mây, nhanh vì ta cứ mỗi sáng đến trường lại đuổi theo bài vở, đuổi theo những kì thi liên tiếp, nhanh vì một ngày mai thôi, ta phải xa bạn bè. Bây giờ mình đi qua năm 12 rồi, nhìn lại vẫn thấy như một giấc mơ, chớp nhoáng.

Viết đôi dòng để các bạn hình dung về những gì sắp trải qua. Nhưng dưới đây mới là phần quan trọng, rút ra từ kinh nghiệm của mình, đó là nói cho văn vẻ thôi, thật ra là từ những thiếu sót mà ra, viết ra để các bạn có một sự chuẩn bị tốt hơn mình trước đây.


2.jpg
Năm 12 hãy…
đếm ngược về tất cả mọi thứ bạn phải chuẩn bị.
Đầu tiên là chọn ngành chọn trường

Ngay từ bây giờ, nếu bạn có ý định thi đại học ngay sau tốt nghiệp (lựa chọn này có lợi vì lúc này kiến thức còn lưu lại trong đầu nhiều hơn, dễ ôn tập). Nhưng cho những ai chưa lên 12, tốt nhất là từ năm lớp 9 hãy bắt đầu tìm hiểu, thời gian nhiều sẽ thoải mái tìm hiểu và lựa chọn hơn, đến năm 12 chỉ lo học thì sẽ không bị áp lực tâm lý. Để tới phút cuối, khoảng sau Tết bạn mới cân nhắc thì e rằng hơi muộn và kinh nghiệm cho thấy có nhiều bạn học chung với mình đã “nhắm mắt đưa chân”. Không nên. Bạn có thể tham khảo những bước sau:

Bước 1, đọc tất cả tài liệu về phân tích tính cách của mình, MBTI thì hơi phức tạp, bên cạnh đó cũng có Tâm lý hình học, cuốn “Nghề nào cho bạn nghề nào cho tôi”, hay trắc nghiệm trên báo tuoitre.vn và nhiều loại khác, các bạn đọc qua (không cần quá khắt khe) cộng với tự xem xét bản thân để nắm được xu hướng tính cách chủ yếu của mình. Quyển “Giá như tôi biết những điều này trước khi thi đại học” của tác giả Đinh Tuấn Ân sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc định hướng tương lai.

Bước 2, là liệt kê ra điểm mạnh, điểm yếu, khả năng, môi trường làm việc ước mơ, hãy thả mình lơ lửng với ước mơ, thoải mái mơ để biết mình thật sự muốn gì. Sau đó liệt kê ra những ngành mà bạn thấy thích, nên tìm thêm càng nhiều ngành càng tốt, để có nhiều sự xem xét. Muốn nhanh thì mình tìm theo nhóm ngành.

Bước 3, vừa tìm hiểu, bằng TẤT CẢ những gì bạn có thể làm, từ sơ đến sâu, để dần hiểu về nó hơn và cũng vừa tự trả lời câu hỏi tại sao bạn muốn làm ngành đó (bạn nhớ đối chiếu với bản liệt kê ở bước 2), và yêu cầu của ngành đó đối với bạn. Bạn thu hẹp dần các lựa chọn, và tìm hiểu càng sâu càng tốt, nhất là những mặt hạn chế của nghề, để xem bạn có chịu đựng được không, nghề nào cũng có cái khó của nó.

Bước 4, bạn nên có ít nhất 3 sự lựa chọn, lúc này bạn cân nhắc về điều kiện tài chính, khả năng, v.v… sau đó chọn 1 quyết định cuối cùng, rồi chọn một trường đào tạo giỏi, vị trí trường thuận lợi, để thi vào. Chọn khối thi, nên chọn khối sở trường.

Những việc này, phải làm ngay từ đầu, đặc biệt là việc chọn khối thi, vì nếu không tới phút cuối mình đổi ý thi ngành khác, có khi đi kèm với việc phải thi khối khác, thì việc ôn luyện gấp rút rất khó khăn và không hiệu quả.

Có một điều nên biết, kĩ càng ngay từ lần lựa chọn đầu tiên là nên làm, nó sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền của, sức lực. Nhưng, như trong cuốn “Nếu tôi biết được khi còn 20” của Tina Seelig, rất khó để ra một quyết định đúng từ lần đầu tiên, nên cũng đừng quá áp lực. Nếu muốn an toàn, hãy đi con đường ngay dưới chân mình, nếu đủ đam mê, hãy đi theo con đường không được vẽ sẵn. Và cả sau khi lựa chọn, hãy mở rộng những cơ hội với mình, với những ngã rẽ bất ngờ mới, có thể nó sẽ đưa mình đến nơi muốn đến.

Thứ hai là việc ôn luyện

Mình không phản đối chuyện tự ở nhà học, song nếu thấy kiến thức không đủ hoặc thầy cô trên lớp giảng bài không hiểu, thì bạn nên đi tìm thầy giỏi ở ngoài để đi học thêm. Bạn biết nhiều hơn, bạn có lợi thế hơn. Nhưng học thêm nhiều đến đâu, cũng phải ít hơn thời gian học và luyện tập ở nhà, nếu không bạn sẽ bị đuối sức. Việc tự học của bạn vẫn quan trọng nhất, đó là lúc để kiến thức trên lớp thực sự được “chuyển giao” cho bạn, mãi mãi là của bạn. Hãy sắp xếp thời gian sao để bạn không phải “chạy show”, nếu vậy thì mình tiền mất mà tật mang nữa.

Không cần quan trọng việc học thầy cô nào quá nhiều, chủ yếu là mình thấy đủ kiến thức và hợp với cách dạy đó. Tránh học cùng lúc hai ba thầy cô một môn, bạn sẽ bị loạn kiến thức. Cũng đừng học người dạy kiểu đọc chép, mà nên học ai dạy bạn cách hệ thống kiến thức, đi từ trọng tâm ra ngoài lề, đi từ cơ bản đến nâng cao, và thực hành nhiều hơn là đưa cho bạn một mớ tài liệu lan man không đúng trọng tâm xu hướng ra đề thi rồi bắt bạn học. Như vậy rất phí sức, hiệu quả không cao. Đăng kí học sớm vì thầy cô dạy giỏi mau hết chỗ học.

Cũng không nên chủ quan đi luyện thi muộn quá. Thường thì mọi người hay đợi tới sau Tết mới học văn, anh, lý. Không nên vì dù nó có dễ dồn nén vô trí nhớ đi nữa thì học là một quá trình, mình phải tích lũy dần dần. Giống như chạy marathon, học 12 kiến thức không khó nhưng vấn đề là nó nhiều, và nhiều dạng, mình phải cho nó đủ thời gian để hấp thụ và lưu trữ. Mình học phải trừ hao, nên ở lớp mình học sẽ rất khó nhưng ra thi không đến mức vậy, đừng quá căng thẳng, nhưng phải luôn học cho đầy đủ để xoay sở với mọi kiểu đề dù khó hay dễ.

Các bạn cũng nên đọc qua phương pháp nhớ của Tony Buzan trong “Sử dụng trí tuệ của bạn” và cuốn “Tôi tài giỏi bạn cũng thế” của Adam Khoo (có bản ebook miễn phí), bạn sẽ có đầy đủ những phương pháp học tập cần thiết và tối ưu nhất, tiết kiệm thời gian nhất. Săn tìm và đi hỏi “tiền bối”các bí kíp học tập sẽ có ích cho bạn, ngay từ bây giờ, hãy làm.

Vấn đề của việc học không chỉ là bạn học cái gì, mà là cách bạn học, cái đó quyết định kết quả của bạn. Và điểm 10 của bài thi không ở trong đề dễ hay khó, để mà mình lo lắng, mà là trong cách bạn học, cách bạn đầu tư vào nó. Nhìn vào cách bạn ôn luyện, có thể đoán chắc được kết quả của bạn. Suy cho cùng thì bạn bỏ ra bao nhiêu, bạn nhận lại bấy nhiêu, không thể trông chờ vào may mắn, hay câu “học tài thi phận”, cánh cổng đại học rộng mở nhưng cũng khép lại nhẹ nhàng êm ái, và dứt khoát, nhưng nó cũng rất công bằng.

Hãy học hành có kế hoạch và kỉ luật, bạn càng nghiêm khắc với bản thân thì bạn càng làm chủ được nó, và thoải mái hơn, thư giãn hơn trong việc học.

Đạt một điểm 10 trong cách bạn học rồi bạn sẽ đạt mọi điểm 10 trong kì thi.

Thứ ba là sức khỏe

Việc này thường bị lơ là. Bạn hãy ăn uống điều độ, đủ chất. Có thực mới vực được đạo. Bạn muốn não bạn tập thể dục lên “sáu múi” thì cũng phải cung cấp cho nó đủ chất nó mới làm được phải không? Nếu sức khỏe kém, năng lực học tập của bạn cũng sẽ giảm sút, và năm 12 không phải là 1 ngày mà là một chuỗi các ngày. Dù có tròn lên một chút, không sao, quan trọng là năng lượng, “người mẫu gầy” không phải cơ thể dồi dào sức sống, huống chi để mà học.

Tập thể dục giúp tinh thần phấn chấn, chơi thể thao giữa các giờ học vừa giải trí vừa khỏe người, sảng khoái.

Đặc biệt là giấc ngủ, phải ngủ đủ, lý tưởng là 8 tiếng, nhưng lâu lâu quá bận thì 6 tiếng là tạm ổn, nhấn mạnh chữ “lâu lâu”. Ngủ ngon và sâu, liên tục, đừng ngủ đứt đoạn rồi dậy học bài, không có hiệu quả cho não nghỉ ngơi, ngủ thế ngày hôm sau bạn học cũng không vô được nhiều. Nên có giấc ngủ ngắn không quá 30 phút giữa trưa hoặc lúc bạn thấy mệt, nó sẽ giải lao cho não và tăng hiệu suất học lên đáng kể ngay sau đó, dù là chợp mắt thôi cũng được.

Ngủ quan trọng vì ngủ là thời gian não chuyển trí nhớ tạm thời bạn vừa học được sang trí nhớ dài hạn, hãy nhớ kĩ điều này. Nên dù bài nhiều đến đâu, nếu đã buồn ngủ quá rồi thì, hãy nghe theo tiếng gọi của cơ thể, bạn còn sống nhờ nó trong suốt hơn 100 năm nữa, hãy chăm sóc nó. Thức để cố nhồi nhét học không thể làm bạn nhớ nhiều hơn, não như miếng xốp hút, từ từ, nó không phải cái thùng, muốn đổ bao nhiêu thứ vào cũng được.

Thuận theo tự nhiên, bồi bổ cho cơ thể tốt nhất, nó sẽ phục vụ lại bạn “tận tình” nhất có thể. Chạy marathon, bạn càng phải có sức bền, bạn không được bỏ bê sức khỏe để kiệt sức giữa đường đua, vì bạn phải là một nhà vô địch, đúng không nào?

Thứ tư là về những cơn bão cảm xúc

Có hai thời điểm gây “rúng động” nhiều nhất là: lúc quyết định nộp đơn vào ngành nào trường nào, và lúc chia tay bạn bè. Một cái gây cho bạn bao nhiêu là suy tư, thậm chí căng thẳng. Một cái gây cho bạn nhiều bồi hồi, xúc động, buồn, nhớ.

Ở thời điểm thứ nhất, khoảng tháng 3 tháng 4, bạn sẽ hơi bị lơ là chuyện học một tí. Nói là một tí, nhưng sẽ có bạn bị lơ là nhiều hơn, vì phải lo suy nghĩ về con đường mình chọn, nhất là khi bạn không làm việc hướng nghiệp sớm, như mình đã nêu ở trên. Lúc này dư luận báo đài lẫn phụ huynh và ngay cả họ hàng, láng giềng của bạn, cũng chộn rộn muốn biết bạn chọn ngành nào. Bạn nghiễm nhiên trở thành trung tâm sự chú ý. Lúc này bạn sẽ thấy hơi nhiễu thông tin và bối rối. Bạn hãy bình tâm và đừng quan tâm quá nhiều, nhưng vẫn theo dõi thông tin báo chí để củng cố cho lựa chọn của mình.

Có thể bạn sẽ thấy nhiều chông chênh, nhiều băn khoăn, nhất là khi mọi người cứ dồn dập hỏi bạn “chọn ngành nào thế?”,” thi trường gì?”, càng làm bạn rối mù lên. Đừng quan tâm, nếu bạn còn chưa chắc chắn, bạn cứ ậm ừ cho qua: “cháu vẫn chưa biết bác ạ”, đại loại vậy, trả lời nhiều càng làm họ hỏi bạn nhiều hơn, dù họ cũng là vì quan tâm. Tâm trạng đang bối rối nên đừng rước thêm bối rối vào mình. Nói vậy đâu có nghĩa là bạn không quyết đoán, không có lập trường, chỉ là ở cái tuổi 18 này, không ai hoàn toàn biết mình thật sự muốn gì cả, âu cũng là lẽ thường tình.

Đặc biệt nếu bạn đang ấp ủ một dự định, một ước mơ táo bạo, khác với số đông, với lối suy nghĩ thông thường, thì tốt nhất đừng nói ra vội hay trả lời với ai, họ sẽ nói những câu đại loại là “làm nghề đó sao mà sống”, “làm cái khác đi”, “bạn nghĩ bạn là ai?”,…, họ không thể hiểu được và có một số người rất vô tâm. Đừng tiết lộ quá nhiều, quá trình lựa chọn và quyết định của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Quan trọng là quyết định cho bạn, sống cho bạn, chứ không phải cho dư luận, làm hài lòng mọi người khác. Cũng cân nhắc nhưng cũng đừng để họ làm nhiễu quyết định của mình. Khi khá chắc chắn rồi, chỉ cần thông báo và thảo luận với gia đình và bạn bè thân thiết thôi là đủ, họ đủ thấy bạn quan trọng để tôn trọng lựa chọn của bạn. Ngoài ra, bạn vẫn phải duy trì tiến độ học bình thường, nếu không bạn sẽ bị hổng kiến thức ở giai đoạn này.

Ở thời điểm thứ hai, là thời điểm gây xao nhãng nhiều nhất, vào cuối tháng 5. Một phần là lúc này bạn đã học hết chương trình 12 và luyện thi cũng gần xong, nên bạn sẽ cảm giác như mình hoàn thành việc học hết rồi. Một phần lớn khác là do, bạn sẽ cảm giác phải níu kéo lại từng kỉ niệm với bạn bè, từng dòng lưu bút thân thương, một lời tỏ tình chưa nói, cả tuổi học trò của mình. Lúc này chụp hình kỉ niệm, những dòng tâm trạng trên facebook, những cuốn lưu bút ồ ạt đổ về bạn. Đúng là lúc này là lúc có muốn có lại cũng không được, bạn sẽ cảm thấy “hi sinh” một chút giờ học của mình cũng không sao, nhưng thật ra nó “có sao” đó bạn ạ.

Mình không nói bạn hãy tiết chế cảm xúc, 12 thì những điều như vậy là phải có thôi, chỉ là bạn hãy tiếp tục duy trì thói quen và thời gian học như bình thường, cho bộ máy học tập của bạn không bị “khô dầu”, khởi động lại sẽ khó khăn. Đặc biệt là cuối năm học, sau khi chia tay bạn bè, bạn chắc chắn sẽ buồn nhiều lắm, ít nhất là 3 ngày. Nhưng sau đó hãy tạm quên để tiếp tục ôn luyện, dù sao ngay đầu tháng 6 sau đó, tức vài ngày đến 1 tuần nữa là thi tốt nghiệp, mà thi tốt nghiệp xong thì còn khoảng 3 tuần nữa là thi đại học, rất nhanh. Cảm xúc phải vững lại bạn mới tập trung học được.

Dù sao nếu cả năm học bạn chạy marathon rất ổn thì tới gian đoạn này bạn có rơi phong độ một tí, cũng không sao, quan trọng là bạn vẫn hệ thống được tất cả mọi thứ trong lòng bàn tay, thì giai đoạn này có hơi xao nhãng cũng không đến nỗi nghiêm trọng, nó sẽ nhẹ nhàng thôi.

Do đó, duy trì việc học đều đều cả năm là rất quan trọng, phải có kỉ luật trước, rồi bạn sẽ thấy lợi ích về sau của nó. Nhưng đó là mình nói “nếu”, nên trước đó mà bạn không học tập có kỉ luật thì thời điểm cuối năm học sẽ khó khăn đó.

Tóm lại, dù có nhiều cảm xúc thế nào, thì bạn vẫn phải học, như một thói quen, đều đặn, có kế hoạch. Lý trí một tí và đừng bị cuốn theo cảm xúc quá nhiều thì việc học của bạn sẽ trơn tru, mà năm 12 cuối cấp của kỉ niệm cũng trọn vẹn.
***
Năm 12 của mình…

Có rất nhiều xáo trộn vì mình không có sự chuẩn bị từ trước, mà cũng chưa nghe ai hay hỏi ai truyền đạt kinh nghiệm. Do đó mình đã bị lôi xềnh xệch theo bài vở, bị cuốn theo dòng hải lưu cảm xúc cuồn cuộn, sức khỏe lên xuống thất thường, nhiều lần vô cùng căng thẳng, nhưng cũng rất đáng nhớ.

Trên đây là những cái mình đã rút ra được. Sự chuẩn bị sẽ tạo ra sự tự tin. Chắc là vẫn chưa đủ đâu, nhưng tha thiết viết ra để mong các bạn có một năm 12 nhẹ nhàng hơn và học hành thoải mái, hiệu quả hơn nhé. Chúc mọi ai sẽ và sắp lên 12 một năm học hoành tráng và đáng nhớ. ^^

Theo Mực Tím
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
hồi hộp + lo lắng quá! :KSV@08:
những thứ cần trải qua! :KSV@08:
 
phải nói là năm lớp 12 là đáng nhớ nhất. Các 96ers chuẩn bị cho một năm đầy cảm xúc đi nhé:D
 
học mà chơi, chơi và hoc...đừng bỏ lỡ năm cuối của đời học sinh này
 
học nhưng vẫn phải chơi ;))
chơi nhưng vẫn nhớ để học ;)
 
năm nay em lên 11..cơ mà bài này thực sự hữu ích ạ. em cảm ơn :KSV@11:
 
Em cũng đang học 12.Có vẻ như là rất rất cực.Mới hè thôi mà thời gian cũng kín lắm rồi à.Toàn là học thêm.Suốt ngày cứ suy nghĩ lo rớt đại học.,hjx.Khổ lắm :KSV@15:
 
×
Quay lại
Top