Gò Công quê tôi có Đức Thái hậu Từ Dũ

thont

Thành viên
Tham gia
15/2/2011
Bài viết
11
Thái hậu Từ Dụ (1810-1902), thường bị gọi nhầm là Thái hậu Từ Dũ, là một Thái hậu nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam vào thời nhà Nguyễn. Bà là vợ vua Thiệu Trị và là mẹ vua Tự Đức. Bà nổi tiếng là người đức hạnh, biết yêu quí dân và giỏi nuôi dạy con cái. Danh hiệu của bà một thời gian dài được đặt cho một bệnh viện phụ sản lớn nhất ở Sài Gòn, sau là Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Từ Dũ.

Thái hậu Từ Dụ tên thật là Phạm Thị Hằng, tự Nguyệt,Thường hoặc Hào, sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh Ngọ (tức ngày 20 tháng 6 năm 1810) tại giồng Sơn Quy (Gò Rùa), làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (sau thuộc tỉnh Gò Công, nay thuộc Tiền Giang). Bà là trưởng nữ của Quốc công Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Vị.
Ngay từ thuở nhỏ bà đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, hiếu thuận, ham đọc sách. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu Trần Thị Đang, vợ kế của vua Gia Long, tuyển triệu vào hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, con vua Minh Mạng, và là cháu trai của bà.
Năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa Nguyễn Phúc Tĩnh Hảo. Năm sau, bà lại sinh cô công chúa thứ hai là công chúa Nguyễn Phúc Uyên Ý.
Ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (tức 22 tháng 9 năm 1829), bà sinh người con thứ ba là trai, đặt tên là Nguyễn Phúc Thì tức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (vua Tự Đức sau này).
Năm 1841, Miên Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị, bà trở thành Cung tần, được giữ chức Thượng nghi để coi sóc lục thượng, hai năm sau, được phong Thần phi. Qua đầu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), bà được phong làm Giai phi, rồi Nhất giai phi.
Năm 1847, vua Thiệu Trị mất, con bà là Hồng Nhậm được chọn nối nghiệp, tức vua Tự Đức.
Lên ngôi vua, Tự Đức nhiều lần ngỏ ý định tấn tôn cho mẹ, nhưng bà nhất định chối từ. Mãi đến ngày 15 tháng 4 năm Tự Đức thứ 2 (tức 7 tháng 5 năm 1849), nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận Kim bảo (sách vàng & ấn vàng) và tôn hiệu là Hoàng Thái hậu.
Tháng 6 năm Quí Mùi (1883), vua Tự Đức mất, để di chiếu tôn bà làm Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. Nhưng vì việc nước lắm rối ren, mãi đến năm 1885, Hàm Nghi nguyên niên, nhà vua mới có thể làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu.
Cũng ngay năm đó, sau lễ tấn tôn trên, Kinh thành Huế thất thủ, bà cùng với hai bà vợ vua Tự Đức là Hoàng Thái hậu và Hoàng Thái phi, theo vua Hàm Nghi chạy ra đến Quảng Trị. Sau lời tâu xin của nhà vua, bà và hai người con dâu mới trở lại Huế.
Năm 1887, Đồng Khánh thứ 2, nhà vua tấn tôn mỹ hiệu cho bà là Từ Dụ Bát huệ Thái hoàng Thái hậu.
Năm 1889, Thành Thái nguyên niên, nhân dịp mừng bà thọ 80 tuổi, bà được dâng tôn hiệu là Từ Dụ Bát huệ Khang thọ Thái thái hoàng Thái hậu.
Bà mất ngày mùng 5 tháng 4 năm Nhâm Dần (tức 12 tháng 5 năm 1902), thọ 92 tuổi, được dâng tên thụy là Nghi thiên tán thành, Từ Dụ Bác huệ trai túc tuệ đạt thọ đức nhân công Chương hoàng hậu, gọi tắt là Từ Dụ Nghi thiên Chương hoàng hậu.
Ngày 20 tháng 5 cùng năm, triều đình cử hành đại lễ an táng bà gần phía sau bên trái Xương Lăng (lăng vua Thiệu Trị) và có tên là Lăng Xương Thọ. Hiện toàn thể khu lăng này tọa lạc tại chân một dãy núi thấp (núi Thuận Đạo), thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế), cách Kinh thành Huế chừng 8 km.
Lễ xong, bài vị của bà được thờ ở Bửu Ðức điện trong Xương Lăng, được thờ ở Thế Miếu trong Hoàng thành Huế.

Và trong bài viết “Hoàng Thái Hậu Từ Dũ: Một tấm gương sáng”, đăng trên Trên website tỉnh Tiền Giang:
Tính tình Hoàng Thái hậu Từ Dũ đoan chính, nhàn nhã, cử chỉ khiêm cung lễ độ, ở trong cung ai cũng cảm mến và quý trọng đức độ. Khi vua Thiệu Trị rảnh việc, đọc sách đến nửa đêm chưa ngủ, Bà vẫn thức hầu không biết mỏi mệt. Mỗi lần vua Tự Đức vào hầu, bà thường khuyên dạy và nhà vua ghi lại những lời nói ấy trong sách "Từ Huấn Lục".Trong cuộc sống hằng ngày, bà rất tiết kiệm tiêu dùng và nghiêm khắc đối với sự lãng phí, xa hoa. Bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt. Bà nói: "Từ xưa đến nay, quan lại chỉ một chữ tham mà chưa trừ được. Mọt nước hại dân cũng từ đó mà ra. Làm quan mấy năm vị nào cũng giầu có gấp bội. Của ấy không lấy của dân thì lấy ở đâu? Nên phải quyết trừ.".Bà khuyên triều thần: "một sợi tơ, một hột gạo cũng đều là máu mỡ của dân, cho nên lãng phí đã không ích gì, mà lại đáng tiếc lắm vậy, chi bằng cất vào kho để dùng vào việc nước". Bà phê phán gắt gao kẻ dựa vào quyền thế gia tộc của bà để cầu vinh, hoặc che chở kẻ phạm pháp. Bà cũng bảo vua Tự Đức rằng: "ngưòi trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan, phải chuyên cần học hỏi, thi đậu vẻ vang gia tộc; chỉ lo là bất tài mà thôi. Ngoài ra, kẻ làm điều trái phép, Hoàng đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương cho người ta biết". Song song đó, bà rất trân trọng các quan trung thần, muốn có nhiều người như Võ Trọng Bình thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn và Nguyễn Tri Phương công trung cần cán không từ việc mệt nhọc. Bà nói: "nếu được nhiều người như vậy, đặt ra mỗi tỉnh một người thì việc nước, việc dân được bổ ích rất nhiều, mà vua cũng khỏi lo nhọc ngày đêm, ngặt vì còn có những tham quan bóc lột của dân không chán, mà lại không biết hối cải. Những của bất nghĩa không được tồn tại, được vài đời đã khánh tận, sau con cháu cùng khổ, thiên hạ chê cười, chi bằng làm điều nhân nghĩa, lưu truyền phước trạch lâu dài"... Bởi những đức tính tốt đẹp vừa dẫn trên, người ta đã chọn tên bà để đặt tên cho một bệnh viện phụ sản (Bệnh viện Từ Dũ) tại 284, Cống Quỳnh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top