Giáo Dục Việt Nam Trước Yêu Cầu Hội Nhập Và Phát Triển

cuongdona

Thành viên
Tham gia
22/12/2009
Bài viết
6
GIÁO DỤC VIỆT NAM TRƯỚC YÊU CẦU HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Nguyễn Văn Dân
Gần đây, giáo dục đang trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi trên báo chí. Đứng trước yêu cầu phát triển đất nước, ngành giáo dục của Việt Nam đang phải gánh một trách nhiệm rất nặng nề, thậm chí có người còn cho rằng giáo dục là “Lối đi duy nhất để Việt Nam thoát nghèo”.
Trước tình hình đó, nhiều ý kiến đang muốn tiếp thu các quan điểm và mô hình giáo dục nước ngoài để cải cách giáo dục Việt Nam. Có thể thấy các ý kiến tập trung vào những giải pháp chính như sau:
1. Cải cách phương pháp truyền thụ kiến thức: hạn chế phương pháp thiên về thầy nói, trò ghi, nghiêng về phương pháp gợi mở và có sự tham gia đối thoại tích cực của học sinh.
2. Tăng cường hoạt động nghiên cứu trong giáo dục đại học. Biến các cơ sở giáo dục-đào tạo đại học thành các trung tâm nghiên cứu khoa học-công nghệ.
3. Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục-đào tạo nghề nghiệp và đại học.
4. Phát triển các trung tâm giáo dục-đào tạo phục vụ thị trường.

5. Xây dựng các cơ sở giáo dục-đào tạo đại học đạt chuẩn quốc tế.
Nhìn chung, các giải pháp này đều đã được đề cập đến trong Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 của Bộ Giáo dục-Đào tạo (phê duyệt 2001), trong Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, và trong dự thảo Chiến lược giáo dục 2009-2020 của Bộ Giáo dục-Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp và chờ thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, việc thực hiện chúng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng và phải tính đến các điều kiện kinh tế-văn hoá-xã hội của nước ta, không nên áp dụng các mô hình giáo dục của nước ngoài một cách máy móc, đồng thời phải xét đến xu hướng chung của việc xây dựng và phát triển xã hội tri thức mà thế giới đang theo đuổi. Cụ thể, tôi xin có mấy ý kiến về việc áp dụng các giải pháp trên như sau:
Về giải pháp 1: Thực ra đây không phải là một giải pháp hoàn toàn mới. Bởi lẽ trong các trường đại học, nhiều giáo viên của chúng ta đã áp dụng phương pháp dạy học này rồi. Tuy nhiên chúng ta chưa có những quy định chặt chẽ và những biện pháp khuyến khích cho việc áp dụng giải pháp đó, vì thế nó chưa phát huy được hiệu quả trong giảng dạy đại học.
Về giải pháp 2: Đối với giải pháp biến các cơ sở giáo dục-đào tạo đại học thành các trung tâm nghiên cứu khoa học-công nghệ, tôi cho rằng có vẻ như khi đề ra giải pháp này, một số nhà khoa học của Việt Nam đang nhằm vào mô hình giáo dục-đào tạo của nước Mỹ. Quả thực là nước Mỹ có những cơ sở giáo dục đại học đồng thời là những trung tâm nghiên cứu khoa học-công nghệ rất mạnh. Thế nhưng các nhà khoa học đó đã không tính đến một điều là nước Mỹ không có viện hàn lâm khoa học làm nhiệm vụ nghiên cứu thực thụ. Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia của Hoa Kỳ thực chất chỉ là một hội danh dự, không vị lợi, tập hợp các học giả có thành tựu từ các cơ sở nghiên cứu trên cả nước, tự nguyện làm chức năng tư vấn chuyên môn cho Chính phủ và cho khu vực công. Còn nhiệm vụ nghiên cứu thực thụ được giao cho các trường đại học. Các thành viên của Viện Hàn lâm không được gọi là viện sĩ như ở Nga, Pháp..., và họ vẫn là thành viên của các cơ sở giáo dục và nghiên cứu. Vì thế các cơ sở giáo dục-đào tạo đại học của Hoa Kỳ mới chính là các trung tâm nghiên cứu thực thụ, được chính phủ cấp kinh phí và được những đơn vị đặt hàng nghiên cứu tài trợ, có cơ sở vật chất kỹ thuật riêng, có thể có cả các cơ sở sản xuất để nghiên cứu và triển khai. Từ đó chúng trở thành các trung tâm giáo dục và nghiên cứu khoa học rất mạnh của đất nước. Trong khi đó hoạt động quản lý và nghiên cứu khoa học-công nghệ của chúng ta lại đi theo mô hình của Liên Xô cũ và của một số nước khác như Pháp chẳng hạn. Cho nên, hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ của chúng ta lâu nay chủ yếu thuộc về trách nhiệm của các viện nghiên cứu (tương đương với các viện hàn lâm). Chỉ ở những lĩnh vực nào mà viện nghiên cứu của chúng ta yếu thì trường đại học mới phát triển mạnh khâu nghiên cứu, ví dụ như lĩnh vực y học và nông nghiệp... Do đó cái khẩu hiện “biến các cơ sở giáo dục-đào tạo đại học thành các trung tâm nghiên cứu” cần phải tính đến sự phân công lao động khoa học một cách hợp lý giữa khu vực giáo dục với khu vực nghiên cứu hàn lâm. Kết hợp giáo dục với nghiên cứu là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhưng kết hợp như thế nào để tránh trùng chéo và lãng phí. Có lẽ đó cũng là vấn đề đang còn gây lúng túng cho các nhà quản lý, và cũng là nguyên nhân lý giải vì sao mà từ trước đến nay chúng ta vẫn chưa làm tốt được chủ trương này.
Về giải pháp 3: Đây là giải pháp phù hợp với xu hướng chung hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, ngay cả quan điểm của LHQ cũng vẫn chủ trương coi trọng vai trò bao cấp và điều chỉnh của nhà nước trong các lĩnh vực an ninh quốc gia và khoa học cơ bản. Đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc mà quốc gia nào cũng phải tính đến.
Về giải pháp 4: Trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, chúng ta không thể tránh khỏi sự thâm nhập của yếu tố thị trường vào lĩnh vực giáo dục-đào tạo. Tuy nhiên chúng ta không được quên rằng mục tiêu của xã hội tri thức trong tương lai là tiến tới một xã hội chia sẻ tri thức, một xã hội học tập cho tất cả mọi người. Không để vì mục đích thị trường mà dẫn đến tình trạng mất cân đối trong giáo dục giữa khoa học cơ bản mang lại lợi ích lâu dài với khoa học ứng dụng mang lại lợi ích trước mắt; cũng như dẫn đến tình trạng chênh lệch xã hội do giáo dục gây ra. Điều này đã được LHQ nhấn mạnh. Nhiều nước hiện nay đã ý thức được những điều này và họ đã có những chính sách điều chỉnh rất tích cực.
Nước ta là một nước đang phát triển và đi sau, việc cải cách giáo dục phải tính đến mọi yếu tố, và điều quan trọng là phải tính đến những xu hướng tương lai của thế giới để không lặp lại những khiếm khuyết của xã hội thị trường, tránh dẫn đến những hậu quả mà trong tương lai xã hội tri thức sẽ phải khắc phục.
Về giải pháp 5: Hiện chúng ta đang nói rất nhiều đến giáo dục theo chuẩn quốc tế, đặc biệt là giáo dục đại học, và chúng ta đang muốn phấn đấu xây dựng một số trường đại học đẳng cấp quốc tế. Nhưng thế nào là chuẩn quốc tế trong giáo dục thì hầu như chúng ta chưa xác định được rõ ràng.
Trên thế giới, có lẽ người ta mới chỉ có các tiêu chuẩn quốc tế ISO cho công tác quản lý giáo dục nói chung, chứ chưa có các chuẩn quốc tế về mục tiêu, nội dung, hiệu quả và chất lượng cho tất cả các lĩnh vực giáo dục. Chẳng hạn UNESCO đã ban hành tiêu chuẩn quốc tế về phân cấp giáo dục: ISCED 1997. Theo bảng tiêu chuẩn này, các cấp [hay trình độ] của hệ thống giáo dục sẽ bao gồm 7 cấp tính từ 0 đến 6:
1. Cấp 0: Giáo dục mầm non;
2. Cấp 1: Giáo dục tiểu học: giai đoạn đầu của giáo dục cơ sở (6 năm bắt buộc);
3. Cấp 2: Giáo dục trung học cơ sở: giai đoạn cuối của giáo dục cơ sở (3 năm; kết thúc 9 năm giáo dục cơ sở bắt buộc);
4. Cấp 3: Giáo dục trung học phổ thông;
5. Cấp 4: Giáo dục sau trung học phổ thông (từ 6 tháng đến 2 năm);
6. Cấp 5: Giáo dục đại học giai đoạn đầu (không trực tiếp nhằm đào tạo trình độ nghiên cứu cao cấp; từ 2 đến 6 năm tuỳ chương trình học);
7. Cấp 6: Giáo dục đại học giai đoạn cuối (hướng tới đào tạo trình độ nghiên cứu cao cấp cho sinh viên đã tốt nghiệp, giúp họ có khả năng đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu; ở cấp này, người học phải làm luận văn hoặc luận án tốt nghiệp).
Đây chỉ là các tiêu chuẩn phân cấp chung, còn các tiêu chuẩn về nội dung đào tạo cụ thể của mỗi ngành thì mỗi ngành và mỗi trường lại có các tiêu chuẩn riêng. Trên thế giới, các nước đều có tình trạng và kinh nghiệm giáo dục khác nhau, cho nên ta rất khó biết tiếp thu và học hỏi nước nào. Ngay cả hệ thống phân cấp giáo dục 7 bậc của UNESCO trên đây cũng không phải là đã được tất cả các nước áp dụng. Vì thế việc lựa chọn mô hình nào cho phù hợp một cách thoả đáng với điều kiện của nước ta là một vấn đề rất nan giải.
Chúng ta đang nói rất nhiều đến cải cách giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng trong các cuộc tranh luận về giáo dục gần đây, thì hầu như rất ít có ý kiến nói đến khung phân cấp giáo dục nói trên của UNESCO. Hay nói đúng hơn là người ta không gắn tiêu chuẩn phân cấp giáo dục của UNESCO với cải cách giáo dục. Người ta đang nói rất nhiều đến những vấn đề trừu tượng và mơ hồ như “triết lý giáo dục”, “tiêu chuẩn quốc tế”, nhưng những tiêu chuẩn rất cụ thể như trên kia thì hầu như không thấy ai nói đến.
Chẳng hạn như ở khâu giáo dục đại học, chúng ta nói rất nhiều đến sự yếu kém về khả năng nghiên cứu của sinh viên sau tốt nghiệp. Nhưng không thấy ai nói đến việc phải áp dụng thêm cấp học thứ 6 cho sinh viên tốt nghiệp đại học theo như bảng phân cấp của UNESCO. Xin lưu ý đây vẫn là một cấp thuộc cấp giáo dục đại học chứ không phải là cấp sau đại học. Có lẽ đây cũng là một vấn đề mà chúng ta cần phải nghiên cứu và tham khảo.
Chúng ta cũng đang nói rất nhiều đến việc xây dựng các trường đại học “đạt tiêu chuẩn quốc tế”, kể cả các văn kiện của Đảng cũng nhắc đến điều này . Nhưng đại học tiêu chuẩn quốc tế là gì, ai là người đủ tư cách công nhận, thì không thấy ai chỉ ra. Đây cũng là điều mà nhiều người trong nước đang băn khoăn. Cho nên gọi “đại học tiêu chuẩn quốc tế” là một cách nói rất mơ hồ. Trên thực tế không có cái gọi là “đại học tiêu chuẩn quốc tế” chung cho tất cả các loại đại học, mà thực ra chỉ có những trường đại học có uy tín quốc tế mà chúng ta đang muốn học tập và gọi đó là đại học tiêu chuẩn quốc tế. Còn ở ta, người ta nói xây dựng đại học tiêu chuẩn quốc tế nhưng lại mời các tổ chức nước ngoài (như của Hà Lan, Hoa Kỳ) chứ không phải các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế kiểm định. Phải chăng chúng ta đang nhầm lẫn giữa khái niệm “quốc tế” với “nước ngoài”?
Trong dự thảo Chiến lược giáo dục 2009-2020, chúng ta đang chủ trương dạy tiếng Anh liên tục cho học sinh từ lớp 3 đến đại học; từ năm 2010 dạy song ngữ Anh-Việt ở một số môn học từ cuối cấp trung học cơ sở; đối với giáo dục đại học, thực hiện giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh ở một số trường đại học từ năm 2008. Một trong những quy định về tiêu chuẩn giáo sư là phải có trình độ giao tiếp được bằng tiếng Anh. Phải chăng tiếng Anh là một “chuẩn quốc tế” mà chúng ta đang theo đuổi.

Đúng là tiếng Anh rất có ích trong công cuộc hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên tôi muốn các nhà hoạch định chính sách và quản lý hãy tham khảo ý kiến của UNESCO về đa dạng văn hoá trước khi thông qua những chiến lược quan trọng như thế này. Trong đa dạng văn hoá chúng ta không thể không nói đến đa dạng ngôn ngữ, một thách thức cũng khá gây cấn trong xã hội tri thức hiện nay. Ngôn ngữ là một phương tiện chuyển tải tri thức. Nhưng hiện tại, trong thời đại của toàn cầu hoá, hiện tượng huỷ diệt các ngôn ngữ thiểu số đang gia tăng đến mức báo động. Mỗi một ngôn ngữ mất đi chính là một nền văn hoá bị mất đi, một kho tàng tri thức bị mất đi, một lối sống bị mất đi, và có thể là cả một đời sống tâm hồn bị mất đi!
Như vậy, khi tuyệt đối hoá một ngoại ngữ như tiếng Anh, chúng ta cần thận trọng tính đến các hậu quả mà nó có thể đem lại. Qua những gì UNESCO khuyến cáo, chúng ta có thể thấy, mặc dù tiếng Anh là một ngôn ngữ hữu ích trong công cuộc hội nhập hiện nay, nhưng chắc chắn trong quan niệm của UNESCO và của nhiều nước, nó không phải là một tiêu chuẩn quốc tế cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Vả lại, như chúng tôi đã nói, trên thực tế không có tiêu chuẩn về đại học quốc tế nói chung, mà chỉ có đại học có uy tín quốc tế. Vì thế có thể chấp nhận cách nói về việc xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế. Tất nhiên trong số những người nói đến đại học đẳng cấp quốc tế không phải ai cũng phân biệt được “đẳng cấp” với “tiêu chuẩn”. Song, ngay cả đối với việc xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế thì vấn đề đặt ra vẫn phải là: chúng ta sẽ phải lựa chọn mô hình đại học nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế-văn hoá-xã hội của đất nước, phù hợp với hệ thống phân cấp giữa giáo dục và nghiên cứu của nước ta, và nhất là phải đem lại hiệu quả thực tế đáp ứng yêu cầu phát triển con người và đất nước Việt Nam. Cụ thể là chúng ta sẽ lựa chọn mô hình đại học của Mỹ với truyền thống vừa là cơ sở đào tạo vừa làm thay chức năng nghiên cứu của một viện hàn lâm, hay là mô hình Nga, mô hình Pháp..., với truyền thống giáo dục chuyên sâu có sự hợp tác với các viện hàn lâm? Hiện tại các ý kiến đưa ra mới chỉ xuất phát từ cảm tính mà chưa có cơ sở lý luận và thực tiễn đủ sức thuyết phục. Rõ ràng, khái niệm “đại học tiêu chuẩn/đẳng cấp quốc tế” vẫn là một khái niệm rất mơ hồ. Nếu cứ huyễn hoặc với khái niệm đó thì chúng ta sẽ khó đạt được mục tiêu xây dựng một nền giáo dục Việt Nam tiên tiến và phù hợp với văn hoá dân tộc của nước nhà.

Điều nói trên đã được chúng tôi phát biểu trên báo chí (Văn nghệ số 31 ngày 1-8-2009; Tạp chí cộng sản số tháng 9-2009) và sau đó được đưa vào cuốn sách xuất bản vào quý III năm 2009 (Con người và văn hoá Việt Nam...) . Gần đây nhà toán học người Mỹ Neal Koblitz cũng khuyến cáo các nhà giáo dục Việt Nam đừng kỳ vọng vào nền giáo dục Hoa Kỳ, ý kiến của ông đã được đăng trên mạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo https://moet.gov.vn ngày 16-10-2009 .
Theo cách nhìn của nhiều nhà khoa học thì giáo dục Việt Nam tỏ ra rất đáng bi quan. Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực đào tạo đại học, thì nhà toán học Hoa Kỳ Koblitz lại có cái nhìn không hề bi quan, và theo chúng tôi, thái độ của Koblitz không phải là không có lý. Không bi quan, nhưng Koblitz cũng nhận ra sự yếu kém của đào tạo bậc cao của Việt Nam, và ông đã đưa ra 8 khuyến nghị. Nhưng những khuyến nghị đó, chung quy lại, vẫn chỉ là tăng cường vốn đầu tư cho giáo dục, điều mà đối với một nước nghèo như Việt Nam thì sẽ là một thách thức lớn.
Chúng tôi cũng cho rằng, cho dù ý kiến của nhiều người có thể có phần phóng đại, nhất là những ý kiến nói về đổi mới “triết lý giáo dục”, thì chúng ta cũng phải thẳng thắn công nhận giáo dục Việt Nam vẫn còn có những yếu kém, nhưng phần yếu kém chủ yếu thuộc về khâu quản lý và thiếu vốn nhiều hơn là do không có triết lý giáo dục! (Vụ “ồn ào” trong việc mở trường Đại học tư thục Phan Thiết vừa qua là một ví dụ điển hình: thành lập ngày 25-3-2009, đến tháng 10-2009 đã có tai tiếng và phải chịu một đợt kiểm tra!)
Trong số những kiến nghị về giáo dục của một số nhà khoa học, có những kiến nghị tỏ ra xác đáng, nhưng cũng có những kiến nghị thiếu cơ sở, ví dụ như kiến nghị “vận dụng những mặt mạnh của cơ chế thị trường vào phát triển giáo dục”. Đây là kiến nghị xa rời mục tiêu của xã hội tri thức. Vì thế, chúng tôi muốn đề xuất một số kiến nghị của riêng mình, hay cũng có thể nói là những việc thiết thực cần làm, đó là:

1. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong giáo dục. Không lấy cớ “vận dụng cơ chế thị trường” để buông lỏng giáo dục, đặc biệt là buông lỏng quản lý việc mở trường tư thục.
2. Cải cách cơ chế quản lý theo hướng tập trung, không dàn trải, nhằm tạo ra các cơ sở đào tạo có chất lượng cao. Trong tinh thần đó, trước mắt phải kiểm soát kỹ việc mở trường đại học tư thục để tránh tình trạng mở trường không nhằm giáo dục mà nhằm xin đất là chính. Đây là việc cần làm ngay để giữ gìn kỷ cương, nó có ý nghĩa thiết thực hơn nhiều so với việc đi tìm kiếm một triết lý giáo dục cao siêu nào đó.
3. Phân công nhiệm vụ hợp lý và trả công xứng đáng cho giáo viên để tránh tình trạng dạy thêm/học thêm tràn lan, vô nguyên tắc.
4. Chú ý cân đối cả giáo dục khoa học cơ bản lẫn khoa học ứng dụng.
5. Nên tham khảo nhiều mô hình đào tạo chứ không bắt chước một mô hình nào của nước ngoài. Chọn mô hình nào thì cũng phải lưu ý một điều là nước ta đang có một hệ thống giáo dục bên cạnh một hệ thống nghiên cứu hàn lâm. Nếu có kết hợp giáo dục với nghiên cứu thì cũng không được vô hiệu hoá hệ thống nghiên cứu hàn lâm.
6. Cuối cùng, nếu có thể gọi là triết lý giáo dục, thì một “triết lý giáo dục” quan trọng phải là: Không thể coi giáo dục là hàng hoá để thị trường hoá giáo dục! Đừng nhầm lẫn việc một cơ sở giáo dục-đào tạo đại học có thể có sản phẩm hàng hoá với việc coi giáo dục là hàng hoá. Bởi vì một cơ sở đào tạo có hàng hoá một khi nó kết hợp giáo dục với nghiên cứu. Khi đó, hàng hoá của nó là hàng hoá khoa học chứ không phải hàng hoá giáo dục. Giáo dục phải được coi là vốn đầu tư của xã hội thông qua nhà nước để xây dựng và phát triển con người.
*
Tóm lại, cải cách giáo dục theo hướng hội nhập là cần thiết và hợp lý. Một mặt chúng ta vừa cải cách để hội nhập, nhưng mặt khác chúng ta cũng phải tận dụng những thành tựu tiên tiến của hội nhập để cải cách. Những thành tựu tiên tiến đó chính là những xu thế tiến bộ chung của thế giới. Vì thế, nếu chỉ dựa vào mô hình giáo dục của một nước thì sẽ gặp phải những bất cập. Điều quan trọng là chúng ta phải dựa vào các điều kiện cụ thể và yêu cầu giáo dục và nghiên cứu khoa học của quốc gia để học hỏi kinh nghiệm giáo dục các nước, cộng với việc xem xét kỹ lưỡng các nguyên tắc theo xu hướng phát triển xã hội tri thức tương lai của thế giới. Có như thế chúng ta mới có được một nền giáo dục-đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng thật sự khoa học và phát huy được những đặc điểm văn hoá của dân tộc, góp phần quan trọng cho việc xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến ngang tầm thời đại.

Nguồn : trannhuong.com
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top