Giải mã vô cảm

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
e6c47e44c05a45638d3be1eb7fc2cab8_34a5a-e7ce7.jpg


“Một xã hội vô cảm sẽ là một xã hội chết - cái chết trước hết từ tâm hồn”- Nhận định đó quả thật không sai trước sự vô cảm đang hiện hữu và ngày càng lan rộng trong đời sống xã hội như một thứ dịch bệnh. Đừng nghĩ thứ “virut vô cảm” ấy không ảnh hưởng đến bản thân bạn, gia đình bạn. Người bị tai nạn giao thông nằm lại trên đường không được đưa đến bệnh viện kịp thời, người bị cướp giật đơn độc chống lại kẻ bất lương trong khi bao người khác đứng nhìn, những đồng tiền cứu trợ bị cắt xén đút túi kẻ có quyền vô lương... Vô cảm nhiều khi chính là tội ác! Hãy cùng chúng tôi, mỗi người góp một tiếng nói, ngõ hầu đẩy lùi căn bệnh này trước khi nó trở thành đại dịch nhấn chìm chúng ta!

Lâu nay, báo chí phản ánh nhiều về một “căn bệnh xã hội” không thể xem thường, đó là “bệnh” vô cảm. Dửng dưng trước mọi biểu hiện của cuộc sống, nhất là trước những đau khổ của đồng loại, trước những cái xấu và cái ác nhan nhản trong xã hội, chỉ cốt được việc và có lợi cho riêng mình, hơn thế nữa, chỉ biết “vinh thân phì gia” cho mình đang là một vấn đề cực kỳ nan giải và hết sức bức xúc của những người có lương tri. Tuy nhiên, giải mã về sự “vô cảm” là điều không phải dễ. Sự thật thì mỗi con người, mỗi tầng lớp hay đẳng cấp xã hội, với những “tầm” tư duy, sự giáo dục, tính thiện - ác, sở thích và nguyện vọng khác nhau thì nhận thức và biểu hiện thái độ, tình cảm trước một sự việc, một hiện tượng, một vấn đề sẽ khác nhau. Vì thế, có sự việc “vô cảm” với người này, lớp người này, nhưng lại không “vô cảm” với người kia, lớp người kia.

Đánh giá về một sự “vô cảm” đúng hay sai, phải dùng các tiêu chí chân - thiện - mỹ; tức là sự “vô cảm” ấy có dựa trên sự nhận thức đúng đắn về hiện thực khách quan hay không, có dựa trên cơ sở tính thiện (sự lương thiện) hay không, đồng thời có thể hiện một tình cảm, một thái độ ứng xử tương ứng với đối tượng và phù hợp với hoàn cảnh hay không. Nói cách khác, trước một hiện tượng, sự việc, vấn đề, mỗi người phải nhìn nhận cho đúng thực chất của nó và trên cơ sở tính thiện mà bày tỏ thái độ, tình cảm một cách phù hợp với đối tượng, với hoàn cảnh. Xin nêu ra đây một số biểu hiện cơ bản của sự “vô cảm”.

Một là - Có những sự “vô cảm” cực kỳ đáng ghét, đáng phê phán, đáng lên án. Chẳng hạn: Trước những bức xúc của nhân dân về việc thu hồi đất đai không minh bạch, đền bù không thỏa đáng hoặc bức xúc về những vụ tham nhũng, lãng phí, những hiện tượng quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhưng rất nhiều quan chức các cấp, các ngành, các địa phương vẫn thờ ơ, vẫn “ngâm cứu” những đơn từ khiếu nại, tố cáo của dân - điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trước đây gọi là những “sự im lặng đáng sợ”! Hoặc, trong khi đồng bào của mình bị thiên tai (bão lụt, động đất,...), có những người buôn bán thực phẩm, nguyên vật liệu xây dựng thì nhân “cơ hội vàng” (!) mà tha hồ “chặt chém” những người bị nạn; và không ít các chức sắc những nơi bị bão lụt lại lấy hàng cứu trợ để bán lại cho bà con bị bão lũ hoặc có doanh nghiệp dùng gạo mốc để... cứu đói cho dân!

Hai là - Có những sự “vô cảm” phần nào đáng cảm thông. Đấy là việc chứng kiến những sự tàn ác của bọn côn đồ đang hành hung hoặc cướp bóc người lương thiện nào đấy; hoặc biết một cán bộ, đảng viên có chức quyền tham nhũng, nhưng nhiều người lương thiện không dám can thiệp, không dám tố cáo, vì họ yếu thế hơn, không có võ nghệ cao cường và lo sợ bị chúng trù úm, trả thù. Hiện tượng này xảy ra rất nhiều trong tình hình hiện nay, khi luật pháp chưa nghiêm trị những kẻ phạm tội, chưa có chế tài bảo vệ cho những người dám tố cáo tham nhũng hoặc đánh trả bọn trộm cướp.

Ba là - Có những sự “vô cảm” mà sự thật lại là một thái độ, một quan điểm rất đáng... “gờm”. Ví dụ: Trước một sự kiện, một việc nào đó, thậm chí nhiều cơ quan báo chí đăng tin, bình luận liên tục và rầm rộ nhưng rất nhiều người dân, đặc biệt là những người lao động, người nghèo lại rất thờ ơ. Vì sao vậy? Vì họ đã rút được kinh nghiệm: Những sự kiện, những việc ấy không có ích lợi gì cho đại chúng cần lao hoặc chỉ lặp lại những “vết xe đổ”, hay chỉ là chuyện “bắt cóc bỏ đĩa” hoặc là: rồi đâu lại vào đấy, vẫn y nguyên. Chung quy là những sự kiện, vụ việc ấy không có ý nghĩa thiết thực cải thiện đời sống của người lao động. Nhân dân lao động cần những điều thiết thực, cần sự công bằng, sự minh bạch, cần miếng cơm manh áo hằng ngày, không thích những điều viển vông, hoa hòe hoa sói, không ưa những chuyện bày ra cho lòe loẹt, những cuộc tranh luận “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, không thích những chuyện “đánh trống bỏ dùi”. Những sự “vô cảm” như thế, theo tôi là sự “vô cảm của lương tri”- rất đáng quan tâm, nghiên cứu! Nói cách khác, một khi người dân (chân chính) chẳng còn quan tâm, chẳng cần để ý đến một sự kiện - dù có “hoành tráng” đến đâu thì đấy mới chính là một sự “vô cảm đáng sợ” cho xã hội, cho sự phát triển và cụ thể hơn là cho những người có chức quyền.

Vậy nên, nhìn cho sâu và trên lập trường chân - thiện - mỹ thì nhìn chung, sự vô cảm là đáng phê phán và lên án nhưng không phải sự “vô cảm” nào cũng đáng ghét, đáng giận.

Theo Sức khỏe & đời sống



 
×
Quay lại
Top