Gia đình miền núi có 4 sinh viên

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Hỏi tìm nhà ông Nguyễn Khắc Nhâm, người dân xã Nam Hóa (Quảng Bình) đều nhắc ngay những cái nhất: nợ nhiều nhất, người làm chủ tịch xã lâu nhất, và là người duy nhất có cả 4 con vào đại học .

Tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế, lại từng 2 nhiệm kỳ làm chủ tịch UBND xã Thạch Hóa và hiện đang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Nam Hóa, huyện miền núi Tuyên Hóa, ông Nhâm trở thành thần tượng của nhiều thanh niên địa phương về tri thức và cả sự cần cù trong cuộc sống.
giadinhngheo4sv-720377-2386.jpg

Dù vất vả nhưng vợ chồng ông Nhâm vẫn tươi cười vì tương lai của con cái - Ảnh: N.Q.A
Tiền lương hằng tháng không đủ cho chi phí sinh hoạt hằng ngày, vì vậy, tranh thủ từng giờ nghỉ, ông Nhâm bận bịu với mọi công việc gia đình, từ cấy cày, gặt lúa, chích nhựa thông cho tới việc giăng lưới bắt cá khe, mò cua ở những con suối.. để phụ giúp kinh tế trong nhà. Tiếng là một Bí thư xã nhưng phải làm những công việc này khiến không ít người ái ngại. “Người ta nói gì mặc họ, mình sống sao để khỏi hổ thẹn lương tâm, để vợ con bớt phần mệt nhọc là vui rồi”, ông tâm sự. Nhìn đôi chân nứt nẻ và rớm máu của vợ trong ruộng lúa, ông chỉ biết động viên: “Mẹ của mấy đứa làm việc nhiều rứa năm ni chắc được mùa lắm đây. Con mình học xa nhà rứa là đỡ được thêm tiền gạo mẹ nhỉ?”. Nói xong, cả hai vợ chồng nước mắt chực trào ra. Bao giờ cũng thế, có lẽ không vì ước mơ của các con chắc chắn họ đã không có động lực để vượt qua những vất vả hằng ngày.

Còn nhớ khi 4 người con trở thành sinh viên thì những tài sản quý của gia đình cũng bay theo. Ông bán ruộng vườn, đất nhà, và những cây cối trong vườn để có đủ tiền chu cấp cho các con hằng tháng. Ở một làng quê nghèo, mỗi tháng phải gửi ít nhất 8 triệu đồng quả là quá sức với họ. Vậy là đàn bò 26 con, lần lượt cũng phải bán, chỉ chừa lại 2 con để cày kéo khi cần. Biết là vậy nhưng ông vẫn hài hước: “Tụi nhỏ sợ ba mẹ ở nhà chăn bò cực khổ nên mỗi năm chúng dắt đi vài con ấy mà!”.

Năm 2008, cô con gái thứ 2 bị ốm nặng, ông phải vay nóng ngân hàng số tiền 70 triệu đồng để chữa chạy, đến nay vẫn chưa kịp trả. Đó là chưa kể tiền vay vốn sinh viên cho cả 4 người con hằng năm. Cho tới khi các con ra trường, số tiền lên hơn 100 triệu đồng. Với người dân miền quê, 170 triệu là món nợ khổng lồ mà mới nghe thôi đã thấy kinh sợ. Khó khăn là vậy nhưng cuộc sống của 2 vợ chồng vẫn luôn rạng rỡ nụ cười khi nghe tin các con học hành, thi cử tốt. Căn nhà cấp 4 cũ kỹ với chiếc xe Wave alpha “đồ cổ” là tài sản quý nhất. Thậm chí, căn nhà ấy còn thua xa nhiều hộ nghèo của xã. “Không chỉ giỏi công việc xã giao phó, chú ấy còn tranh thủ mọi giờ để làm việc đỡ đần vợ con. Thật hiếm có một con người như thế!”- anh Nhi (người dân xã Nam Hóa) kể.

Chỉ cần được nghỉ lễ vài ngày là 2 cậu con út của ông lại về với gia đình, phụ ba mẹ công việc cày cấy, làm rẫy. Đến nay, cậu con trai cả đã ra trường làm việc ổn định. Cô con gái thứ hai đang là sinh viên năm cuối, học ngành sư phạm Văn. Cậu con thứ ba đang là sinh viên năm 3 ngành Văn học và cậu út là sinh viên năm 2 học ngành Luật. Hiểu được những vất vả ba mẹ nên các con của ông đều biết phấn đấu và học rất giỏi. Cậu con cả Nguyễn Vũ Hoàng ngay khi còn học phổ thông, đã đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi các môn văn, địa và từng đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Ngoài giờ làm việc, ông Nhâm vẫn tiếp tục “nghề tay trái” của mình. Vất vả vẫn còn nối tiếp thế nhưng vì tương lai của 4 người con, ông đã quên đi tất cả. Ông nói như tự nhủ với chính mình: “Vì ước mơ của các con, chúng tôi vất vả thêm nữa cũng chẳng nhằm nhò gì!”.
Theo Thanhnien
 
×
Quay lại
Top