Gánh hàng rong

trucnguyen191

Thành viên
Tham gia
23/9/2011
Bài viết
9
Như mọi ngày vào tầm 12h trưa lại thấy bà năm lủi thủi với gánh hàng rong trên vai, còm cõi lê bước vào con hẻm. Nhà bà nằm ở cuối con hẻm. Căn nhà rách nát nhuốm màu thời gian như cuộc sống xế chiều của bà. Bà bước đi chậm chạp, run rẩy. Hai mắt bà nheo nheo kéo theo những vết chân chim sâu hoắm. Khuôn mặt bà đầy những vết nhăn. Những vết nhăn như những dòng nhật kí về cuộc đời, về những khó khăn và cả niềm vui mà mỗi con người rồi ai cũng sẽ trải qua.

Bà chậm chạp tiến đến căn nhà mình ở cuối con hẻm. Nhìn thấy bà, mấy đứa trẻ cười nói tíu tít chạy theo. Thằng Phước, thằng Ti đang ăn thua nhau mấy viên bi thấy bà cũng lật đật chạy theo. Con Mun, con Hiền đang chơi lò cò cũng quăng dép gọi bà năm í ới. Mấy đứa trẻ trong xóm chạy theo bà, tay chỉ trỏ vào gánh hàng. Quang gánh của bà cũng chỉ vỏn vẹn mấy món kẹo, bánh, me, xoài nhưng với lũ trẻ là cả một khung trời tuổi thơ. Trưa nào chúng cũng dợi bà gánh hàng về, để mua cho bằng được vài món quà bánh hay đồ chơi chúng thích.

Bà đặt quang gánh nặng nề trên vai xuống, thở phì phù. Giờ thì bọn trẻ đã bao quanh bà, chúng che miệng tủm tỉm cười rồi phá lên thành tiếng. Đứa thì bảo bà vừa thi chạy ma-ra-ton, đứa thì bảo bà bị công an đuổi. Những lời trêu chọc của bọn trẻ dần trở thành lời thăm hỏi đối với bà. Cuộc sống của bà neo đơn và cô độc tuổi về già nhưng chính gánh hàng rong này đã đem đến cho bà những người bạn nhỏ đáng yêu.

Hôm nay bán đắt hàng nên khi về đến nhà, mấy món bánh kẹo chẳng còn là bao. Tuy nhiên bọn trẻ đến với bà không chỉ để mua mấy trái me, chùm ruột, mấy cái bánh men,…mà chúng xúm quanh để nghe bà kể truyện.
Mọi người còn gọi bà là bà năm cổ tích. Ở đâu có bà là có bọn trẻ. Những câu truyện cổ tích đã phần nào thêu dệt khung trời tuổi thơ cho bọn trẻ. Cái thiện, cái ác được bà dẫn giải rõ ràng trong từng lời kể, điệu bộ. Nhìn ngắm khuôn mặt say sưa của chúng lòng bà lại dâng lên niềm vui khó tả. Bà lang thang qua từng con hẻm, ngõ ngách trong thành phố, đến với những xóm lao động nghèo chỉ mong đem lại cho bọn trẻ niềm vui nho nhỏ.

Có đứa mân mê mãi trái ổi trên tay chưa dám ăn, có đứa xé ngay bịch bánh gạo nhai móp mép…nhưng tất cả đều nháo nhào đề nghị bà năm kể truyện. Như mọi lần bà lại từ tốn. Ngày xửa…ngày xưa…Cứ như thế cả thế giới cổ tích dần dần hiện ra trong mắt bọn trẻ.

Câu truyện vừa kết thúc cũng là lúc bọn trẻ bị gọi về nhà. Như chim vỡ tổ chúng túa ra các hướng, có đứa quay đầu lại mỉm cười với bà như một lời hẹn gặp lại

Khi bọn trẻ đã về nhà với giấc ngủ trưa êm ái cùng ông bụt, bà tiên thì bà lại một mình với bát cơm canh đạm bạc. Trưa nào bà cũng về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi chốc lát, rồi quẳng gánh ra chợ mua hàng, tiếp tục những chặng đường rong ruổi. Cuộc sống của bà cứ như thế từ ngày này qua ngày khác.

Bọn trẻ này lớn lên thì vẫn còn bọn trẻ khác đang chờ những câu truyện kể của bà. Chỉ sợ rằng các con hẻm thân quen biến mất; chỉ sợ rằng bọn trẻ không còn ra sân chơi lò cò, nhảy dây; chỉ sợ rằng chúng không còn biết đến món bánh tiêu, bánh bò; chỉ sợ rằng các căn nhà san sát nhau được thay bằng những căn nhà biệt lập với tường cao, rào chắn…Phải chăng đấy là lúc bà biết đến sự cô đơn, buồn tủi?
Trời bắt đầu nắng gắt. Dáng vóc xiêu vẹo với quang gánh trên vai, bà bước từng bước nặng nhọc. Gió nhẹ nhè thổi mang theo hương thơm của những trái còng mùa chín rộ.
Thái Thiên Thanh



Bonus: Lời tác giả
Tuổi thơ dữ dội ai cũng có nhưng với mỗi người sự “dữ dội” đó lại mang những nét riêng. Ở cái thời tắm mưa (không có ở …), ở cái thời chơi tạc lon, đá banh (vì không biết nhảy dây), T đã từng trốn những giấc ngủ trưa để theo đám bạn hàng xóm chơi đùa, ăn hàng và nghịch nhợm. Nhiều lắm những kỉ niệm của “ngày xưa ơi” và có những kỉ niệm tưởng chừng đã quên lãng nhưng khi vô tình bắt gặp ta lại ngỡ ngàng thú vị. Chẳng hạn như:
Cái thời xưa ơi là xưa, xưa lắm mà không còn nhớ rõ nữa. Có một cô ( lúc đó chưa già lắm nên gọi bà thì hơi quá đáng) bán bánh tráng kẹo mạch nha. Món này ăn thật thú vị! Miếng bánh tráng giòn tan, trên đó là những sợi đường mạch nha vắt véo theo hình thù kì lạ. Cho thêm dừa bào sợi và mè đen vào là hết xẩy.
TUY NHIÊN, ghiền nhất không phải là món bánh này mà là cô ấy luôn kể truyện cổ tích rất hay. Kẹt nỗi không mua bánh thì đâu được nghe kể truyện. Thế là T cũng được xem là một trong những khách hàng thân thiết của cô ta. Sau mười mấy năm vô tình gặp lại bà ấy (gọi bằng bà được rồi) vẫn bị bọn trẻ bao quanh nhưng có phần ít hơn ngày xưa. Đúng như thế! T có cảm giác ngỡ ngàng thú vị: bọn trẻ này cũng ngây thơ như mình.
Hiện giờ, bọn trẻ muốn nghe truyện cổ tích thì cứ gọi điện 1080 hoặc alô cho chị Thỏ Ngọc gì gì đó…Nói chung là có nhều cách. Cuộc sống hiện đại và tất tấn tật các dịch vụ sinh ra là để đáp ứng nhu cầu đó nhưng nếu bọn trẻ được một lần, chỉ một lần thôi được biết đến những hình thức giải trí, vui chơi dung dị hơn thì cảm giác của chúng sẽ thế nào…nhỉ?

 
×
Quay lại
Top