Facebook Kiểm Soát Bạn Hay Chính Bạn Kiểm Soát Facebook?

Try to win

Banned
Tham gia
22/12/2017
Bài viết
25
87988acc-0832-11e8-887e-cac091044fd5.jpg

Theo The Next Web, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới. Tính đến tháng 7/2017, Facebook công bố số liệu cho thấy Việt Nam có 64 triệu người dùng, xếp thứ 7 trên toàn thế giới và chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu. Như vậy, Facebook được khoảng 2/3 dân số Việt Nam sử dụng, bao gồm cả các bạn thanh thiếu niên, các bạn thế hệ trẻ cũng như các bậc cha mè, những người ở thế hệ trước. Phải chăng Facebook mang lại quá nhiều tiện ích khiến hàng triệu người dân ta cùng sử dụng nó và biến nó trở thành một thứ không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Cùng với smartphone - chiếc điện thoại di động thông mình thì Facebook trở nên vô cùng quan trọng, việc lướt Facebook cũng không khác việc chúng ta phải ăn, ngủ và nghỉ ngơi hàng ngày. Tuy nhiên, Facebook cũng giống như con dao hai lưỡi, có thể mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chúng ta nhưng cũng có thể huỷ hoại đời sống của con người, thậm chí huỷ hoại cả một cuộc đời con người.

khac-phuc-ung-dung-facebook-bi-loi-featured.jpeg

Facebook có thể kết nối hàng triệu người dân Việt Nam cũng như hàng tỉ người trên Trái đất. Nó đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa con người với con người trên phương diện nào đó. Facebook cho phép người dung thoải mái chia sẻ mọi thứ trong đời sống ngày thường và đưa ra những cách để người dùng tương tác và tạo dựng, duy trì mối quan hệ với nhau, nhờ vào những nút thích, những biểu tượng yêu thích, cười haha, buồn hay tức giận,…nhờ vào chế độ bình luận và trả lời bình luận cũng như chia sẻ thông tin. Vậy là chúng ta thông qua Facebook đã xích lại gần nhau hơn bởi ta thấy được những chia sẻ của bạn bè nhiều hơn, có thể tương tác với nhau nhiều hơn,… Mặt trái của nó, Facebook làm cho người dùng mải mê lướt theo những dòng trạng thái, hình ảnh hay videos mà bạn bè của chúng ta chia sẻ, hay của những nhóm, cộng đồng khác nhau. Mỗi lần lướt Facebook, chúng ta đều thấy những dòng trạng thái hay chia sẻ từ khắp mọi nơi không ngừng hiện lên, và lướt mãi, lướt mãi… Chúng ta trở nên mong chờ những chia sẻ thú vị nào đó mà chúng ta chỉ có cách tiếp tục lướt xuống, lướt xuống, qua hết thông tin này đến những thứ hay ho và thú vị khác. Và chúng ta mải mê trên Facebook đến mức chúng ta không còn để ý tới thời gian nữa. Thời gian trôi qua nhanh vô cùng, ta cứ tự nhủ rằng sẽ vài phút nữa thôi, nhưng dòng thời gian của Facebook tạo ra cho chúng ta là vô tận, để rồi ta rơi vào cái bẫy vô tận mà vô hình ấy. Quay lại nhìn đồng hồ, chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu thời gian cho Facebook rồi? Vài phút ư? Không, đã qua vài chục phút, thậm chí vài tiếng rồi và ta vẫn chưa thể mở quyển sách ra học bài, mở một trang web khác để học tiếng Anh hay cầm một cuốn sách lên để đọc. Thậm chí, nếu chúng ta sử dụng Facebook trong nhà vệ sinh, chúng ta không biết mình đã ở trong nhà vệ sinh cả tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa xong, hay chúng ta lướt mãi mà chưa chịu đi tắm hay ngưng lại để ăn bữa cơm tối.
Có bao nhiêu người trong chúng ta cảm thấy hối hận vì những lúc sử dụng Facebook nhiều như thế? Có bao nhiêu bạn mong muốn tìm cách để giảm bớt thời gian sử dụng Facebook? Chúng ta có thể kiểm soát Facebook của mình tốt hơn bằng một số cách sau đây:

1. Tắt thông báo Facebook trên smartphone

6d3bbbfc-0834-11e8-a7bc-2e995a9a3302.jpg

Ngày nay, điện thoại di động thông minh đã trở thành một vật dụng bất ly thân của hầu hết mọi người. Còn Facebook xuất hiện trên màn hình điện thoại quan trọng không kém một phần cứng được cài đặt sẵn vậy. Và chúng ta hầu như không nhận ra rằng, chính biểu tượng với sắc xanh và trắng của Facebook trên màn hình điện thoại đã gây hiệu ứng tâm lí màu sắc lên não bộ của mình, khiến ta thích thú với nó và mong muốn mở nó ra và khám phá thế giới ảo vô tận bên trong nó ngay lập tức. Hơn nữa, mỗi lần có tương tác trên Facebook, chúng ta sẽ nhận được những dòng thông báo nổi lên ngay trên màn hình, và thậm chí có tiếng kêu thông báo (nếu chúng ta để chuông điện thoại) gây sự chú ý của ta. Lúc đó, chúng ta sẽ tò mò, không biết là “Cactus Flower đã bình luận trên trạng thái của bạn” thì nội dung bình luận đó là gì? Hơn nữa, khi thông báo chưa được đọc sẽ để lại những con số với màu đỏ ngay trên biểu tượng Facebook, và con người ta thường bị thu hút bởi màu đỏ, màu của máu, và màu của sự khẩn cấp, quan trọng. Cứ thế, Facebook có một thông báo ta lại mất thời gian mở lên xem, và cả ngày sẽ có bao nhiêu thông báo đến Facebook của chúng ta?
Mỗi ngày có quá nhiều thông báo từ Facebook làm ta xao nhãng công việc hay học hành. Vậy nên hãy tắt thông báo Facebook đi, đặc biệt là tắt chuông thông báo. Việc này sẽ giảm bớt việc thông báo Facebook khiến ta phải mở nó ngay lập tức, vì giờ đây ta không biết đã có ai yêu thích hay bình luận gì trên hình ảnh mình vừa đăng tối hôm qua. Ta cũng không biết, crush mà bạn đã bấm nút “nhận thông báo” vừa cập nhật một dòng trạng thái ngay lúc ấy. Hoặc có thể, bạn đã tắt hết thông báo, nhưng bạn vẫn còn rất tò mò xem đã có bao nhiêu người thích cái video của bạn rồi, cho nên bạn sẽ liên tục mở Facebook dù cho chẳng có thông báo gì. Tuy nhiên, việc tắt thông báo của Facebook mới chỉ là bước đầu tiên.

2. Hãy “giấu” Facebook trên smartphone của bạn đi và dành riêng một khoảng thời gian để kiểm tra nó

Facebook-app-1068x712.jpg

Chúng ta thường để ứng dụng Facebook ngay trên trang đầu tiên, nơi chúng ta mở khoá màn hình điện thoại ra là thấy, hay nơi dễ mở nhất trên màn hình điện thoại. Và chính điều đó thu hút sự chú ý của chúng ta đối với Facebook. Người ta thường nói, “đẹp trai không bằng chai mặt”, nghĩa là cứ xuất hiện liên tục ngay trước mắt thì chúng ta tức khắc có cảm tình với Facebook hơn. Và dù cho đã tắt hết thông báo, nhưng chúng ta lại theo thói quen sẽ mở Facebook xem có thông báo mới nào không, dòng thời gian có cập nhật dòng tâm trạng nào của Sơn Tùng MTP – ca sĩ mà mình yêu thích nhất không,… Để chúng ta không còn quá tiện tay mở ngay Facebook thì ta nên cất Facebook vào một góc trong điện thoại di động của mình. Hãy chuyển một vài ứng dụng trên điện thoại vào cùng một nhóm, sau đó để Facebook ở trang thứ 2 hoặc thứ 3 của nhóm đó, di chuyển nhóm ứng dụng đó vào một góc mà ta không hay để mắt tới hoặc nhóm đó bao gồm những ứng dụng mà rất hiếm khi sử dụng vì chúng chẳng có gì thú vị cả. Như vậy, mỗi lần mở điện thoại lên, sẽ không thấy Facebook “đập ngay vào mắt mình” nữa. Và nhờ đó mà chúng ta sẽ không mở Facebook liên tục mọi lúc, mọi nơi, vì đôi khi ta tưởng rằng mình đã xoá Facebook hoặc ta sẽ phải khá mất công đi “lục tìm” xem Facebook đang “lạc trôi” nơi nào.
Sau một thời gian “giấu” Facebook vào một góc như vậy thì số lần mở Facebook của chúng ta sẽ giảm đáng kể. Đặc biệt là nếu ta tự khẳng định với mình là Facebook đã “mất tích” trên điện thoại của mình và tối nay mình sẽ kiểm tra xem nó ở đâu và có chuyện gì đã diễn ra trên Facebook trong suốt một ngày. Hãy dành ra một khoảng thời gian trong ngày, đầu tiên có thể để khoảng 1 tiếng để kiểm tra thông báo và dòng thời gian vào buổi tối hoặc buổi sáng trong ngày. Sau đó thời gian mỗi lần online Facebook có thể giảm dần xuống tuỳ mức độ cần thiết và quan trọng của một số công việc ta bắt buộc sử dụng Facebook.
3. Kiểm soát dòng thời gian và những thứ được Facebook gửi thông báo

d681c034-0834-11e8-aa57-2e995a9a3302.jpg

Một việc vô cùng quan trọng để kiểm soát Facebook và không biến nó thành thứ phá hoại cuộc sống là kiểm soát thông tin chúng ta nhận được và nội dung các thông báo Facebook gửi đến chúng ta. Đầu tiên, hãy ưu tiên nhận thông báo và theo dõi các trang thông tin hay những nhóm, người quan trọng, cần thiết và bổ ích với chúng ta ở chế độ “Xem trước”. Và những trang thông tin hữu ích mà chúng ta quan tâm có thể là những trang tìm việc như Ybox.vn, Vietnamworks,... Luôn có những trang báo mạng như VTV, Dân Trí, Thanh niên,… chính thức trên Facebook mà chúng ta có thể xem trước để cập nhật tình hình thời sự nhanh chóng khi chúng ta không xem các chương trình Thời sự hay đọc báo riêng lẻ nữa. Ngoài ra còn rất nhiều những thông tin bổ ích về nhiều lĩnh vực như YboxConfession – nơi có những chia sẻ về việc làm, Tâm lý học tội phạm, Tâm lí học ứng dụng – những nghiên cứu về tâm lí được áp dụng trong cuộc sống đời thường, hay những trang nước ngoài như Quora, Did you know,…cung cấp rất nhiều bài viết về những vấn đề hay những câu chuyện lí thú và bổ ích mà còn có cơ hội rèn luyện tiếng Anh. Bên cạnh đó, chúng ta có thể xem trước những chia sẻ của những người mà chúng ta yêu mến như người thân hay bạn thân hay idol,… Tuy nhiên, cần lưu ý khi chế độ “Xem trước” của Facebook có giới hạn và chúng ta nên chọn lọc những thông tin quan trọng nhất xuất hiện đầu tiên trên dòng thời gian của mình.
Nếu vẫn muốn nhận thông tin về một trang web nào đó mà không để xem trước, chúng ta có thể theo dõi ở chế độ “Nhận thông báo” của “Tất cả bài viết” hay của bạn bè, tuỳ thuộc vào thông tin bạn muốn nhận. Đó cũng là một cách nhận thông tin dễ dàng hơn khi bạn cần những thông tin quan trọng từ đó. Hiện nay, Facebook cũng thay đổi cách đẩy thông báo, khi các thông báo về bình luận hay chia sẻ sẽ được ưu tiên hơn các thông báo về thích hay các phản ứng khác mà thông báo không còn xếp theo trình tự thời gian nữa. Điều này có thể làm trôi mất đi một vài thông báo từ các nhóm hay người bạn nào đó. Và chúng ta có thể giải quyết vấn đề này bằng cách, dặn dò bạn bè của mình hãy tag mình vào các bài viết hay bình luận quan trọng để chúng ta có thể nhận được thông báo và ưu tiên thông báo đó trên đầu.
Và một việc vô cùng cần thiết nữa chính là tạo cho mình một thói quen tốt sử dụng Facebook. Mỗi ngày khi chúng ta sử dụng khoảng thời gian riêng cho Facebook, cố gắng chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra các thông báo, sau đó lướt trên dòng thời gian cho đến khi HẾT phần nội dung xem trước thì DỪNG lại. Khi đó, chúng ta sẽ tránh việc xem các chia sẻ từ những người bạn có khi rất lạ, dẫn đến việc ta sẽ tiếp tục kéo dòng thời gian để xem thông tin từ những người quen…và cứ thế cứ thế đến vô tận.
Tóm lại, Facebook cực kì hữu ích khi cung cấp rất nhiều thông tin, chia sẻ cũng như giúp con người có nhiều cơ hội tương tác với nhau hơn. Nhưng hãy trở thành người sử dụng Facebook thông minh, lựa chọn thông tin có chọn lọc và cố gắng giảm thiểu thời gian sử dụng Facebook một cách vô bổ và biến Facebook thành công cụ hữu ích cho mình chứ không phải để bản thân trở thành “nô lệ” của Facebook.
Nguồn: Sưu tầm - Triết học Tuổi trẻ
 
×
Quay lại
Top