Ebook : Quà của bố -Trần Đình Dũng

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
QUÀ CỦA BỐ
Trần Đình Dũng
Vô ngôn

Lời giới thiệu của Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên
Trong muôn vạn thứ tình yêu trên cõi đời, có lẽ tình yêu thương con cái là vô bờ bến nhất. Một thứ tình cảm không gì so sánh được, không lý do và không cần đáp trả. Những ông bố, bà mẹ, khi mang đến cho thế giới này một sinh linh, cũng mang trên vai mình một gánh vác nặng trĩu – gánh nặng của việc “trồng người”. Những đứa trẻ lớn lên, không chỉ mang hình hài của bố mẹ cho, mà còn mang cả tinh thần, trí tuệ và tình yêu của hai đấng sinh thành. Chúng sẽ thành người hạnh phúc, thành công trong cuộc sống hay trở nên thui chột, bất hạnh…tùy thuộc vào “bản sắc” của tình yêu và sự giáo dục của cha và mẹ.

Thật khó để dừng mắt lại trước những câu chữ, những cảm xúc cứ dập dồn như sóng của Trần Đình Dũng. Tôi ngạc nhiên vì Dũng không viết văn, bởi nếu Dũng viết, chúng ta sẽ có thêm một nhà văn viết bằng tâm huyết của mình. Nếu anh yêu nghề viết như yêu con cái, có lẽ nhà văn này cũng trở nên “rồ dại” như chính tình yêu của mình đối với các con!


Tôi không quen Dũng, chỉ đọc tác phẩm của anh qua một cô bạn nhỏ – không lời giới thiệu nhân thân dài dòng nào khác – và tôi thật sự cảm ơn cô bạn đã để cảm xúc của tôi được vẹn nguyên, không bị áp lực bởi những lời giới thiệu về tác giả.

Vì thế, tôi đi từ cảm giác này đến cảm giác khác khi đọc 70 bài viết của anh.
Không biết bạn đọc sẽ có cảm giác gì? Nhưng “Rồ dại, điên cuồng” là những chữ tôi có thể nghĩ ra khi đọc những bài Dũng viết cho con. Dưới ngòi bút của Dũng – đúng hơn là dưới cảm xúc của Dũng, bản thân anh hiện ra như một “người tình, người bạn, người anh, người nô lệ…với cách cư xử và tình yêu “độc đáo” mà anh dành cho hai sinh linh bé bỏng của mình. Quả thật, tôi chưa thấy ai yêu con như cách Dũng viết, Dũng suy nghĩ và hành động. Bản thân anh cũng biết điều này và trong một số bài viết, anh có xin lỗi con vì hiểu được mình sẽ làm đứa trẻ mất đi điều gì trong cuộc sống sau này (Bố có lỗi với con).

Với trái tim một người mẹ, tôi cứ ước rằng những hình ảnh “người tình, người bạn, người anh, người nô lệ” của Dũng sẽ bớt đi một chút, để hình ảnh “người cha” được lớn hơn. Người cha với ý nghĩa che chở, giáo dục và răn đe con mình với rất nhiều nghiêm khắc. Để sau này, anh không phải hối hận rằng sau khi ngập chìm trong tình yêu của cha, các con anh sẽ hẫng hụt khi bước vào một thế giới muôn mặt – nơi tình yêu có thể phải đánh đổi bằng nỗi đau của cả đời người. Tôi thật xót xa khi đọc bài “Bố có lỗi với con” và bài “Gửi người yêu con tôi”. Không hiểu sao tôi cứ lo rằng, liệu với tình yêu ấy, Dũng có chen vào cuộc đời của các con khi chúng lớn sau này để lựa chọn, góp ý, cấm cản…khi chúng bắt đầu yêu? Và với tình yêu của bố vĩ đại như thế, liệu hai đứa trẻ có bằng lòng chấp nhận một thứ tình yêu khác chắc chắn có rất nhiều “biến cố” xảy ra hay sẽ so sánh và thụt lùi, co cụm và trở thành người cô đơn ngắm nhìn thế giới tình yêu của đại đồng trước mặt?

Nhưng đó chỉ là chút lo xa của tôi – một người mẹ – khi thấy một ông bố khác “lấn sân” cả trong những tình huống hai đứa trẻ cần sự giáo dục, sự vỗ về của người mẹ. Vẫn còn những bài khác mà Dũng dạy dỗ, khuyên bảo các con một cách… “tỉnh táo” (có phần quá tỉnh táo, có lẽ do nghề nghiệp là CEO chăng?), nhưng tôi không thích những bài này lắm vì nó mang quá nhiều cảm xúc, suy tư của “một người từng trải” khi luận giải vấn đề với một đứa trẻ con.

Tôi đặc biệt thích bài “Cây thông Noel” vì đó là bài nói lên hình ảnh người cha rõ nhất. Tôi xót xa, đồng cảm với Dũng khi đọc “Xin lỗi con” và tôi ứa nước mắt khi đọc bài “Bố yêu con vừa đủ”, bởi vì qua đó, tôi thấy lại được hình ảnh yêu thương của cha mình.

Viết lời giới thiệu cho một cuốn sách mà bản thân nó đã thể hiện được hết tâm tư, tình cảm của tác giả, đã chuyên chở, trao đến tận tay bạn đọc những thương yêu, lo lắng của một đấng sinh thành dành cho con cái của mình, như thế có thừa lắm không? Tôi nghĩ là thừa.

Vì thế, tôi chỉ viết lên những dòng này như cảm nhận của một người đọc, một người mẹ, với sự thấu hiểu lý do “rồ dại” trong yêu thương con cái của Dũng. Tôi ước rằng hai đứa trẻ hạnh phúc trong tình yêu của bố Dũng ngày hôm nay sẽ mãi luôn hạnh phúc như ý bố các cháu mong muốn khi đã trưởng thành.
Và trên tất cả mọi điều, tôi chúc cho Dũng nhận được tình yêu của hai đứa trẻ – vĩnh viễn trên cõi đời này, qua tất cả tháng năm.
.................
Các bạn có thể xem chi tiết tại file đính kèm
ST
 

Đính kèm

  • MM608492.docx
    79 KB · Lượt xem: 878
×
Quay lại
Top