Dũng cảm bước ra khỏi đám đông

Sun Glare

Tân Sinh Viên
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/6/2009
Bài viết
2.855
Hiện nay một vài sinh viên than vãn về sự bất công ở trường lớp của mình, thể hiện qua “những gói quà” mang biếu thầy, biếu cô.
Bạn đã từng đọc cuốn “Bởi vì yêu” của một tác giả người Pháp Guillaume Musso? Hoặc bạn đã từng nghe thấy tên của câu chuyện tình yêu nổi tiếng ấy? Đó thực sự là một tác phẩm đáng để bạn đọc trong những ngày cuối thu dịu mát này. Riêng tớ, điều khiến tớ ấn tượng với cuốn truyện này không phải là những bí ẩn, những kịch tính mà tác giả đã rất khéo léo lồng ghép, mà là câu chuyện về thời thơ ấu của Mark, một trong số những nhân vật chính của tác phẩm. Mark nói, ở nơi mà anh sống, giỏi quá hay dốt quá đều trở thành một cái tội. Ở trên lớp, anh phải sống giả vờ trong cái mác một học sinh trung bình như đại bộ phận học sinh khác trong lớp. Cái suy nghĩ không thể giỏi hơn người khác khiến tài năng phân tích tâm lý của anh phải đợi một thời gian rất dài sau đó mới có thể bước ra ngoài ánh sáng.
dungcam-chen.jpg

Rất nhiều bạn trẻ hiện nay có cùng suy nghĩ như Mark. Đó không phải là một điều gì đó không thể lý giải. Nó chỉ đơn giản như việc trong một giờ học, bạn nào hăng hái phát biểu xây dựng bài, trả lời đúng những gì câu hỏi, cả lớp lại à ồ và “phong” người đó danh hiệu “siêu nhân” đi kèm với thái độ ghen tị pha lẫn xa lánh không chút giấu giếm. Những bạn nào muốn “hòa đồng” với bạn bè, thường chọn cách giấu tài. Lớp học vì thế ngày càng im ắng. Nhiều bạn khác lại chọn cách “giỏi cầm chừng”, nghĩa là chỉ giơ tay vài lần đủ để gỡ điểm chuyên cần nếu lỡ nghỉ vài buổi học, nghĩa là chỉ cố gắng dành được điểm khá dù chắc rằng sức học của mình xứng đáng được nhiều hơn thế. Có bạn khác, khôn ngoan hơn, im lặng “giấu tài” ở trên lớp và chỉ bộc lộ nó khi kì thi đến. Bởi điểm và kết quả học tập giờ đây đã được gửi đến tài khoản của sinh viên ở trên trang web của trường thay vì in thành từng bảng và gửi tới các lớp. Ta giỏi hay dốt, điểm cao hay thấp, chỉ mình ta biết. Thầy cô được phen ngỡ ngàng vì tài năng ẩn giấu của chính học trò trong lớp mình.

Một vài bạn than vãn về sự bất công ở trường lớp của mình, thể hiện qua “những gói quà” mang biếu thầy, biếu cô. Trong lớp học X của cô bạn tôi, sinh viên nào dành chút thời gian rảnh rỗi tới “thăm” thầy cô sẽ dễ dàng có được điểm A, những sinh viên khác đánh vật với những trang lý thuyết, những cuốn bài tập và những ngày ôn thi vất vả chỉ có thể đổi lại điểm B, hoặc C. Sinh viên truyền tai nhau, không “đi” sẽ không thể qua môn này được đâu. Từ những bạn chăm chỉ học đến những người lười nhác, đều bị suy nghĩ đó tác động. Họ quyết định gác lại sách vở và cùng bạn bè tới nhà thầy. Họ không hề nghĩ rằng mình đã bị số đông ấy thuyết phục từ lúc nào không hay.

Chỉ cần bạn là một người trẻ và bạn có ít nhiều hứng thú với các truyện ngắn của một cây bút trẻ nổi tiếng từ khi còn chưa đến tuổi teen, Minh Nhật, bạn hẳn vẫn còn nhớ truyện ngắn mang tên “Tuyết rơi ở Northampton”! Chàng trai trong truyện, vì muốn “hòa đồng” với những thằng con trai khác trong lớp, đã cố tình từ chối, tỏ ra đùa cợt với tình cảm của cô gái mà chàng trai ấy đã dành rất nhiều thiện cảm. Cô gái ấy được tất thảy lũ con trai trong lớp để ý, ai cũng tranh giành từng điều nhỏ xíu để được gây ấn tượng với cô. Điều kì lạ là cô nàng này chỉ chú ý tới anh chàng nhân vật chính của chúng ta. Nhưng vì không muốn mình trở thành kẻ bị cả lớp…tẩy chay, bị tách ra khỏi đội bóng, bị cho…ra rìa của những buổi tụ tập gắn mác tụi con trai, anh chàng đã không dám đối mặt với tình cảm của mình. Cậu không đủ dũng cảm để bước ra khỏi đám đông để nắm giữ lấy hạnh phúc của chính mình, để rồi phải mệt mỏi nhận ra “Điều sai lầm duy nhất là phủ nhận những gì trái tim mình thực sự cảm nhận”.

Trong các buổi họp nhóm của các bạn sinh viên, các buổi thảo luận ở các công ty, tổ chức, người ta thường tôn trọng ý kiến của số đông với lý do “thiểu số phải phục tùng đa số”. Quan niệm đó từ lâu đã trở thành “thông lệ” không chỉ đối với người Việt Nam ta mà còn với rất nhiều người ở các nước khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, ta không thể khắc định chắc chắn rằng số đông lúc nào cũng đúng. Những phát hiện của nhà bác học đa tài Galile lúc đầu chẳng phải cũng không được số đông công nhận đó sao? Nhưng ông vẫn kiên trì, và mọi cố gắng đã được đền đáp. Bạn nghĩ rằng đó là điều không thể? Suy nghĩ ấy hoàn toàn sai lầm. Lý thuyết “dại bầy còn hơn khôn độc” chưa từng được cho là đúng. Tất cả nằm trong tầm tay của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều được ông trời ban phát cho một hoặc nhiều tài năng nào đó. Điều quan trọng nằm ở chỗ, bạn có đủ dũng cảm để bước ra khỏi đám đông hay không mà thôi?

(theo Mực tím)
 
×
Quay lại
Top