Doanh và nhân

leduy

Là chính anh
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/8/2010
Bài viết
2.078
Doanh nhân chân chính không buôn gian bán lận, không lừa dối khách hàng, không làm hại người khác...
Nhà bác học Lê Quí Đôn (1726-1784) từng khẳng định “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng” (Có nghĩa: không có nông nghiệp thì xã hội không ổn định; không có công nghiệp thì không giàu; không có thương nghiệp buôn bán, giao lưu thì không thể mở mang; không có tri thức, trí tuệ thì không hưng thịnh được). Đó là 4 thành phần căn bản được xem là “tứ trụ” của xã hội.

Sau nhiều thăng trầm của thời cuộc, ngày nay doanh nhân ở nước ta lại về đúng vị trí của mình, được xác định là một trong bốn “tứ trụ” của xã hội. Doanh nhân là nói theo gốc Hán - Việt, còn tiếng Việt gọi là người kinh doanh. Chữ Người đi trước chữ Doanh.

Gần đây dư luận bức xúc và lo lắng về sự tha hóa của người Việt, thậm chí còn coi đó là “khủng hoảng đạo đức xã hội”. Mọi người nói nhiều đến khái niệm đạo đức, đặc biệt là đạo đức kinh doanh. Doanh nhân chân chính không buôn gian bán lận, không lừa dối khách hàng, không làm hại người khác... Xã hội nào cũng có luật, ngành nghề nào cũng có đạo chứ chẳng riêng gì kinh doanh. Bởi thế, trước khi nói đến đạo đức nghề nghiệp phải nói đến đạo làm người.

Trước khi trở thành doanh nhân chân chính thì phải làm con người bình thường. Doanh nhân là chủ doanh nghiệp, họ lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện các trách nhiệm xã hội, gọi tắt là CSR (Corporate Social Responsibility) với bốn yêu cầu bắt buộc. Sản phẩm của doanh nghiệp phải có ích cho xã hội. Kinh doanh, sản xuất không tổn hại môi trường sống, kể cả văn hóa và đạo đức. Đảm bảo đời sống của nhân viên, cả vật chất lẫn tinh thần. Chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng qua việc đóng thuế đầy đủ và các hoạt động xã hội. Doanh nhân có quyền làm giàu hợp pháp nhưng phải có nghĩa vụ với xã hội.

Tiếc thay, một số doanh nhân tự cho phép mình đứng ngoài xã hội và đứng trên mọi người. Có doanh nghiệp lừa dối khách hàng thông qua các quảng cáo không trung thực, hay bán hàng kém chất lượng. Hoặc chưa hết lòng chăm lo cho đội ngũ để nhân viên có thể “sống được” chứ không “phải sống”. Có doanh nghiệp thoải mái xả nước thải, khí thải và các chất độc hại ra môi trường... Họ chỉ biết “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Doanh nhân ngày nay không chỉ là người kinh doanh thuần túy. Rất nhiều người được học hành và đào tạo bài bản. Có người vừa kinh doanh vừa đi dạy, vừa viết văn viết báo, vừa làm đại biểu HĐND các cấp và cả đại biểu Quốc hội...

Dù làm gì thì doanh nhân trước hết phải là Con Người đúng nghĩa với đầy đủ chữ TÂM - Tâm với Đời, Tâm với Nghề, Tâm với Mình. Chính đội ngũ doanh nhân đang góp phần làm nên diện mạo của đất nước, hội nhập với thế giới và làm giàu cho đất nước.

Theo Nguyễn Văn Mỹ
Thanh Niên
 
×
Quay lại
Top