ĐẠO_ĐỖ HỒNG LAM

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Truyện ngắn “Đạo” của tác giả Đỗ hồng Lam đã đoạt giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn với chủ đề Nhà giáo do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục đào tạo tổ chức.





ongdo.jpg
Thuở ấy, ông Đỗ Đại là một thư pháp gia nức tiếng trong vùng. Người địa phương quen miệng gọi là ông đồ Đỗ. Ông chuyên dạy học trò nghệ thuật viết thư pháp. Ông là truyền nhân đời thứ năm trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Cụ tổ năm đời trước của ông từng đỗ Tiến sĩ, làm quan thanh liêm, cương trực, yêu dân, cốt cách phi thường nên được mấy đời vua vời lại trong cung cấm để rèn chữ nghĩa cho các thái tử, công hầu. Có lần sứ Tàu sang nước Nam tỏ ý ngạo mạn đã bị cụ vặn cho cứng lưỡi bằng lời lẽ đanh thép thấu tình, đạt lí. Khi nhìn bút pháp của cụ, nhiều sứ Tàu đã phải bái phục trầm trồ : "Thực xứng là Nam quốc đệ nhất hành thư". Thiên hạ còn truyền miệng câu chuyện rằng, ông đồ Đỗ từng làm quan trong triều, can gián vua không được thì bỏ về quê dạy học. Trong vùng có tên cường hào biết tiếng ông là thánh chữ liền đến xin, ông cương quyết không cho. Mua chuộc mãi không được, hắn giở trò đưa người đến đe doạ, ép buộc. Trước mũi gươm sắc lạnh của tên gian ác, ông vẫn hiên ngang, ánh mắt nhìn thẳng không chịu khuất phục. Sau vì người nhà kêu khóc van xin quá, ông đồng ý viết cho hắn một chữ. Tên cường hào hí hửng mang chữ về treo trang trọng trong phòng khách, ai nhìn cũng thán phục ngợi ca. Nhưng lạ thay, mỗi lần nhìn ngắm bức thư tác, hắn lại rùng mình lạnh toát sống lưng, vã mồ hôi hột. Từ nét bút như có những lưỡi dao bén ngọt phóng ra cứa vào tâm can hắn. Hắn mất ăn mất ngủ, mê sảng và gầy rộc đến nỗi khiếp đảm phải tự thân mang chữ đến xin trả lại, từ đó bệnh mới lui. Nghe nói ông đồ còn giữ trong nhà một bộ Văn Phòng Tứ Bảo vô giá. Đây là báu vật nhà vua đã đặc ân ban cho tổ tiên ông từ thuở xa xưa. Bộ Văn Phòng Tứ Bảo này từ bao đời đã được xem như ấn kiếm của gia tộc, chỉ trao vào tay ai có đủ tài đức xứng đáng làm truyền nhân nhất với một nghi lễ cực kì long trọng.
Ông đồ Đỗ thường ngày sống rất hiền lành, gần gũi với mọi người và có rất nhiều học trò. Nhiều người trong số họ không quản xa xôi tìm đến xin học. Ông hay ngồi trên chiếc sập gỗ bóng nước thời gian giảng bài, học trò ngồi dưới thềm đặt giấy nghiên trên án thư luyện chữ. Tiếng ông rành mạch, sang sảng, đôi tay khoát hoạt, ánh mắt tinh anh, đôn hậu. Dáng ông ngồi ung dung tự tại, chòm râu bạc trắng như toả sáng. Nhìn ông, người ta thấy ngay một trí sĩ nho nhã, chỉ lấy việc hành đạo làm lẽ sống mà xa vòng tục luỵ.
Thư pháp là một môn học rất khó, đòi hỏi người học phải có đủ cả tâm, nhẫn, trí, lực. Phàm những ai lòng dạ hẹp hòi, suốt đời tư lợi, chỉ cuốn hút vào những đấu đá tranh vòng danh lợi, tiền bạc đều không thể học thành tài được. Có người viết mau đẹp, người thì luyện cả đời không xong. Cũng có người luyện đã thành tài rồi mà cái tâm trót trở nên xấu xa thì ngọn bút cũng mất thần, viết chữ nào cũng hỏng. Tất cả học trò của ông đồ đều được dạy dỗ, uốn nắn tận tình. Mỗi học trò tuỳ theo mặt mạnh, mặt yếu mà thầy có cách dạy riêng. Ông thường khuyên học trò : "Dục tốc bất đạt". Học thư pháp trước hết cái tâm phải bình thản, không được nóng vội, tập trung dồn hết tinh thần lên đầu ngọn bút. Ông dạy học trò từ cách mài mực, chọn giấy bút cho đến tư thế ngồi và cách cầm bút. Thế ngồi phải ngay ngắn, thư thái, hơi thở điều hoà. Tay cầm bút phải gọn gàng, lỏng mà không rã rời, chặt mà không cứng đơ. Những cốt yếu trong phép chấp bút như đè, ép, câu, cản, chống ông đều rèn cho học trò hết sức tỉ mỉ. Học viết từ đơn giản đến phức tạp, từ các nét căn bản điểm, khiêu, hoành, thụ, phiệt, nại, quyết, câu cho đến các bộ thủ ; rồi từ ý nghĩa tượng hình, tượng thanh, tượng ý,... cho đến kết cấu của chữ, cách trình bày của lời văn, câu đối,... Cái khó nhất mà ông đồ thường lưu ý bắt học trò phải nhập tâm là chữ phải có thần, mỗi nét lại chỉ được viết một lần, không dặm tô, tỉa tót thì mới tự nhiên. Nét bút phải có khí lực, chuyển vận tròn trịa, nhuần nhã, góc cạnh sắc sảo, rõ ràng. Phóng khoáng, bay bướm mà không cẩu thả, cuồng nộ ; cứng cáp, vững vàng mà không gò bó, thô kệch ; vấn vít, hoà quyện mà không lấn lướt, rối mắt. Khi nhấn thì nặng như núi, khi điểm nhẹ tựa hoa rơi, khi uốn mềm như tơ liễu bên hồ thu gió sớm,... Tay viết tài hoa thì một nét sổ cũng tạo bức tường thành, tay non kém dẫu có viết nhiều cũng chỉ như đống cành khô, củi mục. Chữ mà như tranh, thu cả cái khoáng đạt, hùng vĩ của bể rộng, trời cao ; tụ được cả nhân tình thế thái đau đáu vào trong đó.
Nam Tuấn là một học trò trẻ tuổi, tư chất thông minh, rất được thầy yêu mến. Ông đồ đã thấy được ở chàng những nhân tố tốt đẹp để trở thành một tay viết tài hoa. Lúc đầu Tuấn còn ham ăn, mải ngủ lắm, đôi khi trễ nải việc học. Một hôm ông đồ có việc đi vắng, khi trở về thấy Tuấn đang ngủ say sưa liền lấy cái chuôi quạt gõ gõ vào cái bụng tròn tròn của chàng mà bảo : "Tuấn à, phải học nhiều cho cái bụng nó gọn lại đi". Tuấn trở dậy dụi mắt thưa : "Dạ, con ăn nhiều để có thực mới vực được đạo ạ". Ông đồ cười : "Đúng ! Nhưng phải vừa vừa thôi, thực mà nhiều quá thì nó lấn mất đạo đi, người ta chê cười đó con". Nói rồi ông đồ kể cho Tuấn nghe câu chuyện ngày xưa có người luyện chữ, ngày nào cũng thế, khi viết xong là lại đem bút ra ao rửa, lâu ngày nước ao đen như mực. Người đó về sau chữ đẹp không ai bằng, được gọi là "Thảo thánh". Tuấn nghe ra, từ đó chàng chăm chú nghe thầy giảng, có điều gì chưa rõ liền hỏi thầy thật kĩ càng và miệt mài luyện viết đến độ chai hết các ngón tay, mòn cả nghiên bút. Có nhiều nét viết rất khó, Tuấn khổ công luyện cho thật nhuần nhuyễn mới thôi, nhiều lúc quên cả ăn. Chàng không ngừng suy ngẫm, tìm tòi và tiến bộ rất nhanh, chẳng bao lâu đã vượt xa các học trò khác. Không những thế, Tuấn còn chăm chỉ làm việc, bổ củi, thổi cơm, dọn dẹp nhà cửa cho thầy, mọi thứ đều gọn gàng, sạch sẽ.
Tuấn hằng ngày hay đun nước, pha trà cho thầy tiếp khách. Ông đồ thường ngồi bên khóm trúc ngoài sân đàm đạo với khách. Họ là những người tri kỉ, những văn nhân, có cả những sĩ phu từ khắp nơi tìm đến. Những ngày lễ tết, người đến xin chữ về treo cũng đông lắm, ai cũng tỏ vẻ kính cẩn với ông đồ và luôn được ông vui vẻ đón tiếp. Một hôm có một người khách lạ, ăn mặc kiểu đạo sĩ đến xin gặp ông đồ. Họ cùng ngồi đàm đạo khá lâu, đạo sĩ nói : "Bần đạo nghe danh đã lâu, vẫn thầm nuôi lòng kính phục, nay mới được gặp, xin cảm tạ thầy đã tiếp đón chu đáo !". Ông đồ đáp lễ rằng : "Đa tạ tấm thịnh tình của ngài, xin đừng khách sáo !". Đạo sĩ nói tiếp : "Tôi gieo quẻ và biết rằng vùng này sắp có tai hoạ, vậy xin khuyên thầy hãy tạm rời đến chân dãy Lạc Sơn ở phía đằng tây kia, chỗ đó thuận lợi và an toàn". Nói rồi đạo sĩ từ biệt ông đồ ra đi.
Tối đó, ông đồ ra sân, quan sát thật kĩ bầu trời, hướng gió rồi vào nhà ngẫm nghĩ hồi lâu. Sáng hôm sau, ông sai Tuấn đi mời một số người giàu có trong vùng đến gặp ông. Họ là những kẻ rất hợm hĩnh, từ lâu đã mong có được mấy chữ của ông đồ về treo trong nhà làm sang mà luôn bị ông từ chối. Tuấn ngạc nhiên lắm, liền hỏi :
- Thưa thầy, xưa nay thầy có bao giờ tiếp đón bọn họ đâu ạ, sao hôm nay... ?
- Con cứ đi mời họ đến đây cho thầy !
Khi họ đến, ông đồ nói sẵn sàng viết những gì họ cần. Bọn này ngạc nhiên lắm và mừng rơn, hứa trả cho ông rất hậu. Ông đồ không lấy tiền, chỉ yêu cầu thật nhiều gạo ăn và vải mặc. Chúng đồng ý liền. Chừng ít lâu sau thì xảy ra mất mùa, đói kém, người ăn xin đầy đường. Ông đồ cùng học trò liền lấy lương ăn và áo mặc ra giúp đỡ những người khốn khó. Ông còn sai đốt sẵn những đống lửa lớn trong sân nhà cho những người hành khất sưởi ấm. Một miếng khi đói bằng cả gói khi no, tất thảy họ đều cảm động ứa nước mắt. Sau đó quan huyện cũng cử lính mang lương xuống cứu trợ. Cuối cùng đận khó khăn cũng qua đi. Ông đồ thở phào bảo học trò : "Phải bán chữ cho những kẻ trưởng giả học làm sang thầy cũng buồn, nhưng không còn cách nào khác. Vả chăng của cải của họ cũng là do vơ vét của dân mà ra chứ ở đâu. Các con phải biết thương người như thể thương thân, nên làm việc nghĩa giúp người mới được".
Học thầy được mấy năm thì nét bút của Tuấn đã khá lắm, ông đồ rất khen ngợi. Một đêm trăng sáng, ông gọi Tuấn pha trà rồi bảo ngồi xuống bên ông, nói :
- Con hãy nhớ, phàm là hạng phàm phu tục tử thì không bao giờ thấu được cái đạo lí huyền diệu của chữ nghĩa. Thư pháp là cái thú tao nhã của tao nhân mặc khách, là cái để rèn luyện cốt cách của người quân tử. Nếu cái tâm của con luôn trong sáng thì dù số phận con có không may rơi vào bĩ cực, chữ của con vẫn đẹp đẽ như thường. Thầy đã nhìn chữ Đạo con viết, thầy biết rồi đây con đường đến với đạo của con sẽ có không ít hiểm trở, nguy nan nhưng chính những thử thách đó sẽ giúp con trưởng thành. Tướng mạo và hoa tay con thầy trông rồi đây sẽ vang danh thiên hạ.
Tuấn thưa :
- Dạ, con xin kính vâng lời thầy.
Nhấp một ngụm trà sen thơm ngát, khẽ vuốt chòm râu bàng bạc ánh trăng, ông đồ nói tiếp :
- Cái chữ cũng có hình hài, có sinh mệnh, phải trải đủ sướng - khổ, nhục - vinh, bao lần thay da, đổi thịt thì mới hoàn hảo được. Thời buổi nhiễu nhương, bọn tham quan cường hào hà hiếp dân lành vẫn còn đó, đấng anh minh ở trên cũng khó mà soi xét cho hết được, con phải cẩn trọng giữ mình, giữ đạo mà luyện chữ.
Tuấn im lặng hồi lâu rồi ngước cặp mắt sáng nhìn thầy :
- Dạ, thưa thầy ! Con phải học đến khi nào thì sẽ đạt đến độ tuyệt bút như thầy ạ ?
Ông đồ mỉm cười nhìn cậu trò yêu :
- Tuyệt bút là do người ta đặt cho thầy chứ bản thân thầy tự thấy còn có chỗ chưa đạt. Chữ thánh hiền là dành cho cả thiên hạ, đâu có cho riêng mình ai. Bể học mênh mông, nhân tài sa số. Kiến thức của thầy cũng có hạn, thầy khuyên con hãy ra đi mà mở mang tầm mắt, tìm một con đường mà phát huy sở học của con. Phải ra đời thì mới thấu được đạo con ạ. Đến khi nào người thiên hạ thán phục thần bút của con mà không ai nhận ra con là học trò của thầy thì đó mới là lúc con thực sự trưởng thành.

Sau đó ít lâu, hai thầy trò bịn rịn chia tay. Tuấn siết chặt tay người thầy mà chàng kính yêu hẹn ngày tái ngộ.
Tuấn đi thêm nhiều nơi tầm sư học đạo nhưng đi đến đâu, hễ khi người ta biết rằng chàng từng là học trò yêu của ông đồ Đỗ thì không ai dám nhận dạy. Thế rồi, khi chàng còn chưa kịp hoàn tất sở học của mình thì chiến tranh xảy đến. Đâu đâu cũng binh đao khói lửa ngập trời. Trước thế giặc mạnh điên cuồng, nhà vua và triều thần phải tạm rời kinh đô lui về hậu cứ tính kế lâu dài. Tuấn xin nhập quân binh, chàng lấy máu viết một chữ Sát lên cờ thề giết giặc và chiến đấu rất dũng cảm, dâng nhiều mưu hay, kế lạ khiến quân giặc nhiều phen khốn đốn, khiếp sợ. Nhiều lúc trong vòng vây của giặc, hình ảnh thầy lại hiện lên trong tâm trí như tiếp thêm sức mạnh cho chàng. Quân triều đình ngày càng mạnh, tiến như vũ bão đã quét sạch bóng thù ra khỏi bờ cõi. Giặc tan, đất nước lại thanh bình. Nhà vua xét công ban thưởng nhưng chàng chỉ xin được trở về tiếp tục luyện thư pháp. Sau chiến trận, Tuấn trở nên cứng cáp, dày dạn hơn rất nhiều. Chàng tìm lại chốn xưa thăm thầy thì chỉ thấy nhà không, sân vắng, gió thổi đìu hiu. Chiến tranh loạn lạc biết tìm thầy ở đâu bây giờ ? Tuấn khóc to gọi tên thầy nhưng chỉ thấy tiếng vọng ra từ vách núi đáp lại. Chàng thầm lo sợ điều không hay. Thế rồi chàng khăn gói đi khắp nơi tìm tung tích thầy nhưng càng tìm càng thấy bặt vô âm tín. Trên bước đường tha phương, chàng tối đâu là nhà, ngã đâu là gi.ường nhưng không khi nào quên nghiên bút. Chàng cũng có dịp biết thêm nhiều điều mới lạ. Khi đứng trên núi cao thì thấy cái hùng vĩ, bao la của đất trời, thấy cái dáng hiên ngang, cứng cỏi của loài tùng bách trong sương sa, gió lạnh. Biển khơi thì mênh mang, thăm thẳm như cái nghiên mực khổng lồ, những con sóng cuộn lên dạt dào như đầu ngọn bút, dòng nước thật mềm mại mà lực ngầm lại mạnh mẽ vô cùng. Đất kinh kì ngựa xe võng lọng rợp trời đông vui như hội. Miền sơn cước sương lam khói chiều quyện vào cây lá rất đỗi nên thơ. Chàng còn vui vẻ làm đồng áng cùng những người nông dân hồn hậu, ngạc nhiên thấy những đường cày chắc khoẻ mà uyển chuyển lạ lùng. Mùi đất mới quyện với mùi hương lúa mạ non khiến chàng nao nao trong dạ... Chàng lấy bút ra viết, lạ kì thay, chữ cứ tự nhiên càng ngày càng đẹp, sống động đến thần tình. Tất cả những cảm xúc, hình dáng, màu sắc, âm thanh, mùi vị đã ùa vào tâm trí chàng bấy nay chợt hiển hiện rõ nét dưới ngọn bút. Nét cứng khoẻ như đá, nét mềm tựa lụa bay, nét vui như hoa cười, nét buồn như lệ ứa,... Chàng cứ mải mê viết tưởng như sấm động bên tai không hề hay biết.
Năm ấy nhân mưa thuận gió hoà, mùa vụ tốt tươi, nhân dân khắp chốn trong cảnh yên vui, nhà vua và cận thần xa giá ra ngoài thành ngắm cảnh. Khi về cung, vua hứng khởi truyền mở một hội thi thư pháp. Tất cả mọi người hễ ai có chữ đẹp đều có thể tham dự. Hội thi được tổ chức bên hồ sen ngát hương. Bên hồ, người ta dựng những chiếc lọng hoa văn rất đẹp, xung quanh phía dưới lọng quây rèm lụa làm chỗ ngồi cho người dự thi. Khảo quan sẽ chấm các bài thi vòng loại, đến vòng cuối cùng, khi chỉ còn hai người, vua sẽ trực tiếp ra đề thi và tham gia chấm cùng các quan. Nhân tài kéo về rất đông, các vòng thi rất sôi nổi, hào hứng. Đến vòng cuối cùng đã chọn ra được hai bút thủ cân tài, cân sức.
Trước vòng thi cuối, vua cho mở yến tiệc khoản đãi cả hai người với đầy đủ bá quan tham dự. Đúng ngày giờ, hai tay bút tài hoa tới dự yến vua ban. Bước tới sân rồng, hai người một già một trẻ chợt nhìn thấy nhau, người trẻ tuổi giật mình sững sờ, chân lập cập suýt ngã. "Thầy ! Đúng là thầy rồi. Con là trò Nam Tuấn đây ạ". Cụ già đứng lặng mấp máy môi xúc động. Chàng trẻ tuổi chạy vội tới ôm chầm lấy vị thầy già kính yêu, hai mái đầu xanh bạc ngả vào nhau, chàng nói trong nước mắt : "Thật may phúc cho con cuối cùng đã gặp được thầy, bao năm qua con đã đi khắp nơi tìm thầy, con thật chẳng ngờ lại được gặp thầy ở đây, thật là mừng quá ! Con dự thi thực ra cũng chỉ để dò hỏi tin tức về thầy, nay gặp được thầy rồi thì tâm nguyện con đã thành. Con... dạ, con... con sẽ xin rút khỏi hội thi ngay ạ". Sau phút bồi hồi, cụ đồ thủ thỉ nói với chàng : "Con thực hiếu đễ, sau bao năm vẫn giữ tấm lòng son, thuỷ chung như nhất. Xưa nay chinh chiến mấy ai về, đã có lúc thầy hay tin con tử trận, thầy đã rất tiếc thương, nào ngờ lại gặp con ở đây. Thầy trò ta sẽ nói chuyện sau, mọi hoa ngôn mĩ cử với thầy bây giờ thực chưa cần thiết. Trước hết con phải thi tiếp, sao lại không để cho thầy có dịp chứng kiến tài năng của con chứ ? Nếu con còn coi thầy là thầy của con, con phải thi như không có thầy tham dự. Con phải hứa với thầy đó ! Hơn nữa, con tự ý bỏ thi là đắc tội với hoàng thượng, con biết không ?".
Sau yến tiệc, hai thầy trò cụ đồ lại vào cung tiếp tục ứng thí. Đề thi gồm hai phần. Phần thứ nhất, mỗi người được tự ý viết một chữ tâm đắc nhất. Phần thứ hai, cả hai người sẽ cùng viết một bài thơ Đường luật chữ Hán do chính đức vua làm. Đó là một bài thơ lời lẽ rất chỉnh chuốt, ý tứ, hàm súc. Trong thơ có khói lửa đao binh, có chí khí người dân nước Nam, lại có cảnh thái bình sơn thuỷ hữu tình, đàn ca, nhạc hoạ đủ cả.
Hai thầy trò cùng ung dung vận bút. Thư tác của họ đều xuất sắc. Các khảo quan xem xét, chấm mãi mà không sao quyết được ai hơn ai kém. Họ dâng biểu tâu vua ngự xét. Vua xem và không khỏi ngạc nhiên. Không ngờ cả hai người không ai bảo ai mà cùng viết chữ Đạo. Một người thì nét bút cương phương, đầy đặn bao trùm, tượng chữ sáng tỏ, thế chữ ngay ngắn, tĩnh tại. Người kia nét bút tráng vĩ, vuông vức, trái phải trên dưới phân minh. Thật khó nói ai hơn ai. Vua xem tiếp hai bài thư pháp viết thơ thì càng tỏ ý khen ngợi. Một người viết theo lối chữ khải, một người viết theo lối chữ thảo. Chữ khải thì cân phân, khuôn thước, có đủ cả bình, chính, đại, phương mà vẫn toát lên vẻ nền nã, sáng tươi như ngọc ngà trên lụa óng. Tượng chữ có dáng ung dung, đoan chính lạ thường. Quả là tuyệt bút của bậc trí giả. Chữ thảo thì nét viết phóng khoáng đầy khí khái, bút lực chắc khoẻ mà thần thái tươi hoà, sắc như dao, mềm như vóc, tròn trịa sáng trong như có nhật nguyệt chiếu vào. Thật là bút thủ của trang tuấn kiệt. Cả hai đều tuyệt bút phi phàm, người khắt khe cũng không có chỗ chê, chấm ai hơn ai đều e không công bằng.
Nhà vua quyết định hỏi thêm hai người một số câu vấn đáp để xem kiến thức nông sâu nhưng cả hai đều ứng đối trôi chảy, hiểu biết uyên thâm. Các quan bàn bạc, tấu xin cho cả hai đồng giải Nhất. Đức vua đồng ý. Ngài sai ban tặng danh hiệu Trạng Thư cho cả hai người, lại cho khắc bảng vàng để mãi được lưu danh.
Câu chuyện về cụ đồ Đỗ còn dài, chỉ biết sau đó Nam Tuấn đỗ đạt ra làm quan, dù việc quan trường bận rộn nhưng vẫn thường xuyên hỏi han, chăm sóc sức khoẻ thầy, tôn kính như phụ mẫu. Cụ đồ vẫn thường cùng Tuấn đàm đạo thế sự, góp cho chàng những lời khuyên về đạo chăm dân, giữ nước.
Vào một ngày đầu xuân khi đất trời bừng sáng trong ánh nắng mới thơm hương thanh khiết, tiếng chim líu lo trong những vòm chồi non xanh biếc, cụ đồ đã cho cử hành một nghi lễ cực kì long trọng tại tư gia. Các vị bô lão đáng kính và các bậc đức cao vọng trọng trong vùng đều được mời tới dự. Hai tay cụ đồ nâng trước ngực một báu vật hình vuông vuông được bọc trong tấm nhiễu đỏ óng, thành kính dâng lên trước ban thờ tiên tổ, vẻ mặt trang nghiêm và xúc động, khấn rằng :
- Con xin kính lạy trước vong linh tiên tổ ! Xin vong linh tiên tổ chứng giám, cả đời con đã một lòng giữ đạo, tận tâm rèn trí, dưỡng đức cho học trò, giúp họ thành người có ích cho dân, cho nước. Nay con xin kính trình với tiên tổ rằng, con đã tìm được một người xứng đáng để trao bộ Văn Phòng Tứ Bảo này. Kính thưa tiên tổ ! Truyền nhân của con là trò Nam Tuấn. Trò là một người tài trí vượt bậc, hiếu thuận với mẹ cha, lễ nghĩa với thầy, tận trung với nước. Kính xin tiên tổ linh thiêng chấp thuận !
Khấn xong, cụ đồ cất giọng chậm rãi nói với Tuấn :
- Nam Tuấn con ! Cả đời thầy đã nâng niu, gìn giữ bộ Văn Phòng Tứ Bảo này còn hơn cả sinh mệnh của chính mình. Đây là một báu vật linh thiêng, thầy cũng chưa từng một lần dám dùng đến. Nay thầy trao lại cho con. Con hãy dùng nghiên bút mà khai quang chính đạo, trừ diệt gian tà, giúp dân, giúp nước !
Tuấn chắp tay, cúi đầu thi lễ thưa rằng :
- Kính thưa thầy ! Con được như ngày hôm nay là nhờ thầy hết lòng dạy dỗ, công lao trời bể của thầy con xin ghi lòng tạc dạ. Nay lại được thầy trao bộ Văn Phòng Tứ Bảo, đối với con thực là một niềm vinh hạnh quá đỗi lớn lao. Con xin thành kính cảm tạ thầy và nguyện hứa sẽ nỗ lực luyện tâm, rèn trí giúp đời, cố sao cho xứng với ân đức của tiên tổ, với niềm tin yêu của thầy !
Hai thầy trò cùng cung kính quỳ lạy ba lần trước bàn thờ. Khách dự lễ ai nấy đều lặng im, chắp tay thành kính. ánh nến sáng lung linh trên hương án, mùi trầm hương ngào ngạt lan xa. Khi những cây hương đã cháy hết mà cốt hương không tàn, cuốn tròn lại xoè ra xung quanh như những cánh hoa, ai cũng cho đó là một điềm lành và đều rất phấn khởi, ngợi khen nghĩa cử của cụ đồ.
Chuyện cụ đồ Đỗ được truyền tụng mãi, đời sau có thơ khen rằng :
Kế tục cha ông giữ nghiệp nhà
Tấm gương thầy Đỗ nước Nam ta
Thần bút mở ra đường chính đạo
Gươm thiêng chặn lối lũ gian tà
Rèn trí giúp đời xây xã tắc
Dưỡng đức chăm dân giữ san hà
Sân rồng không hổ trang tuyệt bút
Nghìn năm truyền mãi nét anh hoa.​
Đỗ Hồng Lam
 
×
Quay lại
Top