Đại học ở Mỹ khác Việt Nam như thế nào?

UnitedEducation

Thành viên
Tham gia
3/4/2013
Bài viết
3
Có thể nói rằng sự khác nhau giữa giáo dục đại học ở Mỹ và Việt Nam bắt nguồn từ sự khác nhau giữa chủ nghĩa cá nhân có nguồn gốc từ châu Âu trong văn hóa Mỹ và chủ nghĩa tập thể ảnh hưởng từ đạo Khổng Nho trong văn hóa Việt.

dai-hoc-harvard.jpg
So với tổng số khoảng 4,7 triệu học sinh phổ thông và sinh viên các trường Đại học và Cao Đẳng ở nước ta hiện nay thì số lượng khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam tại các cơ sở đào tạo nước ngoài (trong đó ở Australia có 15.000, ở Mỹ có 13.000, và ở Pháp có 7.000) chỉ chiếm một tỉ lệ khá thấp. Mỹ là nước thứ hai trên thế giới có số du học sinh Việt Nam theo học nhiều nhất.

1. Hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ dân chủ và tiên tiến bậc nhất trên thế giới.

Tôi có những buổi học 4 môn liên tục từ 11 giờ trưa tới 5 giờ chiều mà chỉ được nghỉ 15 phút để chạy từ giảng đường này sang giảng đường khác, ăn đồ ăn nhanh ở trong lớp thường là giải pháp cho các bữa trưa của tôi.

Không những được phép ăn uống, mà tôi còn có thể nhắn tin bằng di động hay dùng máy tính xách tay trong lớp. Không có chuyện giáo sư gọi sinh viên trả lời như một điều trừng phạt khi sinh viên đang suy nghĩ đâu đó. Sinh viên chúng tôi được tranh luận thẳng thắn mà không bị đánh giá thái độ mỗi khi phản bác ý kiến của thầy cô.

Một điều hết sức bình thường ở Mỹ là giáo sư vui vẻ cảm ơn mỗi khi sinh viên chỉ ra điểm sai trong bài giảng. Tôi thậm chí có lần còn được cộng điểm vì chỉ ra được những lỗi như thế. Thế mới hiểu tại sao sinh viên Mỹ có phong cách rất tự tin, vì họ nhận được sự khuyến khích thực sự từ các thầy cô mỗi khi phát biểu, ngay cả việc yêu cầu giáo sư nhắc lại câu vừa mới nói.

Ngoài giờ học chính thức, các giáo sư thường dành khoảng 2- 4 tiếng mỗi tuần để sinh viên có thể dễ dàng tới trao đổi hay giải đáp thắc mắc ở văn phòng riêng của họ. Sinh viên cũng có thể học qua gia sư của từng môn học. Đây là những bạn học sinh giỏi của các lớp trước được nhà trường thuê và trả lương khoảng 9$/giờ, 10 giờ một tuần.

Một điều khác làm cho nhiều du học sinh bỡ ngỡ đó là không có sự phân biệt về tuổi tác trong lớp học. Tôi có cậu bạn học cùng lớp tiếng Anh trong kỳ đầu tiên 28 tuổi và có những bạn trong lớp năm thứ ba nếu so về số tuổi có lẽ nhiều gấp đôi của tôi.

Ngay cả học sinh cấp ba ở Mỹ cũng không tuân theo chuẩn mực đứng lên chào khi thầy cô bước vào và ra khỏi lớp. Sinh viên được nhận kết quả thi tuyệt đối riêng tư. Nếu không hỏi nhau thì bạn bè không ai biết kết quả của ai. Việc học là cho mình chứ không phải học vì nỗi sợ bị bạn bè đánh giá. Ở Mỹ, phụ huynh chỉ có quyền biết điểm của con mình nếu như họ là người đóng tiền học cho con họ.

2. Chương trình học ở đại học Mỹ linh hoạt hơn ở ta.

Sinh viên được chọn môn, chọn thầy, và chọn giờ học theo ý mình. Tôi có một cô bạn nhà ở cách trường một tiếng lái xe nên học dồn tất cả các lớp học vào ba ngày đầu tuần. Tôi đã từng bất ngờ khi cô giáo hỏi có những ai đi làm thêm trong giảng đường hơn 200 sinh viên năm thứ nhất, thì có tới 3/4 lớp tôi giơ tay lên. Thậm chí, tôi có cô bạn vừa đi học 5 môn một kỳ vừa đi làm 32 tiếng một tuần.

Mặc dù học sinh phải đăng ký ngành học ngay từ khi vào trường, nhưng sinh viên có thể thay đổi ngành học trong hai năm đầu mà hầu như không ảnh hưởng đến thời gian tốt nghiệp. Sinh viên chọn ngành Văn học vẫn có thể chuyển sang nghành Kiểm toán chẳng hạn. Trong 2 năm đầu tiên, hầu hết chương trình của các ngành đều giống nhau.

Tất cả sinh viên bất kể chuyên ngành nào, dù Kiểm toán hay Văn học, đều phải hoàn tất chương trình cơ bản trong hai năm đầu với nhiều môn trên nhiều lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh), khoa học xã hội (Lịch sử, Xã hội học, Chính trị), Tiếng Anh (học lối viết trong nghiên cứu), đến các lớp như Âm nhạc hay Sân khấu.

Đương nhiên là sinh viên được quyền chọn môn học mình yêu thích trong số những nhóm môn ấy. Chương trình đại học được thiết kế trong vòng 4 năm, nhưng vì học theo tín chỉ nên sinh viên có thể học nhiều lớp trong hai kỳ chính cũng như có thể học cả ba kỳ hè để rút ngắn thời gian học.

3. Về cách dạy ở trường đại học Mỹ, không bao giờ có tình trạng thầy đọc trò chép.

Thầy cô trình chiếu bài giảng hoặc phát bài rồi nói về những vấn đề đó. Những điều cần giải thích thêm thầy cô mới ghi lên bảng. Sinh viên có thể lên website của thầy cô xem lại bài trình chiếu để bổ trợ trong quá trình tự học. Thời khóa biểu được phát đầu kỳ, và các bài giảng cứ thế răm rắp tuân thủ theo từ tuần đầu tiên đến tuần cuối cùng. Và đặc biệt các giáo sư rất đúng giờ, hầu như họ đều vào lớp trước giờ học, khó có thể tìm được buổi học nào mà thầy cô lên lớp muộn, dù là chỉ một phút.

4. Điều khác biệt nữa là cách thức đánh giá sinh viên.

Ở Mỹ trong một kỳ, một sinh viên thông thường học 5 môn. Mỗi môn có từ 3 đến 6 bài kiểm tra, với phần trăm điểm được phân bố. Kỳ vừa rồi với 5 lớp học, tuần nào tôi cũng có ít nhất một bài kiểm tra như thế, có tuần có tới 4 bài kiểm tra, bài viết phải nộp, và bài thuyết trình trên lớp.

Còn ở Việt Nam, nếu như không có kiểm tra giữa kỳ thì chỉ có duy nhất một bài kiểm tra cuối kỳ. Như vậy là sinh viên ở Mỹ phải học liên tục, chứ không như ở Việt Nam, lịch thi tạo điều kiện cho sinh viên có thể thong dong đầu kỳ rồi cuối kỳ học gấp rút trong vài ba ngày cho bài thi cuối kỳ rồi cũng xong. Và tất nhiên, kiến thức được xây dựng từ bài cơ bản đến bài nâng cao như mưa dầm thấm đất, sinh viên sẽ nắm được vấn đề một cách chắc chắn.

Hơn nữa, ngoài các bài kiểm tra, có môn tôi còn phải làm bài trắc nghiệm trong vòng 15 phút trên mạng hàng tuần. Hay có lớp cứ hai tuần có một bài về nhà trên mạng, tôi lại phải dành ra khoảng 4 tiếng để hoàn thành 30-50 câu hỏi trắc nghiệm. Học ở Mỹ, tôi phải viết rất nhiều. Nhiều khi tôi phải tự tìm chủ đề và tìm tài liệu tham khảo trong thư viện. Có những bài dài đến gần 30 trang. Đặc biệt, sinh viên có thể bị đánh trượt nếu phạm lỗi đạo văn, dù chỉ là lỗi sao chép trong một bài luận.

5. Ở Mỹ mỗi trường đại học có cả hàng chục đến cả trăm hội sinh viên chứ không phải mỗi trường chỉ có một vài hội sinh viên như ở Việt Nam.

Nếu sinh viên muốn tham gia tình nguyện thì có thể tham gia chương trình tình nguyện của rất nhiều câu lạc bộ sinh viên. Có câu lạc bộ về chuyên nghành (như Tài chính, Kiểm toán, Kinh tế học, Hóa học, Công nghệ thông tin), về văn hóa (hội sinh viên các quốc gia và vùng lãnh thổ), hay về giải trí (Nhiếp ảnh, Bóng bàn, Cờ vua).

Bên cạnh đó có rất nhiều lớp học ngoại khóa (Yoga, nhảy Latin).

Hoạt động của các câu lạc bộ trong trường đại học Mỹ rất năng động. Tham gia hoạt động ngoại khóa giúp tôi học hỏi nhiều điều trong cách giao tiếp. Năm ngoái, tôi từng được gặp thị trưởng thành phố tôi đang học trong một buổi trò chuyện do hội sinh viên nghành Tài chính của trường tổ chức. Mới cách đây 2 tuần, tôi lại cùng với thành viên hội này được đến thăm quan chi nhánh ngân hàng Frost National Bank ở trung tâm thành phố của tôi. Trong buổi đó, chúng tôi được giao lưu với chủ tịch, phó chủ tịch, cũng như nhiều trưởng các bộ phận trong ngân hàng như đầu tư, tín dụng, và quỹ. Thậm chí, sau khi qua hai lớp cửa an toàn, những sinh viên chúng tôi còn được tận mắt nhìn thấy kho tiền của ngân hàng.

Nói thêm về chuyến tham quan này, tôi là thành viên trong ban quản trị của hội và là người chịu trách nhiệm tổ chức buổi thăm quan này. Một lần tình cờ khi nói chuyện với giáo sư, tôi đề đạt nguyện vọng của hội muốn tìm hiểu cách thức hoạt động của một ngân hàng trong thành phố, thầy tôi vui vẻ mở facebook của thầy và gửi tin nhắn cho một sinh viên cũ của thầy đang làm việc tại ngân hàng. Vài tuần sau đó, sau cuộc gọi điện của thầy tôi, chỉ hai ngày sau anh sinh viên cũ gửi chương trình buổi thăm quan kèm theo ngày giờ cụ thể qua thư điện tử cho tôi. Sự nhiệt tình của thầy tôi, tinh thần trách nhiệm của anh sinh viên cũ của thầy, và sự thân thiện của các nhân viên trong ngân hàng đã khiến tôi, một sinh viên quốc tế, không khỏi ngỡ ngàng.

Sau chuyến thăm quan ngân hàng Frost National Bank, hãy cùng tôi ngẫm nghĩ phép so sánh nho nhỏ sau: công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay là ngân hàng Vietcombank có tổng tài sản (12,7 tỷ USD) chỉ bằng khoảng 2/3 tổng tài sản của ngân hàng Frost National Bank (17,7 tỷ USD) - ngân hàng lớn nhất ở tiểu bang Texas, Mỹ.

Chúng ta đi sau cả về kinh tế và giáo dục. Như một quy luật trong cuộc thi chạy đường trường, một khi ta xuất phát sau thì ta phải tăng tốc, và tốc độ phải nhanh hơn đối thủ đằng trước thì ta mới có cơ về đích trước.

Được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao ở Mỹ như vậy, liệu sẽ có bao nhiêu du học sinh dũng cảm quay về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, áp dụng những kiến thức tiên tiến vào tình hình riêng của nước ta, để nghĩ lớn và làm lớn

Nguồn unitededu.com.vn
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
1 nơi đặt chủ nghĩa cá nhân - individualism lên hàng đầu thì mấy việc trên là phù hợp với 1 nước Tư Bản như Mỹ .

Thông tin chính xác thật nhưng so sánh giữa 2 ngân hàng ở 2 nước khác nhau thì thấy nó sao ếy

:)
 
Bài viết rất chân thật , mình thích nhất là câu cuối :
Được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao ở Mỹ như vậy, liệu sẽ có bao nhiêu du học sinh dũng cảm quay về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, áp dụng những kiến thức tiên tiến vào tình hình riêng của nước ta, để nghĩ lớn và làm lớn
Nếu những du học sinh sau khi tốt nghiệp mà quay trở về nỗ lực xây dựng đất nước thì tốt đẹp biết bao .
 
Nếu những du học sinh sau khi tốt nghiệp mà quay trở về nỗ lực xây dựng đất nước thì tốt đẹp biết bao .
Cái đó là tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân thôi bạn , vì hiện nay ai cũng muốn ra khỏi đất nước để làm việc cả, vì đồng lương quá ít ỏi , lại thêm vì áp bức bóc lột của những ông, bà chủ và những khách hàng nên chẳng ai muốn về .

Phải chi mỗi người đều hiểu cho hoàn cảnh của đối phương thì hay biết mấy nhể :D
 
đi Mỹ rồi mới thấy VN còn bồn bề nhiều thứ. Nước Mỹ ngừng phát triển ngay hôm nay, thì VN cần ít nhất 150 năm tăng trưởng liên tục mới có thể sánh kịp í
 
Chất lượng giáo dục tỷ lệ thuận với mức sống, mức học phí, mức sinh hoạt... nhưng được học trong môi trường như vậy quả là đáng mơ ước!
 
Se co ngay Viet Nam vuon den tam cao nhu the. Minh tin vao the he tre cua Viet Nam. Tre gia mang moc ma.
Hien nay nen giao duc cua Viet Nam dang thay doi neu cac ban de y. Nhieu chuong trinh trao doi voi quoc te hon, nhieu chuong trinh lien ket hon chinh la dieu kien va cung la co hoi de nuoc minh phat trien. Khong the phu nhan nhung diem toi trong chinh sach, nguyen tac cua nuoc nha khien cho nhieu nguoi muon bo xu ma di, nhung cung co nhung vi giao su, tien sy quay ve gop phan thay doi nham huong den dieu tot dep hon. Va the he hoc sinh, sinh vien nhat dinh se co nguoi tiep tuc tu tuong ay. Ngay do nhat dinh se toi, nen chung ta co the lua chon ngoi mo uoc va cho doi hoac th gia gop suc de ngay do den gan hon ;)
 
Sáo Say Sưa Ukm, nước mình cũng đã bắt đầu có các thay đổi trong tốt nghiệp phổ thông và thi đại học trong các năm tới.
Hy vọng có thể học hỏi tinh hoa của các nước tiên tiến, hạn chế học theo Trung Quốc.
 
Bài viết rất chân thật , mình thích nhất là câu cuối :

Nếu những du học sinh sau khi tốt nghiệp mà quay trở về nỗ lực xây dựng đất nước thì tốt đẹp biết bao .
Sẽ là khó khăn lắm đấy :)
 
Thuỳ Vi Rất nhiều người muốn xây dựng nó, ai cũng mang trong mình hoài bão đó nhưng bị "bề trên" dập tắt, người ta bất mãn cũng bỏ đi thôi em. Đôi khi ở lại hay không ở lại không phải vì mức lương, mà ở đó người ta trân trọng đầu óc hơn của mình hơn là mối quan hệ. Những giáo sư tiến sĩ họ vẫn cần cái gọi đam mê với khoa học nhiều hơn là tiền bạc. Ở đây khiến người ta không giữ được niềm đam mê đó. Em cứ thử kiếm một công việc ở ngân hàng nhà nước là biết ngay.
Trong thế chiến thứ 1, lý do vì sao mà Mỹ phát triển mạnh, không chỉ một phần nhờ việc bán vũ khí, mà còn có sự dịch chuyển chất xám từ các nưóc trên thế giới. Nói vậy là em hiểu rồi đúng không? Môi trường tốt sẽ làm nên con người tốt. Nhưng tại đây, nơi Bác và nhân dân khổ công gây dựng, giờ đây để có một nhân tài vì nước vì dân leo lên làm thủ tướng thì đã là một chuyện vô cùng khó khăn rồi.
 
nhipcautre0904 Vẫn làm được chứ không phải không nhưng khó khăn nhiều hơn thôi em à.
Trong những người sáng lập ra các tập đoàn lớn hàng đầu việt nam hiện nay thì có 1 lượng lớn những người du học ở Liên Xô, Nhật, Mỹ về, tiêu biểu có Vingroup.
Đó là lĩnh vực kinh tế, tài chính, làm được do thị trường ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng và tính độc lập chủ động cao hơn, ít phải chờ chỉ đạo từ trên xuống.
Còn lĩnh giáo dục, đào tạo vẫn có thể nhưng sẽ khó hơn rất rất nhiều bởi ta không độc lập triển khai được.
 
Newsun em thấy so với ngày xưa, lúc đất nước còn khó khăn, bao nhiêu tiến sĩ giáo sư bên nước ngoài vẫn về lại Việt Nam. Nói là nói vậy thôi chứ anh cứ thử học cái ngành của em đi, lúc em đi xin thực tập, bảo vệ nó đuổi em ra ngoài, cán bộ thì luôn miệng hỏi "Em có quen ai không?". Có thể em đi thi thố bên ngoài rớt không vô nổi vòng gửi xe, nhưng ít ra người ta tiếp đãi em bằng sự nồng nhiệt và trân trọng đầu óc của em =.=. Vấn đề em ức chế là chỗ đó.
Anh nói đúng là giáo dục chịu ảnh hưởng nhiều từ nhà nước, nhưng để làm thay đổi giáo dục thì cần những con người có tư tưởng mới lên làm lãnh đạo, nhưng mà mấy con người đó có ai chào mời họ lên chức quyền đâu. Thế nên chúng ta vẫn thay đổi, vẫn đang thay đổi nhưng mà không biết bao giờ mới kịp :D
 
Nếu có ai đủ bản lĩnh để thay đổi cả hệ thống giáo dục, thay đổi từ nhận thức của con người từ khi còn bé thì mới mong một ngày nước ta đạt được những thành tựu như nước Mỹ. Cái gốc rễ ở đây là do tư tưởng và ý thức của mỗi con người; nếu cá nhân không nhận thức được, trước tiên không có trách nhiệm với bản thân thì không thể nào trở thành một con người có ích cho xã hội được.
Mình nghĩ phải giáo dục trẻ em từ lúc nhỏ có những đức tính như tự lập, trách nhiệm, sống có đạo đức và cư xử văn minh trước đã. Mà lực lượng giáo viên phải là những người thực sự có tài và có tâm thì mới được. Mong sẽ sớm thấy ngày Việt Nam mình phát triển về cả chất và lượng trên mọi lĩnh vực.
 
sushi_sushi mình nghĩ không cách nào giáo dục được nếu người lớn không thực hành, dạy 1 đàng mà làm 1 nẻo thì trẻ chỉ nghe trong 1 giai đoạn nào đó, không có tính duy trì lâu dài.
 
Newsun mình đồng ý với bạn. Ý mình không phải chỉ là giáo dục ở trường lớp, nhưng có một phần lớn các bậc phụ huynh không ý thức được điều này. Trẻ hình thành tính cách một phần do bị ảnh hưởng bởi môi trường nữa. Nhưng như nước ta, đa phần các bậc phụ huynh không quan tâm tới việc con mình sẽ hình thành nhân cách như thế nào, họ quan tâm tới mưu sinh nhiều hơn, nên khó mà giáo dục được các em có những đức tính trách nhiệm như trẻ em nước ngoài. Và khó mà để giáo dục lại những con người đã "trưởng thành".
 
×
Quay lại
Top