Cư dân mạng đang quá bị động trước tin đồn?

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Gần đây, có rất nhiều tin đồn “từ trên trời rơi xuống” kéo theo một xã hội thu nhỏ đua nhau lan truyền, chia sẻ thông tin, khiến ai cũng nghĩ rằng đó là sự thật, để rồi khi cơ quan ngôn luận lên tiếng mới chịu vỡ lẽ.
Từ khi các trang mạng xã hội ra đời, nó đã mang đến cho người dùng rất nhiều lợi ích. Không phải ngẫu nhiên mà người dùng, đặc biệt là giới trẻ lại mê tít việc sử dụng facebook, twitter,… Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích không thể chối cãi của mạng xã hội thì mặt trái của nó gây ra cũng không hề nhỏ. Trong nhiều trường hợp, còn ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng.

Một trong số đó chính là việc không thể kiểm soát được hàng triệu thông tin được share đi mà không biết đúng hay sai. Điểm hạn chế khó khắc phục của Facebook đó là chỉ cần một người share thông tin và sau đó lợi dụng tính dây chuyền để lan truyền những tin đồn thất thiệt thì những tin đồn này rất nhanh chóng được cư dân mạng “tin sái cổ” mà không kiểm chứng sự thật.

Gần đây, có rất nhiều sự việc chỉ vì một vài tin đồn “từ trên trời rơi xuống” mà đã kéo theo một xã hội thu nhỏ đua nhau lan truyền, chia sẻ thông tin, khiến ai cũng nghĩ rằng đó là sự thật, để rồi một thời gian sau khi cơ quan ngôn luận chính thống lên tiếng rồi mới chịu vỡ lẽ. Thế nhưng, có vẻ như sự việc như thế này sẽ vẫn chưa chịu dừng lại.

Từ việc share hàng loạt tin đồn không kiểm chứng


Tăng giá xăng là tin đồn thất thiệt

Tháng 6 vừa qua, cư dân mạng được một phen “nháo nhào” khi đua nhau truyền thông tin giá xăng tăng 2900 đồng/lít. Sự việc này bắt nguồn từ một trang web giả mạo đưa ra nguồn thông tin giả về văn bản của Bộ Tài Chính với nội dung “Theo văn bản vừa được Bộ Tài chính ban hành chiều 1/6, kể từ 20h ngày 2/6/2012, giá bán lẻ xăng dầu đồng loạt tăng. Cụ thể, xăng A92 tăng 2.900 đồng lên 25.600 đồng một lít và là nức tăng cao nhất trong số các mặt hàng…”

Tuy nhiên, đáng nói là những người lan truyền thông tin này đều không để ý kỹ mà chỉ đua nhau share, khiến cho rất nhiều người hoang mang. Ngay sau đó, thông tin này đã được xác nhận là không chính xác. Thế nhưng chờ đến khi được xác nhận thì cộng đồng mạng cũng được một phen hoảng hốt rồi. Thiết nghĩ, nếu đây không phải là tin đồn sai lệch về giá xăng, mà là một sự việc nào đó nghiêm trọng hơn, chắc người dùng cũng dễ bị “lừa” chán chê rồi mới phát hiện ra (!?)

Lan truyền sai lệch ý nghĩa ngày nắm tay

Ngày 9/8 được biết đến là "Ngày Nắm tay", là một ngày mà mọi người dân Mỹ nắm chặt tay nhau trao yêu thương. Đây là một ngày trong "Tuần lễ Lãng mạn" (National Resurrect Romance Week) mà cả nước Mỹ chờ đón trong suốt mùa hè hằng năm. Thế nhưng ngay sau khi những bài viết về “ngày nắm tay” được đưa lên, bất ngờ có xuất hiện thông tin, ngày 9/8 là ngày nắm tay tưởng niệm 74.000 nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử ở thành phố Nagasaki vào năm 1945.

615531-121005dsphongsu11-3a221.jpg

Vậy là ngay lập tức, cộng đồng mạng đua nhau áp luôn đây mới là ý nghĩa ngày nắm tay. Thông tin trên lan truyền một cách nhanh chóng và tạo nên cơn sóng chỉ trích các bạn trẻ Việt "ăn mừng" trong sự kiện đau thương này. Những lời chỉ trích đó vô cùng gay gắt mà không cần kiểm chứng xem thông tin mình nhận được có phần trăm xác thực đến đâu.

Sau khi tìm hiểu về ngày này, có thể dễ dàng thấy, không chỉ ở Việt Nam, mà ở Mỹ vẫn kỷ niệm Ngày nắm tay 9/8, National Hand Holding Day. Một số nơi còn tổ chức ngày này như một ngày lễ hội. Ngày nắm tay, với họ, cũng đơn thuần là một trong vô vàn ngày lễ "tự phát" của người Mỹ, ví dụ như, 9/8, ngoài việc kỷ niệm Ngày nắm tay, còn là “ngày của... Underwear”, “ngày Bánh Pudding gạo”, “ngày gửi mail chúc mừng”…

615531-121005dsphongsu07-3a221.jpg


615531-121005dsphongsu08-3a221.jpg


615531-121005dsphongsu09-3a221.jpg

Còn ở Nhật Bản, hoạt động tưởng niệm tiêu biểu là cầu nguyện, thả chim bồ câu, thả đèn lồng..., và không liên quan đến việc “nắm tay”. Vậy là thêm một lần nữa, chỉ vì không kiểm chứng thông tin, nhiều bạn đã bị lừa “ngon ơ”, nghiêm trọng hơn, còn chỉ trích, thậm chí xúc phạm người khác, trong khi đó, thông tin mình biết lại không xác thực.

Hoang mang tin đồn “Đỉa có trong sữa”


Thời gian gần đây một số trang báo mạng xã hội, diễn đàn và blog cá nhân có đăng thông tin trong sữa bò có đỉa và vi sinh vật lạ. Thông tin này được nhanh chóng truyền đi với tốc độ chóng mặt, gây hoang mang, lo lắng cho hàng triệu người bởi vì sữa là một thực phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày.

Thậm chí trên một số diễn đàn, nhiều member còn đưa ra “dẫn chứng” như thật, rằng một số gia đình đã… bắt được đỉa trong sữa, hay “Một bệnh nhân nữ ở Tuyên Quang bị đau bụng và được đưa đi bệnh viện, được các bác sĩ ở đây chụp chiếu thì phát hiện có rất nhiều sinh vật lạ và đã tiến hành phẫu thuật. Vị bác sĩ này đã ngất ngay tại chỗ vì khi vạch bụng bệnh nhân ra toàn là đỉa”. Thế nhưng khi phóng viên tới kiểm chứng thông tin thì bệnh viện cho biết không hề tiếp nhận một bệnh nhân nào như thế cả.

615531-121005dsphongsu12-3a221.jpg


615531-121005dsphongsu13-3a221.jpg



Cuối cùng, mới đây, Cục trưởng cục chăn nuôi cùng như nhiều giáo sư, tiến sĩ trong ngành đã khằng định đây chỉ là tin đồn thất thiệt, nhảm nhí. “Đỉa không thể nào sống trong một môi trường ngọt, đậm đặc và được đóng kín như sữa”. Thế nhưng tin đồn này đã khiến cho ngành sữa Việt Nam đang gặp khó khăn lại thêm muôn phần trắc trở, tất cả là vì sự lan truyền quá ghê gớm của mạng xã hội.

Đến những hình ảnh share nhầm ý nghĩa


Bị đánh vì… chụp ảnh không xin phép


Ngày lễ Trung Thu đã qua được gần một tuần nhưng những “dư âm” của nó thì dường như vẫn còn đọng lại. Không chỉ vì những ý nghĩa tuyệt vời của nó mà còn vì trong những ngày này có quá nhiều cơn “dư chấn”. Một trong số đó là bức ảnh một cô gái bị đánh ở một con phố được cho là Hãng Mã (Hà Nội), kèm với bức ảnh là dòng caption "giải thích": "Kết quả của việc chụp hình lưu niệm trung thu khi chưa xin phép chủ cửa hàng".

615531-121005dsphongsu06-3a221.jpg

Bức hình này được cư dân mạng share liên tục kèm theo nhiều lời cảnh báo khiến dân tình lên phố không dám chụp ảnh, đi chơi mà cũng nơm nớp lo sợ gặp phải tình huống như trên. Thế nhưng sau khi lên sóng được ít ngày, dân tình mới chịu vỡ lẽ ra sự thật rằng đây là vụ xô xát giữa các chủ cửa hàng lưu niệm chứ không hề liên quan đến việc chụp hình. Vậy mà hàng ngàn lượt share với ý nghĩa sai lệch đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến tâm lý nhiều người.

Và cả những “chuyện cũ viết lại”


Không hiếm những câu chuyện, những bức ảnh mặc dù đã ra đời và dậy sóng cách đây từ rất lâu, thế nhưng vài ba năm sau đó, người ta lại đưa nó ra, truyền tay nhau share kinh hoàng giống như là mới xảy ra, khiến hàng nhiều bức xúc, phẫn nộ.

Đầu tháng 8 năm 2012, bức ảnh về một một nam thanh niên quỳ giữa hai tượng cụ rùa ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), trên lưng cõng tấm biển "Xin đừng sờ đầu rùa" bất ngờ xuất hiện trên mạng xã hội. Chỉ sau khoảng một giờ xuất hiện trên Facebook đã thu hút gần 2.000 lượt chia sẻ, cùng với lượt like chóng mặt là rất nhiều những chia sẻ bày tỏ sự đồng tình.

615531-121005dsphongsu03-3a221.jpg


615531-121005dsphongsu04-3a221.jpg


Vì trước đó có một số hành động không đẹp tại Văn Miếu nên mọi người đều cho rằng bức ảnh mới được chụp giống như một lời cảnh tỉnh những hành động bột phát, bất kính. Thậm chí cư dân mạng còn rất tò mò về nhân vật này.

Thế nhưng, sự thật là bức ảnh này đã được chụp cách đây 2 năm vào ngày 8/7/2010. Người đàn ông này là họa sĩ Phạm Huy Thông, sinh năm 1981 và đây là một màn nghệ thuật trình diễn (performance) của họa sĩ Phạm Huy Thông diễn ra cũng trùng với kì thi Đại học, Cao Đẳng năm 2010.

Không dừng lại ở đó, ngày 16/8, lại thêm một bức ảnh gây bức xúc và phẫn nộ nữa. Bức ảnh một đứa trẻ trần truồng nằm vật vã trên tấm bìa giấy sũng nước, thỉnh thoảng còn bị một đứa trẻ lớn hơn bắt nằm bẹp xuống, đánh đến khóc thét, lấy lòng thương từ người qua đường.

Bức ảnh này đã gây được hiệu ứng khủng khiếp từ cư dân mạng khi có hàng ngàn thành viên lên tiếng về hành động bạo lực này. Nhưng có một vấn đề là vụ việc này từng được đưa lên báo chí từ năm 2009 và trên facebook “Góc Yêu Thương” chứ không phải mới đây.

615531-121005dsphongsu01-3a221.jpg


615531-121005dsphongsu02-3a221.jpg

Những bức ảnh thế này tuy không phải là ảnh giả, cũng không phải là thông tin giả, thế nhưng việc trích dẫn thiếu thông tin, rồi đưa lại những sự việc xảy ra từ rất lâu và nói là vừa xảy ra đôi khi sẽ khiến dư luận hoang mang. Một cư dân mạng bình luận: “Những sự việc này hiện giờ đã không còn nữa rồi, sao vẫn đưa lại thế này?”.

Phải chăng người dùng đang bị động trước thông tin?

Một câu hỏi đặt ra, đó là phải chăng những người dùng, cũng như các thành viên trong mạng xã hội luôn là những người bị động khi nhận thông tin? Bất cứ một thông tin nào khi đưa lên diễn đàn, facebook, chỉ cần đánh trúng tâm lý người dùng là sẽ được lan truyền như siêu virus, mặc cho nó đúng hay sai, thừa hay thiếu, mới xảy ra hay đã lâu,… Nguyên nhân của sự việc này đó là ở chỗ, người dùng chúng ta quá chủ quan, nhẹ dạ khi tiếp nhận thông tin. Bất kỳ một thứ gì khi được share và nhận được sự ủng hộ của quá nhiều người, chúng ta thường tin rằng đó là đúng mà không cần kiểm tra lại hay không mảy may nghi ngờ.

Chính tính chất thông tin được lan truyền theo xu hướng dây chuyền vô tội vạ như thế này mà nhiều khi lòng tin của mỗi người đôi khi lại bị lợi dụng. Không hề ít những trường hợp sử dụng nhiều bức ảnh đáng thương, lợi dụng sự cảm thông của cư dân mạng để tư lợi hay đạt mục đích tuyên truyền một vấn đề nào đó mà cần đến sự ủng hộ, cổ vũ của đám đông. Phải chăng, đôi khi bởi vì thông tin của mình là sai, nên mới mất tự tin, mới cần sức mạnh từ quân số đến thế (?!)

Chính vì vậy, ngay từ lúc này, mỗi người dùng hãy thận trọng trước những thông tin được share và lan truyền trên facebook hay bất kỳ trang mạng xã hội nào khác. Đành rằng trên facebook cũng có rất nhiều thông tin tốt, hữu ích, tuy nhiên thông tin thất thiệt, gây nhiễu dư luận, lợi dụng hiệu ứng đám đông, thậm chí làm sai lệch vấn đề cũng vô cùng nhiều. Do đó, khi tiếp cận thông tin, hãy tỉnh táo thận trọng trước khi ủng hộ hay phản bác. Mặt khác, cũng nên tìm đọc thông tin từ những cơ quan chính thống để tránh bị nhiễu thông tin.

Dĩ nhiên, trong xã hội này, chúng ta không thể tránh được những rủi ro thông tin, thế nhưng khi tiếp nhận bất kỳ một thông tin nào đó, hãy suy xét, tìm hiểu kỹ, nhìn nó dưới nhiều góc độ, phương diện, không nên chỉ nghe một phía rồi lại lan truyền rộng rãi, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người khác, rộng hơn nữa là xã hội, bạn nhé!

theo Kenh14




 
×
Quay lại
Top