Cổ đông chiến lược: Là ai, lợi ích và thách thức gì?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Không phải cổ đông chiến lược luôn luôn đem lại triển vọng tươi sáng cho doanh nghiệp.

Cổ đông thường, cổ đông ưu đãi, cổ đông sáng lập

Trong công ty cổ phần, vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.

Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn mình đã góp vào doanh nghiệp.

Công ty cổ phần bắt buộc phải có cổ phần phổ thông và người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.

Bên cạnh đó, có thể có thêm cổ phần ưu đãi và người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi.

Cổ phần ưu đãi gồm các loại như ưu đãi biểu quyết, ưu đãi cổ tức, ưu đãi hoàn lại hay ưu đãi khác do điều lệ công ty quy định.

Cổ đông sáng lập là cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần.

Theo Luật Doanh nghiệp, Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trong vòng 3 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập được quyền chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập khác.

Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận. Lúc đó, người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty.

Sau thời hạn ba năm, cổ đông sáng lập sẽ không bị hạn chế này.

Cổ đông chiến lược là ai?

Theo Nghị định 9/2011/NĐ-CP thì nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài: có năng lực tài chính và có cam kết bằng văn bản trong việc gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về: chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cũng theo Nghị định này, số lượng nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại mỗi doanh nghiệp cổ phần hóa tối đa là 03 nhà đầu tư, với thời gian cam kết nắm giữ tối thiểu 05 năm, kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng số cổ phần này trước thời hạn thì phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.

Giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược
  • Không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai, nếu mua sau khi đấu giá.
  • Không thấp hơn giá khởi điểm đã được phê duyệt, nếu mua trước đấu giá.
Đối với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10/2011/TT-NHNN quy định về các tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa.

Theo đó, các tiêu chí chủ yếu mà cổ đông chiến lược nước ngoài phải đáp ứng gồm có:
  • Là tổ chức tín dụng/tài chính có tổng tài sản tối thiểu tương đương 20 tỷ đô la Mỹ.
  • Có trên 5 năm kinh nghiệm hoạt động quốc tế.
  • Được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập quốc tế (Moody’s, Standard & Poor, Fitch Rating …) xếp hạng ở mức có khả năng thực hiện các cam kết tài chính và hoạt động bình thường ngay cả khi tình hình, điều kiện kinh tế biến đổi theo chiều hướng không thuận lợi.
  • Không là cổ đông chiến lược, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào tại Việt Nam .
Lợi ích gì từ cổ đông chiến lược?

Với những trình bày ở trên, có thể thấy các tiêu chí đối với cổ đông chiến lược trong lĩnh vực ngân hàng là cụ thể hơn, nhằm chọn lọc các tổ chức đáp ứng đủ điều kiện để giúp ngân hàng trong nước.
  • Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro
  • Ứng dụng công nghệ hiện đại
  • Phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…
Ở các lĩnh vực khác, cổ đông chiến lược là một từ mang tính kinh tế hơn là quy định pháp lý.

Để cổ đông chiến lược có thể mang lại lợi ích như mong muốn, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược kinh doanh, các điểm yếu, điểm mạnh của mình và lựa chọn đối tác phù hợp.

Một cổ đông chiến lược hữu ích có thể trợ giúp về nguồn tài chính, giúp ổn định nguồn nguyên vật liệu, hỗ trợ mạng lưới phân phối, khách hàng… vì mục đích lợi nhuận của cả hai phía công ty và cổ đông.

Rủi ro và thách thức là gì?

Tuy vậy, không phải cổ đông chiến lược luôn luôn đem lại triển vọng tươi sáng cho doanh nghiệp.

Một số rủi ro và thách thức mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi xuất hiện cổ đông chiến lược:
  • Việc ra quyết định sẽ không còn linh hoạt như trước đây.
  • Mất quyền kiểm soát doanh nghiệp, dự án, tạo ra rủi ro tài chính, rủi ro kinh doanh.
  • Trách nhiệm và quyền hạn bị nhạt nhòa.
  • Mất nhiều thời gian và công sức để điều phối, tham vấn các bên liên quan.
  • Nhiều thách thức hơn trong công tác truyền thông nội bộ doanh nghiệp.
Theo hocchungkhoan.org
 
×
Quay lại
Top