Chỉ cần một người biết lắng nghe

mai_lady

past - present - future
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/3/2012
Bài viết
4.914
1. Tập trung chú ý: Bao gồm giao tiếp bằng mắt, hướng về phía người nói hay gật nhẹ đầu biểu lộ sự tán thành và thông hiểu. Điều này cho thấy người nghe đang thật sự chú ý và lĩnh hội được thông tin.

2. Đáp lại một cách chân thành: Nó nhằm xác nhận những ẩn ý bên trong mà người nói muốn bày tỏ. Khi giãi bày chuyện gì, điều mà người nói thật sự muốn cho chúng ta biết chính là thái độ cũng như cảm xúc của họ. Hãy cho họ biết là chúng ta đang thật sự lắng nghe và thấu hiểu họ bằng những câu như "Chắc hẳn bạn… (giận, buồn, vui, ...) lắm", "Bạn thấy… (vui, buồn, giận…) lắm đúng không?", "Mình thấy là bạn…"… Đây chỉ là một số cách để làm rõ cảm xúc của người nói hay biểu lộ những cảm xúc khác nhau trong đàm thoại. Đó cũng là những câu hỏi mở để khuyến khích người nói bày tỏ những ý kiến và cảm xúc riêng.

3. Diễn giải lại điều vừa được chia sẻ: Thường, khi người ta quá phấn khích, họ sẽ chẳng thể nhận ra là mình đang nói lòng vòng đâu. Thử diễn giải lại một cách ngắn gọn và gợi mở để họ nói nhiều hơn. Bí quyết này có thể khiến người đối diện bày tỏ những điều họ thật sự muốn chia sẻ.

4. Đặt câu hỏi: Bí quyết này rất có giá trị nhưng cũng mang khuyết điểm Một câu hỏi không đúng chỗ có thể làm buổi trò chuyện rơi vào ngõ cụt. Chẳng hạn như một người bạn đang muốn nói rằng cậu ấy đau khổ như thế nào khi chia tay mà lại nhận được câu hỏi đại loại như "Sao cậu lại để cô ấy đi? Cô ấy thật đẹp". Người bạn này dĩ nhiên sẽ càng buồn hơn. Hầu hết các trường hợp chúng ta không nên hỏi "Tại sao…?" vì nó có vẻ như một lời trách cứ hay phán xét. Nên hỏi "Cậu cảm thấy như thế nào" "Điều đó rất có ý nghĩa với cậu đúng không", "Bây giờ cậu định sẽ thế nào?". Đó là những ví dụ để khuyến khích người đối diện bày tỏ nhiều hơn mà không tỏ ý phán xét hay phê phán họ.

5. Cuối cùng, hãy im lặng: Im lặng làm nhiều người cảm thấy không thoải mái. Họ cho rằng nó thể hiện sự suy tính hoặc đau khổ. Chúng ta thường sợ những khoảnh khắc im lặng và thường cố nói một điều gì đó. Một người nghe chân thành lại khác, họ cũng sẽ thoải mái trong lúc im lặng vì biết rằng nó chứa đựng nhiều điều để suy ngẫm. Thỉnh thoảng, chờ đợi một vài phút sẽ làm cho người nói đi sâu hơn vào những điều muốn bày tỏ. Đôi khi, chúng ta phải im lặng để người đối diện vượt qua những cảm xúc của mình.

Thực tập những bí quyết trên đây không có nghĩa là một người nghe chân thành thì không cần phải trình bày những ý kiến cá nhân. Dĩ nhiên, cần phải lắng nghe và nói đúng lúc. Tuy nhiên, một người nghe chân thành là người biết cách lắng nghe khi người khác cần được chia sẻ. Những bí quyết này sẽ giúp chúng ta thêm yêu quý và thông cảm nhau hơn. Lắng nghe sẽ giúp chúng ta thấu hiểu vấn đề một cách sâu sắc cũng như phát triển các kĩ năng đàm thoại khác

Một người bạn tốt là người luôn luôn biết lắng nghe và chia sẻ. Tôi nghĩ lắng nghe cũng phải có nghệ thuật, trong khi người bạn đang kể những gì mình vừa trải qua, hay nghe và có thể đưa ra góp ý để họ có thể vượt qua. Đừng vì thấy trong câu chuyện của người bạn kể có chi tiết giống như một câu chuyện nào đó của mình mà cùng bức xúc và nói chen vào, khi đó bế tắc không tìm được lối thoát mà có lẽ còn mệt mỏi hơn, hãy biết lắng nghe, chia sẻ vì chẳng ai luôn gặp may mắn và mỉm cười trong cuộc sống mãi được, sẽ có lúc bạn cần một người bạn chỉ để lắng nghe bạn mà thôi.
 
×
Quay lại
Top