“Cậu bé và Quái thú”: Khi người thầy là “thanh kiếm trong tim”

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Nếu như ngày xưa có truyện “Người đẹp và Quái thú” đi phá giải lời nguyền cho tính ích kỷ, thì ngày nay có anime “The Boy and the Beast (Cậu bé và Quái thú)” của đạo diễn Hosoda Mamoru đi từ cái nhìn gan góc của một cậu bé 9 tuổi để đi tìm câu trả lời cho những người trẻ cảm thấy bị bỏ rơi và lạc lõng: Ta là ai? Thế nào là trưởng thành? Liệu cứ to xác là đã lớn?


cau_be_va_quai_thu_-_anh_1.jpg


Gợi nhớ đến Alice ở xứ sở diệu kỳ, nhưng nếu như Alice chỉ khám phá thì Ren lại thực sự sống và trở thành một phần của không gian lạ kỳ tồn tại song song cùng cuộc sống thường nhật của con người. Ở đó, cư dân toàn là thú. Ren kết bạn với Hyakushubo, nhà sư trong hình hài chú lợn; Tatara, con tinh tinh luôn hoài nghi và không thích sự ràng buộc và Kumatetsu, một tay kiếm đạo có tính khí cộc cằn, nóng nảy đặc trưng của loài gấu. Trong đó, bộ phim tập trung vào mối quan hệ thầy trò giữa Ren và Kumatetsu, đưa Cậu bé và Quái thú trở thành một thứ đáng giá để xem trong những ngày cuối năm này.

Gấu là một loài mâu thuẫn. Một mặt, chúng biểu tượng cho bức tranh yên bình. Kết hợp với “thanh kiếm trong tim”, “gấu” Kumatetsu trở thành biểu tượng hàn gắn cho sự trống rỗng, bóng đêm trong tâm hồn cậu bé Ren sau biến cố gia đình. Nhưng mặt khác, nó cũng là biểu tượng của chiến binh, sự can đảm và sức mạnh, lý giải cho cá tính và cuộc sống của Kumatetsu trong phim. Bên cạnh đó, gấu cũng là biểu tượng của tình mẫu tử và bảo vệ trẻ em, mà được các nhà phim chuyển dịch thành hình ảnh người cha.

Tính chất ngủ đông của loài này cũng được chuyển dịch khéo léo, khi nhà làm phim mô tả cách sống nhếch nhác bừa bộn của một gã độc thân, không biết cách chăm sóc bản thân, một đứa trẻ to xác chính hiệu. Và sau thời gian “u mê” đó, gấu sống lại, chiến đấu cho sự sống, như cách Kumatetsu chăm sóc và dạy dỗ Ren.


cau_be_va_quai_thu_-_anh_2.jpg


Đối thủ Iozen của Kumatetsu có hình tượng của chú lợn rừng lại là hình ảnh khác của sự mạnh mẽ và dũng cảm. Trái ngược với tính cộc cằn của loài gấu, lợn rừng mang lại cảm giác về sự tính trung thực, sự điềm tĩnh, tình cảm với người thân và tính cách khiêm tốn. Nhưng điều này đến một lúc nào đó lại mang hàm ý chỉ trích nhẹ nhàng. Hóa ra, “con người vĩ đại” đó, ứng viên sáng giá cho chức lãnh đạo cả một cõi đó, cũng có lúc tự mãn và giấu giếm, khi tin rằng mình có thể kiểm soát tất cả. Điều đó gây nên bi kịch cho gia đình ông.


cau_be_va_quai_thu_-_anh_3.jpg


Hình tượng đệ tử phật môn của chú lợn Hyakushubo đặc biệt hơn cả. Trong Phật giáo, lợn nằm ở trung tâm bánh xe của sự tồn tại, đứng cuối cùng trong “lục súc” và thể hiện sự thiếu hiểu biết, lười biếng và tham lam. Đó cũng là hình ảnh đại diện của Trư Bát Giới trong Tây du ký. Nhưng đồng thời, cũng hàm ý về sự sung túc và may mắn. Điều đó đã khiến các nhà làm phim xây dựng nên nhân vật Hyakushubo.

Lần đầu xuất hiện, Hyakushubo không nhận mình là nhà sư, nhà tu hành và hòa thượng, mà giới thiệu mình là “một đệ tử Phật môn”, hàm ý về sự tu dưỡng để thoát khỏi trạng thái của những ý nghĩa tiêu cực mà loài lợn vốn phải mang. Điều này ám chỉ đến sự trưởng thành của Ren, Kumatetsu và tất cả mọi người. Đối với thanh thiếu niên, đó là vượt qua rào cản mang tên tuổi mới lớn, tuổi nổi loạn, cũng như khẳng định cái tôi của chính mình. Với người trưởng thành để tự răn mình rằng “người lớn” cũng chỉ là một cách gọi, ta vẫn còn phải “học, học nữa, học mãi”.


cau_be_va_quai_thu_-_anh_4.jpg


Còn tinh tinh Tatara là hình ảnh của trí thông minh, sự hiểu biết về xã hội phức tạp, kỹ năng sống, kỹ năng kết nối và giải quyết vấn đề. Dĩ nhiên, Tatara trong phim không có biểu hiện rõ ràng của những hình ảnh này, song nhân vật là một trong mảnh ghép để ám chỉ về sự trưởng thành. Con người luôn tự coi mình đứng trên tất thảy, bậc thầy của thế giới vật chất và sự sáng tạo. Sự thông minh của tinh tinh nhẹ nhàng đặt ta trở lại đúng vị trí của mình. Khi đã có cái nhìn bớt tự cao tự đại, ta có thể vượt qua cái tôi bản thân, hòa mình vào tự nhiên, và đạt đến “cõi Niết Bàn” giản dị của cuộc sống. Không phải hình ảnh hư vô hay xa xăm nào, mà chính là trạng thái cân bằng giữa xã hội hiện đại – bị xem là cuốn đi bao giá trị truyền thống, gia đình, chuẩn mực.


cau_be_va_quai_thu_-_anh_5.jpg


Tác phẩm “Moby-Dick” (Cá voi trắng), thông qua hình ảnh của kẻ lang thang để đưa ra những quan điểm về xã hội, thiện và ác, niềm tin cá nhân và sự nhỏ bé của con người trong vũ trụ, cũng được lồng khéo léo vào câu chuyện, như nấc thang quan trọng để các nhân vật tìm ra “Đâu là sự trưởng thành” cho chính mình.

Cậu bé và Quái thú là câu chuyện về sự trưởng thành, về giá trị gia đình, thông qua quan điểm của một đứa trẻ muốn nhận thức thế giới. Chỉ tiếc, bất chấp nhiều hình ảnh ẩn dụ sắc nét, cách hành phim lại không tương xứng. Các nhà làm phim không lý giải được tại sao Ren lại bỏ nhà đi mà không sống cùng họ hàng, khi trong phim không có chi tiết nào biểu lộ hình ảnh tiêu cực của họ.

Tại sao cậu lại đau đớn đến mức rống lên giữa đường

“Tôi ghét tất cả mọi người”?

Gia đình tan vỡ có thể là lý do, nhưng trong phim lại thể hiện hời hợt đến mức ta khó có thể đồng tình với cảm xúc của Ren. Mối quan hệ giữa Ren và mẹ có ảnh hưởng như thế nào? Tại sao cậu dễ dàng cảm thấy “chán nản” cuộc sống ở xứ sở quái thú để tò mò về cuộc sống con người mà cậu đã vứt bỏ? Tại sao ở bên nhau hàng năm trời mà cậu cảm thấy “tồi tệ” khi ở bên người thầy của mình? Sự xấc xược của Ren càng đối lập khi Kumatetsu ngày càng trưởng thành và ra dáng một người cha, thì Ren trẻ con cho đến tận gần hết phim.


cau_be_va_quai_thu_-_anh_6.jpg

Dễ dàng nhận thấy Ren là biểu tượng cho thanh thiếu niên Nhật Bản luôn đi tìm “bản ngã” của mình trong thế giới. Chỉ tiếc, thiếu thốn cái nền khiến nhân vật này bớt đi chiều sâu, cảm xúc đáng suy ngẫm, trong khi lại quá nổi bật cá tính “bất hảo”.


Có thể nói, nhân vật Kumatetsu là thanh kiếm thực sự cho cả bộ phim. Kiếm đại diện cho tinh thần chiến đấu, phẩm giá và danh dự, sức mạnh để hàn gắn trái tim và tìm ra giá trị đích thực của mỗi người. Cái kết cho Kumatetsu vừa “có hậu” lại vừa “không hậu” đến xót xa đã thành công lưu giữ trong tâm trí khán giả một điều gì đó về bộ phim.

Theo Sống Mới
 
×
Quay lại
Top