Cánh diều bay cao

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Nhà bà ở thành phố à? Tui cũng có người bà con ở trên đó!
- Vậy à, mà chính xác là người bà con của ông ở quận nào?
- Chả biết!
- Không biết mà cũng bày đặt nói!
- Thì biết làm gì, mình biết người ta mà người ta không biết mình cũng thế thôi!
ImageView.aspx

Nó mơ ước được như cánh điều, tự do bay bổng, tự do lựa chọn - Ảnh minh họa: từ Internet Thằng Xị trả lời một câu cụt ngủn, cười hô hố, để lộ nguyên hàm răng mọc lỉa chỉa còn bị sún mất mấy cái, rồi đứng dậy, phủi mông, bỏ đi một nước. Cái thằng thiệt chả có ai vô tâm như nó! Mà ngẫm ra, nhỏ San quý nó cũng chỉ vì ngưỡng mộ cái sự vô tâm, vô tâm đến mức hồn nhiên ấy.
Thằng Xị mười sáu tuổi, bằng tuổi nhỏ San, nghe đâu, ba mẹ nó mất sớm, mình nó ở với bà nội, hai bà cháu nương tựa nhau sống qua ngày. Rồi chẳng hiểu sao, đang yên đang lành, đột nhiên nó tuyên bố nghỉ học, đòi bỏ nhà ra đi.
Ngày nó đi, nội nó chạy theo khóc dữ lắm, nhưng nó nhất quyết không thèm mảy may. Ai cũng kêu thằng Xị bất hiếu, được nội nuôi nấng sướng thế mà không chịu ngoan ngoãn học hành lại còn quay ra phụ bạc. Nó cười, nụ cười hả hê, bảo, ở với nội suốt ngày ăn cơm độn, khoai độn, xót cả dạ dày, lại không có đồng xu dính túi, lấy đâu ra mà sướng. Giờ nó lớn rồi, đủ lông đủ cánh rồi, lại là thân trai tráng sao phải đi ăn bám một bà già. Thế nên nó quyết định tự mình kiếm sống, tự mình nuôi thân và xin tới ở chăn trâu cho chú thím của nhỏ San.
Kể ra, nhỏ San và nó cũng sẽ chẳng quen biết nhau nếu hôm vừa rồi nhỏ San không vì buồn chuyện gia đình mà bỏ về nhà chú thím Năm đổi gió mấy ngày. Ấn tượng đầu tiên của nhỏ về thằng Xị là một tên con trai gầy xọp, nhỏ thó, dáng người loắt choắt, mặc cái quần xắn ống cao ống thấp, suốt ngày lúi húi ngoài vườn. Lúc thì cắt cỏ cho đám nghé, lúc thì hì hục cột mũi cho con trâu có lúc lại ngồi tựa lưng vào gốc xoài hát những câu vu vơ gì đó không biết nhưng đại loại là thứ nhạc mà nhỏ San chưa nghe bao giờ.
Bữa nọ, thấy thằng Xị đang mải miết ngồi xếp bằng vót mấy cây tre, nhỏ San mon men lại hỏi:
- Ê, ông vót tre làm gì vậy?
- Làm diều chớ còn làm gì nữa, thế mà cũng hỏi, người đâu mà gà quá!
- Thì không biết tui mới hỏi, biết rồi hỏi chi cho mất công, không thích trả lời thì thôi, làm gì mà chửi tui là gà ghê vậy!
- Bộ bà dòm vậy mà không đoán ra tui đang làm diều à, bà là vịt luôn chứ gà gì!
Nói đoạn, nó đứng dậy cười khà khà bỏ đi, để lại mình nhỏ San lòng tức anh ách. Nhưng chẳng hiểu sao nhỏ không giận thằng Xị lại còn đâm ra kết nó, kết cái điệu cười, cách nói chuyện vô tư, hồn nhiên của nó. Như có lần San hỏi nó sao ba mẹ đặt cho ông cái tên ngộ vậy, tên gì nghe chuối cả nải, khoai cả rổ. Thằng Xị lại cười hô hố, nó bảo, chuối cỡ nào, khoai bao nhiêu chả biết, chỉ biết hồi còn sống, ba nó không uống được rượu. Bữa nọ đi đám giỗ , ba nó uống đúng một xị mà về nhà say khướt suốt hai ngày hai đêm. Rồi chẳng hiểu sao, 9 tháng sau đó, nó cất tiếng khóc oa oa chào đời, mẹ nó đặt cho cái tên luôn là Xị.
Nhỏ San nghe thằng Xị giải thích mà cười sặc sụa. Nhỏ phát hiện ra, dường như ở thằng Xị không có chút mặc cảm, không có chút e thẹn của một đứa thân phận tôi đòi. Nó cứ là nó, cứ thao thao bất tuyệt giải thích về cái tên mỗi lần có ai hỏi, rồi tỏ vẻ bất cần khi kể về người bà con giàu sụ ở thành phố và kết thúc lúc nào cũng bằng cái giọng cười ha hả, hô hố nghe như vui lắm, cũng có lúc buồn lắm nhưng chẳng hề gượng gạo.
Có lần thằng Xị đi chăn trâu, nhỏ San trốn ra gốc xoài góc vườn ngồi tập bắt chước điệu cười của thằng Xị. Chẳng hiểu sao, nhỏ tập hoài, tập hoài mà chả thấy giống tẹo nào. Thằng Xị ngồi vắt vẻo trên cây xoài cất giọng: “Bà làm gì mà nhe răng riết vậy?”, nhỏ San đỏ mặt, giấu đi sự ngượng ngùng bằng câu trả lời:
- Thì tui tập bắt chước điệu cười của ông chớ còn gì nữa. Mà có khi nào mình cười riết người ta nghĩ mình bị điên không hả ông?
- Người ta không rảnh vậy đâu. Bà tin tui đi, ai lại đi phí thời gian để suy nghĩ về một con điên bao giờ!
Vừa dứt lời, thằng Xị đã bị nhỏ San dí chạy lòng vòng quanh gốc xoài. Bọn nó chẳng biết, gốc xoài trưa hôm ấy, lá reo vui đến lạ dù trời không một cơn gió thoảng.
***
Hôm rồi, thằng Xị rủ nhỏ San ra cánh đồng gần nhà bắt cào cào về làm mồi cho lũ chim sáo nhốt trong mấy cái lồng treo trước hiên. Nhỏ San đi theo nó ra đồng, một tay cầm cái bịch một tay với lấy con cào cào thằng Xị đưa bỏ vào, vậy mà cứ không thôi chậc lưỡi: “Khổ thân kiếp cào cào, sống được bao nhiêu, lớn được bao nhiêu, phá phách được bao nhiêu rồi cũng bị người ta bắt về làm mồi cho lũ chim!”.
Thằng Xị nghe nhỏ San lẩm bẩm nhưng chẳng hơi sức đâu nghĩ đến mấy cái triết lý vớ vẩn của nhỏ. Đầu nó bận nghĩ về một thứ gì đó bí hiểm lắm, và tay nó cũng đang bận bắt những con cào cào to lắm. Rồi đột nhiên, nó quay qua nói với nhỏ San bằng giọng thảng thốt như vừa ngộ ra một điều gì đó vô cùng vĩ đại:
- Bà có phát hiện ra điều gì không?
- Phát hiện ra điều gì là điều gì?
- Để tui chỉ bà coi…
Nói đoạn, nó bắt con cào cào để lên một mỏm đá, vỗ tay cái bốp rồi hô to: “Nhảy!”, lập tức con cào cào nhảy. Lần thứ hai, cũng con cào cào ấy nhưng nó bẻ hai chân sau đi rồi lại đặt lên mỏm đá, vỗ tay cái bốp, hô: “Nhảy!”. Lần này con cào cào không nhảy. Sau cái thí nghiệm đơn giản như đang giỡn ấy, nó hùng hồn tuyên bố và rút ra một kết luận rằng: “Con cào cào sau khi bẻ chân thì nó bị điếc!”
Nhỏ San lại có một trận cười nắc nẻ. Kể ra, thằng Xị mà đi thi phát minh khoa học chắc cũng lọt qua được vòng gửi xe vì những phát hiện hết sức nhảm nhí của nó. Mà nghĩ như thằng Xị cũng hay, cứ nhìn mọi vật ở sự đơn giản, ở cái khôi hài của nó, khỏi mất công, nhọc lòng chi cho mệt.
Vậy mà nhỏ San lại chẳng được vô tư như nó. Cứ nghĩ đến chuyện gia đình, lòng nhỏ lại ngổn ngang. Chỉ còn hai ngày nữa nhỏ phải quay về thành phố, phải đứng trước sự lựa chọn đầy cam go: một là cố gắng vượt qua kỳ thi tiếng Anh sắp tới, giành một vé đi du học theo định hướng của ba mẹ. Và nhỏ sẽ đặt chân đến một nơi đất khách quê người, không bạn bè, không họ hàng bà con thân thích, không những buổi đổi bắt cào cào ban trưa, cũng không có bóng dáng thằng Xị lởn vởn trước mặt nhỏ. Nhưng như thế nhỏ sẽ làm tròn bổn phận của một đứa con ngoan, sẽ khiến ba mẹ vui lòng. Hai là nhỏ vẫn sẽ ở nhà, vẫn đi học như bao bạn bè đồng trang lứa khác nhưng sẽ làm ba mẹ phiền lòng vì bỏ mất một suất học bổng mà khó khăn lắm ba nhỏ mới chạy vạy được.
***
Trời còn tờ mờ sáng, nhỏ đã thức dậy thật sớm như sợ để mất ánh nắng buổi bình minh mà nay mai nhỏ sẽ chỉ được thấy ở một khung trời khác, như sợ đánh mất bóng dáng thằng Xị đứng lúi húi mắt nhắm mắt mở, hối trâu ra ràng mà nay mai nhỏ không còn thấy nữa. Rồi nhỏ lại ngồi bần thần dưới gốc xoài, nghĩ miên man. Có trái xoài rụng lộp bộp, trúng đầu, nhỏ mới giật mình, thôi không nghĩ nữa.
Chiều về, thằng Xị chìa ra trước mặt nhỏ con diều đủ màu sắc sặc sỡ.
- Nghe nói bà sắp về thành phố, hôm nay tui dắt bà đi thả diều!
Rồi nhỏ chưa kịp gật gù ú ớ, thằng Xị đã kéo tay nhỏ chạy ra đồi cỏ sau làng. Khoảng đất trống rộng bao la mọc đầy cỏ là cỏ, nhỏ ngửi thấy cái mùi ngai ngái của mấy đụm bông lau pha lẫn mùi hăng hắc của cánh rừng bạch đàn trước mặt. Thằng Xị cầm con diều chạy lăng xăng lấy đà rồi bắt đầu thả dây. Rồi con diều cứ thế bay cao, cao vút. Đến khi nó chỉ còn một chấm nhỏ trên bầu trời, thằng Xị yên tâm kiếm một chỗ, vẫy nhỏ San lại ngồi.
Nhỏ San ngước nhìn cánh diều, rồi liếc nhìn thằng Xị, ngó thấy bóng mình lọt thỏm trong đôi mắt sâu hoắm của nó mà cất giọng thở dài:
- Giá mà tui cũng được như cánh điều, tự do bay bổng, tự do lựa chọn không phải lo nghĩ về ba mẹ nữa thì hay biết mấy!
Thằng Xị cười:
- Bà khờ quá, diều muốn bay cao, bay xa được cũng phải có người thả chớ, khi không đòi bay thì làm sao bay được. Bà có ba mẹ chăm sóc, lo đầy đủ mọi thứ, giờ lại được đi du học, sướng quá còn nghĩ ngợi cái gì. Như tui, có muốn cũng không được….
- Kỳ lạ, tui lại mơ được giống ông, thích làm gì thì làm, chẳng ai cấm đoán. Mà ông thích học thế sao hồi trước tự dưng bỏ học, bỏ nội mà đi?
- Ai bảo bà tui thích nghỉ học, ai bảo bà tui thích bỏ nội mà đi. Chỉ là tui không nhẫn tâm nhìn thấy cái cảnh nội già rồi mà còn phải vất vả lo cho tui ăn học. Thế nên mới viện cớ viện chấu bỏ đi, coi như trút bớt gánh nặng cho nội thôi.
Thằng Xị vừa nói vừa dõi mắt về phía xa xăm. “Mà tui tính rồi, làm hết năm nay, tui gom được số tiền kha khá rồi về làng bên phụng dưỡng nội.”
Té ra, thằng Xị không vô tâm, vô tư như nhỏ San nghĩ. Té ra, thằng Xị còn sâu sắc lắm, hiếu thảo lắm, suy nghĩ cũng thấu đáo lắm. Nhỏ San chưa hết ngỡ ngàng khi nhận ra con người thật của thằng Xị thì từ đằng xa, giọng thím Năm đã la lên í ới: “Xị ơi, bà Tám làng bên vừa báo tin nội mầy bệnh nặng, về mau thôi!”
Thằng Xị hoảng hốt, thả đứt dây diều, chạy thục mạng. Nó chạy băng băng qua mấy cánh đồng, dẫm chân qua mấy bụi cỏ gai nhọc hoắc, vừa chạy vừa khóc chỉ mong phi nhanh về làng bên càng sớm càng tốt. Nhỏ San cứ thế đứng nhìn bóng thằng Xị khuất dần, khuất dần sau rặng tre. Nhỏ thở dài, rồi thằng Xị sẽ ra sao, nó có kịp đem đồng lương về khoe với nội, có kịp giải thích cho nội hiểu rõ ngọn ngành không? Nhỏ chẳng biết, mà nhỏ cũng chợt nhận ra hình như mình phải từ biệt chú thím Năm để quay về thành phố.
***
Nhỏ đã tìm ra câu trả lời cho riêng mình, và điều quan trọng nhất với nhỏ bây giờ là được ở bên cạnh những người thân, ôm họ thật chặt để nhận ra rằng mình vẫn còn có họ. Nhỏ quay đi, tặng cánh đồng một nụ cười, y chang nụ cười của thằng Xị. Phía cuối trời, có cánh diều đứt dây đang chao đảo bỗng dưng bay vụt lên lạ thường…
 
×
Quay lại
Top