Cần thu hút hơn nữa đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Hiện nay, có rất nhiều giáo sư, các nhà khoa học gốc Việt đang giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Đó là nguồn chất xám dồi dào của dân tộc. (Đinh Bá Khương)

StudentsOnLawn.jpg



Chúng ta đều vui mừng trước những bước tiến trong khoa học công nghệ, cũng như sự lớn mạnh của đội ngũ trí thức Việt Nam. Càng ngày, có thêm nhiều trường đại học định hướng phát triển theo tiểu chuẩn quốc tế được thành lập, các Viện công nghệ cao ra đời, tạo môi trường làm việc tốt cho những người làm khoa học.
Nhiều sinh viên Việt Nam được cấp học bổng du học ở các nước tiên tiến, sẽ là nguồn bổ sung lớn vào lực lượng trí thức trong tương lai. Kinh phí phục vụ cho công tác nghiên cứu cũng như đời sống của đội ngũ tri thức được nhà nước chú trọng đầu tư hơn. Đó, chắc chắn là những thành quả đáng ghi nhận.
Nhưng, một quốc gia với hơn 80 triệu dân, một dân tộc được đánh giá là thông minh, cần cù, lại vẫn đang "sở hữu" một nền khoa học khá non yếu so với các nước trên thế giới, mà không đâu xa, ngay cả so với các nước ở Đông Nam Á. Đây là điều, làm mỗi người dân Việt Nam, không thể không "chạnh lòng", nhất là những người chọn con đường khoa học làm sự nghiệp cho mình.
Do những điều kiện khách quan cũng như chủ quan, mà nhiều bài báo đã phân tích, các nhà khoa học Việt Nam chúng ta có thể chưa dám mơ tới những thành tựu vang dội như việc chinh phục không gian vũ trụ, hay đến những giải thưởng Nobel danh giá. Nhưng chúng ta có quyền và phải kỳ vọng vào những mục tiêu gần hơn, thiết thực hơn. Chẳng hạn như, làm thế nào để trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới, bao giờ có tên một trường của Việt Nam, dù chỉ là một?
Bao giờ số bài báo xuất xứ từ đội ngũ tri thức nước ta đăng trên các tạp chí quốc tế, ngang bằng, hoặc thua chút ít thôi, so với những nước trong khu vực như Singapore hay Thái Lan? Bao giờ các trường đại học, các Viện trong nước có được môi trường nghiên cứu khoa học thật sự? Và bao giờ những người làm khoa học có thể sống được bằng thu nhập từ chính công tác chuyên môn của mình?
Để tiến gần hơn với những mục tiêu đó, đã có nhiều giải pháp được đưa ra và thực hiện. Thiết nghĩ, bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao chất lượng cũng như đời sống của đội ngũ những người làm khoa học trong nước, Chính phủ cũng cần có những chính sách thông thoáng hơn để khuyến khích và chào đón sự trở về góp sức của đội ngũ trí thức ở nước ngoài.
Chúng ta đều biết, hiện nay, có rất nhiều giáo sư, các nhà khoa học gốc Việt đang giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Đó là nguồn chất xám dồi dào của dân tộc. Sự đóng góp của họ không những trực tiếp tạo ra những thành quả khoa học công nghệ cho đất nước, mà còn giúp đội ngũ trí thức trong nước thêm lớn mạnh.
Bên cạnh đó, họ chính là cầu nối giữa khoa học thế giới và khoa học nước nhà, đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển giao công nghệ. Không phủ nhận, ngày càng có thêm nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài về nước giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu, hay đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo ở các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu.
Nhưng thực tế, nước ta vẫn chưa tận dụng tối đa nguồn chất xám này. Một khi chúng ta đặt niềm tin ở đội ngũ này nhiều hơn nữa, dành cho họ môi trường nghiên cứu thật sự, chính sách đãi ngộ hợp lý, tin chắc rằng, họ sẽ trở về và cống hiến một cách hiệu quả, thiết thực nhất.
Những ai mang dòng máu Việt trong người đều khát khao đóng góp sức mình cho sự phát triển chung của nước nhà. Trí thức Việt Nam ở nước ngoài, không phải là ngoại lệ, và họ cũng thuộc đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung, luôn mong muốn được cống hiến cho nền khoa học công nghệ nước nhà.
Có sự chung tay góp sức như vậy, chúng ta mới kỳ vọng ở sự "cất cánh" của khoa học Việt Nam trong tương lai gần.
Đinh Bá Khương
(NCS ĐH Công nghệ Swinburne, Melbourne, Australia)​
 
×
Quay lại
Top