Cách để vượt qua đau thương và mất mát

Ánh Minh

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/10/2017
Bài viết
1.322
Khi mất đi một ai đó vô cùng quan trọng và quý giá đối với bạn, nỗi thương tiếc có thể trở nên rất mãnh liệt. Nỗi đau, những kỉ niệm buồn và những câu hỏi còn để ngỏ có thể ám ảnh bạn. Bạn thấy dường như mình không thể được như trước, bạn sẽ không thể cười hay cảm thấy toàn vẹn nữa.

Mặc dù không có cách nào để thương tiếc mà không đau đớn nhưng vẫn có những cách “lành mạnh” để bày tỏ niềm tiếc thương nhưng vẫn giúp bạn có thể tiến về phía trước. Đừng cam chịu một cuộc đời không có niềm vui, hãy cố gắng vượt qua nỗi mất mát và rồi dù có mất nhiều thời gian nhưng chắc chắn bạn sẽ cảm thấy khá hơn.

1. Vượt qua nỗi tiếc thương


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-1.jpg

Đối diện với nỗi mất mát. Sau khi mất đi một người cực kì quan trọng, đôi khi chúng ta muốn làm bất cứ thứ gì để làm giảm nỗi đau. Những thói quen gây hại như dùng ma tuý, lạm dụng đồ uống có cồn, ngủ nhiều, sử dụng Internet quá mức hay quan hệ t.ình d.ục bừa bãi sẽ đe dọa sức khoẻ của bạn và khiến bạn có nguy cơ nghiện ngập và càng phải chịu nhiều đau đớn hơn. Bạn sẽ không bao giờ nguôi ngoai được nếu không dám đối diện với sự thật nỗi mất mát đó. Khi lờ đi nỗi đau do mất mát gây ra hay ru ngủ bản thân bằng những thú tiêu khiển chỉ có tác dụng ngắn hạn (dù bạn có cố gắng trốn tránh) thì đến cuối cùng, nỗi thương tiếc cũng sẽ chiếm lấy bạn. Hãy đối diện với sự mất mát đó. Bạn cần để bản thân khóc hay bày tỏ niềm thương tiếc bằng bất cứ cách nào mà bạn cảm thấy tự nhiên. Chấp nhận nỗi đau mất mát là bước đầu tiên giúp bạn vượt qua nó.

Khi sự mất mát vẫn còn mới xảy ra trong trí nhớ của bạn thì bạn cần tập trung chú ý đến nỗi thương tiếc. Tuy nhiên, bạn nên lập ra một giới hạn cho những thương tiếc kéo dài. Hãy tự cho bản thân một khoảng thời gian, có thể là vài ngày đến một tuần, để cảm nhận nỗi buồn sâu sắc. Những cũng cần lưu ý rằng nếu bạn càng dành nhiều thời gian đắm mình trong nỗi buồn thì càng khó thoát khỏi nỗi mất mát đó. Cuối cùng, bạn sẽ bị tê liệt vì tự thương hại bản thân và không thể bước tiếp.


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-2.jpg

Giải toả nỗi đau của bạn. Hãy để những giọt nước mắt rơi. Đừng bao giờ sợ khóc ngay cả khi đây không phải là điều bạn thường làm. Bạn cần hiểu rằng không có cách cảm nhận hay bày tỏ nỗi buồn nào là đúng hay sai cả. Điều quan trọng là bạn thừa nhận nỗi buồn và cố gắng vượt qua nó. Cách bạn vượt qua nỗi buồn hoàn toàn do chính mình quyết định, và mỗi người sẽ có những cách khác nhau.

Đi tìm lối thoát cho nỗi đau của bạn. Nếu bạn cảm thấy muốn làm một hoạt động nào đó khi tiếc thương thì hãy cứ làm, miễn là đừng gây đau đớn cho bản thân hay những người khác. Khóc lóc, ném gối, chạy đường dài, ném hết mọi thứ ra ngoài, lái xe, hét to hết mức trong rừng hay một nơi cô quạnh nào đó, và hình dung lại những kỉ niệm của bạn là một số cách mọi người thường chọn để giải thoát nỗi đau của mình. Cách làm nào cũng có hiệu quả tương tự.

Tránh làm bất cứ điều gì gây hại đến bản thân hay những người khác. Mất mát không phải để gây đau đớn hay làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Mất mát là khoảng thời gian chúng ta học cách tìm ý nghĩa cho những cảm xúc trong lòng bạn và học cách đương đầu với nỗi đau.


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-3.jpg

Chia sẻ cảm xúc của bạn với những người khác. Tìm kiếm người chia sẽ khi bạn đang chịu đau đớn là một cách làm rất tốt cho bạn. Nếu bạn không thể tìm được người bạn nào thì hãy dựa vào một người lạ đồng cảm, thầy tu, cố vấn hay bác sĩ tâm lí. Ngay cả khi bạn thấy mình đang nói linh tinh, bối rối và không chắc chắn thì việc nói chuyện với một ai đó mà bạn tin tưởng là một hình thức giúp bản thân bạn giải thoát phần nào cơn đau mà bạn đang gánh chịu. Hãy coi trò chuyện như một hình thức sắp xếp những cảm xúc của bạn. Những suy nghĩ của bạn không nhất thiết phải mạch lạc hay hợp lí mà chỉ cần giúp bạn giải toả cảm xúc là được.

Nếu bạn lo rằng những người khác sẽ cảm thấy bối rối hay buồn bã khi lắng nghe bạn nói thì một lời cảnh báo đơn giản trước khi tâm sự sẽ giúp làm vơi đi nỗi lo lắng này. Chỉ cần nói cho họ biết rằng bạn đang thấy buồn bã hay bối rối và một số từ bạn nói sẽ chẳng có nghĩa lí gì thì bạn vẫn rất trân trọng một người chịu lắng nghe mình. Một người bạn hay một người giúp đỡ biết quan tâm sẽ không thấy phiền.


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-4.jpg

Tạo khoảng cách với những người không biết thông cảm. Thật không may là không phải tất cả những người bạn chọn để nói chuyện khi đang thương tiếc có thể giúp ích cho bạn. Hãy ngừng quan tâm đến những người nói những điều như “hãy vượt qua đi”, “đừng có nhạy cảm như thế chứ,” "tôi đã rất nhanh chóng vượt qua khi chuyện đó xảy đến với mình", v.v. Họ đơn giản không hiểu cảm xúc của bạn, vì vậy đừng chú ý đến những lời bình luận thiếu tế nhị của họ. Hãy nói với họ rằng “Nếu bạn thấy mình không thể chịu đựng được thì không cần phải ở bên cạnh tôi khi tôi đang trải qua vấn đề này. Nhưng dù bạn có cảm thấy thế nào thì tôi vẫn cần phải vượt qua, vì thế làm ơn hãy để tôi yên".

Một vài người dù không coi trọng nỗi tiếc thương của bạn cũng có thể là những người bạn có ý tốt (nhưng hơi thiếu sót). Hãy liên lạc lại với họ khi bạn đã thấy mạnh mẽ hơn. Trước lúc đó, hãy tránh xa tính thiếu kiên nhẫn của họ - bạn không thể vội vàng hồi phục cảm xúc ngay được.



cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-5.jpg

Đừng hối tiếc. Sau khi mất đi một ai đó, bạn có thể cảm thấy tội lỗi. Tâm trí bạn đầy rẫy những suy nghĩ như “Ước gì mình có cơ hội từ biệt lần cuối”, hay “Ước gì mình đã đối xử tốt hơn với người này”. Đừng để bản thân mình bị cảm giác tội lỗi nuốt chửng. Dù bạn có nghĩ đi nghĩ lại bao nhiêu lần thì quá khứ cũng không thể thay đổi. Người bạn yêu quý mất đi không phải lỗi của bạn. Thay vì day dứt về những điều lẽ ra bạn "nên" làm, hãy tập trung vào những điều bạn "có thể" làm hãy điều chỉnh những cảm xúc của bạn và bước tiếp.

Nếu bạn cảm thấy tội lỗi sau một mất mát, hãy nói chuyện với một người từng quen người đó. Họ sẽ luôn có thể giúp bạn thuyết phục bản thân rằng sự mất mát đó không phải do lỗi của bạn.


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-6.jpg

Giữ lại những điều gợi bạn nhớ đến người yêu quý đó. Chỉ vì người đó hoặc chú thú cưng đó mất đi không có nghĩa là bạn sẽ không nhớ đến họ nữa. Bạn có thể cảm thấy được an ủi khi biết rằng dù họ không còn ở đây thì tình bạn, tình yêu và những mối quan hệ cá nhân mà bạn đã có với họ vẫn tồn tại. Không ai có thể lấy đi điều đó, mối quan hệ mà bạn có với họ sẽ luôn là một phần trong bạn. Một vài kỉ vật rất đáng giữ lại để nhắc bạn nhớ về lòng dũng cảm, sự kiên cường và khả năng mường tượng một tương lai tốt đẹp hơn của chính mình.

Hãy giữ những kỉ vật nhắc bạn nhớ đến người đó hoặc chú thú cưng đó trong một chiếc hộp ở góc nào đó. Chỉ nên đem chúng ra xem khi bạn cần một vật hữu hình để nhớ lại những kỉ niệm của mình. Nhớ rằng để những kỉ vật ở xung quanh những nơi dễ thấy không phải là ý hay vì nó sẽ liên tục nhắc nhở bạn về người đã ra đi đó và khiến bạn khó bước tiếp hơn.


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-7.jpg

Tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong xã hội này, chúng ta có xu hướng chê bai những người có vấn đề về cảm xúc, và đây là xu hướng hết sức tai hại. Việc gặp mặt bác sĩ tâm lí hay cố vấn không khiến bạn trở nên yếu đuối hay đáng thương mà là biểu hiện của sức mạnh. Qua việc tìm kiếm sự giúp đỡ mà bạn cần, bạn thể hiện mong muốn bước tiếp và vượt qua nỗi thương tiếc của mình và đó là điều rất đáng trân trọng. Đừng ngại ngần lên lịch hẹn gặp với một chuyên gia. Trong năm 2004, hơn một phần tư số người trưởng thành ở Mỹ đã tới gặp bác sĩ tâm lí trong vòng hai năm trước đó.

2. Tập hướng tới hạnh phúc


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-8.jpg

Ngừng chú ý đến nỗi buồn. Hãy cố gắng nhớ đến những khoảng thời gian tươi đẹp và những kỉ niệm tuyệt vời nhất mà bạn đã từng có giữa bạn với người đó hoặc chú thú cưng mà bạn đã mất. Việc tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực hay sự nuối tiếc cũng không thể thay đổi sự việc đã xảy ra mà chỉ khiến bạn thấy tồi tệ hơn. Hãy nhớ rằng những người đã từng mang lại hạnh phúc cho bạn sẽ không bao giờ muốn bạn chìm trong nỗi buồn. Thay vào đó, cố gắng nhớ đến những cách người đó nói chuyện, những thói quen nhỏ đặc biệt, những lúc hai người vui vẻ bên nhau hay những thứ mà người đó đã dạy cho bạn về cuộc sống cũng như về chính bản thân bạn.

Nếu bạn mất một chú thú cưng, hãy nhớ đến những khoảng thời gian tuyệt vời khi nó bên cạnh, cuộc sống hạnh phúc mà bạn đã tặng cho nó hay những điểm đặc biệt mà chỉ mình nó sở hữu.

Mỗi khi bạn thấy mình có xu hướng trở nên buồn bã, giận dữ hoặc tự thương hại bản thân hơn, hãy lấy một cuốn nhật kí và viết lại những điều đẹp đẽ mà bạn nhớ về người hoặc chú thú cưng đã mất đó. Trong những khoảnh khắc buồn bã, bạn có thể tìm đến cuốn nhật kí này để nhắc nhở bản thân về niềm hạnh phúc mà hai bạn đã có khi bên nhau.


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-9.jpg

Tự đánh lạc hướng bản thân. Thông qua việc làm cho mình bận rộn hơn và dành thời gian cho những công việc đòi hỏi nhiều sự tập trung thì bạn đã giúp bản thân không có thời gian để liên tục nghĩ về những nỗi mất mát nữa. Cách này cũng giúp bạn nhận ra rằng cuộc sống quanh bạn vẫn còn rất những điều tốt đẹp đang chờ đón.

Mặc dù làm việc hay học tập có thể giúp bạn tạm thời không còn nghĩ đến sự mất mát nhưng cũng đừng quá lạm dụng điều này để đánh lạc hướng bản thân, nếu không bạn sẽ thấy mình chỉ có công việc và nỗi buồn, và chẳng còn gì khác. Hãy tìm đến những thú tiêu khiển vui vẻ hơn bằng cách làm những điều khiến bạn thấy yên lòng. Có rất nhiều lựa chọn dành cho bạn, ví dụ như làm vườn, nấu ăn, câu cá, nghe bài hát yêu thích của bạn, đi bộ, vẽ, viết, v.v… Hãy chọn bất cứ hoạt động nào mang lại cho bạn những giây phút vui vẻ, thư giãn (điều mà công việc hoặc học hành hàng ngày không thể cho bạn được).

Tham gia các hoạt động xã hội. Hãy coi việc làm tình nguyện như một cơ hội để chuyển hướng chú ý từ những vấn đề của bạn sang những khó khăn của người khác. Nếu bạn thích trẻ con thì lũ nhóc luôn đầy bất ngờ và tiếng cười trẻ con có thể giúp làm dịu tâm hồn của bạn.


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-10.jpg

Tìm kiếm niềm vui trong những ngày đẹp trời. Một biểu hiện thường thấy của sự tiếc thương là bạn chỉ ở nhà và không màng đến cuộc sống bên ngoài. Khi bạn đã vượt qua nỗi buồn ban đầu thì hãy kiếm cơ hội thưởng thức những ngày nắng đẹp. Hãy dành chút thời gian đi bộ, thưởng ngoạn và đơn giản là chú ý đến những vẻ đẹp tự nhiên quanh bạn. Bạn đừng cố gắng nghĩ đến những cảm xúc cụ thể mà chỉ cần để hơi ấm mặt trời cùng những âm thanh của thế giới thấm trong người. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây cối cùng những kiến trúc mà bạn nhìn thấy. Hãy để nhịp sống hối hả nhắc nhở bạn rằng thế giới rất đẹp. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, và bạn xứng đáng được là một phần trong đó cùng hòa nhập vào những thói quen hàng ngày của mình.

Một vài nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng ánh sáng mặt trời có chứa chất chống trầm cảm tự nhiên. Ra khỏi nhà sẽ giúp bạn thoát khỏi mớ cảm xúc của mình.


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-11.jpg

Nhận thức lại ý niệm về những gì bạn đã mất đi. Khi đánh mất ai đó, thật không may là họ sẽ không bao giờ hiện hữu nữa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người mà bạn đã mất không tồn tại trên thế giới này dưới dạng ý niệm hay biểu tượng. Hãy nhớ rẳng người hay chú thú cưng mà bạn đã mất vẫn sống mãi trong những suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn. Khi ta nói chuyện, hành động hay nghĩ về điều gì bị ảnh hưởng bởi những kí ức về người đã ra đi thì họ sẽ luôn tồn tại trong đó.

Nhiều tôn giáo đã răn dạy rằng linh hồn của con người vẫn tồn tại sau khi cơ thể của họ chết đi. Những tôn giáo khác thì dạy rằng tinh tuý của con người chuyển thành một dạng khác hoặc sẽ hồi sinh về lại Trái đất. Nếu bạn theo tôn giáo thì hãy tìm kiếm niềm an ủi bằng việc tin rằng người mà bạn đã mất vẫn tồn tại vĩnh hằng dưới dạng linh hồn.


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-12.jpg

Dành thời gian với những người bạn tốt. Sau mất mát, bạn có thể thấy rất khó để tìm động lực ra ngoài và dành thời gian với bạn bè. Tuy nhiên, hành động này đánh dấu một bước phát triển đáng kể trong tâm trạng của bạn. Bạn nên tìm đến những người bạn hiểu rõ trạng thái cảm xúc của bạn ngay cả khi bạn chưa hoàn toàn phục hồi. Hãy tìm đến những người bạn hoặc người quen vui tính, tốt bụng và nhạy cảm. Họ sẽ giúp bạn dễ dàng hoà nhập lại với vai trò xã hội của mình, từ đó bạn sẽ thấy bận rộn khi đang cố gắng vượt qua nỗi thương tiếc.

Buổi đi chơi đầu tiên sau một mất mát lớn có thể chút gì đó hơi dè dặt và ngượng nghịu do bạn bè của bạn đang lo lắng về cách tiếp cận vấn đề đó. Đừng để điều này làm cho bạn thất vọng vì bạn vẫn cần quay trở lại cuộc sống xã hội bình thường của mình ở một thời điểm nào đó. Hãy kiên trì, dù có phải mất hàng tuần hoặc nhiều tháng để mọi thứ hoàn toàn trở về “bình thường” thì việc dành thời gian đi chơi với những người bạn tốt sẽ luôn giúp ích nhiều cho bạn.


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-13.jpg

Đừng giả vờ vui vẻ. Khi quay trở lại với cuộc sống thường ngày, bạn có thể cảm thấy có những tình huống trong công việc và xã hội đòi hỏi bạn phải vui vẻ hơn dù bạn thật sự không thấy vậy. Khi đã cố gắng không để bản thân chìm đắm trong nỗi buồn, bạn cũng cần tránh “giả” niềm vui của mình. Niềm vui giả tạo khiến bạn thấy thật tệ hại vì quả là một gánh nặng khi phải nở nụ cười dù bạn không muốn. Đừng biến niềm vui thành một công việc nhàm chán! Vẻ ngoài và cách hành xử của bạn có thể nghiêm túc trong cuộc sống xã hội cũng như trong công việc cũng không có vấn đề gì , miễn là bạn không làm cản trở niềm vui của những người khác. Hãy để dành nụ cười cho đến khi bạn thực sự thấy vui, và nụ cười đó sẽ ngọt ngào hơn rất nhiều.


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-14.jpg

Để thời gian hàn gắn những vết thương. Quá trình hồi phục về mặt cảm xúc của bạn có thể kéo dài hàng tháng cho đến hàng năm, và điều này là hoàn toàn bình thường. Trong thời gian đó, bạn có thể bắt đầu bày tỏ sự tôn trọng người mà bạn đã mất bằng quyết tâm tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn.

Đừng lo lắng, bạn sẽ không bao giờ quên những người bạn yêu mến. Bạn cũng sẽ sử dụng sức mạnh nội tại để tìm kiếm những mục tiêu và những thành tựu mà mình đã để lỡ. Điều thay đổi là cách bạn tiếp cận cuộc sống từ thời khắc này – có thể sẽ xuất hiện một mục tiêu rõ ràng hơn, nhận thức mới về giá trị hay một quan điểm hoàn toàn thay đổi về những khía cạnh nhất định của cuộc sống. Tuy nhiên, những bước phát triển này sẽ không thể xảy ra nếu bạn không cho bản thân thời gian để hàn gắn.

Mặc dù bạn nên dành cho mình một khoảng thời gian thích hợp để hàn gắn thì cũng cần nhớ rằng cuộc sống của bạn rất đáng quý và bạn có trách nhiệm tận dụng hết khoảng thời gian trong cuộc sống này. Mục tiêu của cuộc đời bạn là phải hạnh phúc chứ không buồn bã. Đừng vội vã tránh xa nỗi thương tiếc nhưng cũng đừng hài lòng khi chỉ mới phục hồi được một phần. Hãy đặt mục tiêu phục hồi dựa vào một trong những bước tiến nhỏ đó. Đây là điều bạn cần phải làm vì bản thân – hãy tiếp bước dù có mất bao nhiêu thời gian đi chăng nữa.


cach-vuot-qua-noi-dau-mat-mac-15.jpg

Đừng nghi ngờ niềm vui của mình. Đừng thấy tội lỗi vì mình có cảm giác vui vẻ. Không có khoảng thời gian nào cố định để bạn hồi phục từ mất mát cả. Nếu bạn nhanh chóng tìm lại được niềm vui thì đừng cảm thấy tội lỗi vì mình chưa thương tiếc đủ nhiều. Nếu bạn cảm thấy mình đã phục hồi từ mất mát thì có thể là bạn đã phục hồi thật. Đừng áp đặt hạn chót cho nỗi thương tiếc, nhưng cũng đừng trì hoãn niềm vui của bạn. Đừng bao giờ ép bản thân phải cảm thấy buồn hơn mức cần thiết.
Dịch bởi Kênh Sinh Viên
Nguồn: WikiHow
 
×
Quay lại
Top