Bob Dylan: “Gừng” không có tuổi!

superheroes

Look Out Behind You
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/6/2010
Bài viết
304
Bob Dylan: “Gừng” không có tuổi!
(Dân trí) - Nếu bất cứ ai đó có thể tự hào đã viết một ca khúc như “Forever Young” (Trẻ mãi), và hát nó để kết thúc buổi trình diễn của mình ở tuổi “cổ lai hy”, đó chỉ có thể là Bob Dylan.


kg21142011.jpg

Bob Dylan trên sân khấu TPHCM tối qua 10/4. (Ảnh: NLĐ)

Đúng là "gừng càng già càng cay", nhưng "củ gừng" này thì dường như không có tuổi. Nếu nghe lại những album đầu tay của Bob Dylan hồi đầu thập niên 60, khi ông mới ngoài 20 tuổi, ta có thể thấy giọng ông ngay từ khi đó đã nghe rất... già. Ngược lại, tối 10/4, tại TPHCM, ở tuổi 70 tròn, Bob Dylan cho thấy ông vẫn còn phong độ hơn khối
rocker trẻ.

Lần đầu tiên trình diễn tại Việt Nam, Dylan được chào đón nồng nhiệt bởi một đám đông pha trộn khá đồng đều giữa người Việt và người nước ngoài, vốn sinh sống và làm việc khá đông ở TPHCM. Một số không nhỏ bay từ Hà Nội vào để dự sự kiện hiếm có này.

Dylan mở đầu màn trình diễn sau cây keyboard, một hình ảnh thường thấy ở giai đoạn sau của sự nghiệp của ông. Nhưng sang bài hai, với ca khúc “It Ain’t Me Babe” (Không phải anh đâu cưng), ra đời từ năm 1964, ông trở lại với hình ảnh quen thuộc ôm cây guitar.

kg2221142011.jpg

Bob Dylan - minh chứng sống của lòng đam mê âm nhạc cuồn cuộn chảy

Trong suốt gần 2 giờ, Dylan lúc chơi keyboard, lúc guitar và hát những ca khúc bất hủ của mình. Nhưng đàn không phải chỉ để đệm hát, mà ông thực sự cống hiến những màn solo đầy quyến rũ, khi thì đầy vẻ thư thái, ngọt ngào trên guitar, lúc “gắt gỏng”, bạo liệt đậm chất jazz/rock trên keyboard. Thỉnh thoảng, ông điểm xuyết những đoạn thổi harmonica vốn đã gắn liền với tên tuổi Bob Dylan từ nửa thế kỷ qua.

Giọng hát Bob Dylan đã khàn đi nhiều ở những đoạn trầm, nhưng ở những đoạn điệp khúc quen thuộc, ông vẫn thể hiện rõ nét hình ảnh của một huyền thoại và cho thấy mình vẫn còn rất sung mãn trong vai trò một ca sĩ.

Bắt đầu từ giữa năm 1988, tour lưu diễn “Never Ending” (Không bao giờ Kết thúc) của Bob Dylan đã liên tục kéo xuyên thập kỷ 1990, thập kỷ 2000, và Việt Nam là một trong những điểm đến tiếp theo trong năm 2011. Trong suốt những năm đó, trung bình ông chơi 100 buổi/năm, một thành tích đáng nể.

Xuyên suốt quá trình lưu diễn dày đặc, Dylan nổi tiếng với việc liên tục thay đổi cách phối khí và cách thể hiện các ca khúc của mình. Tại sân khấu Đại học RMIT, đôi lúc khán giả cũng phải nghe một đoạn mới nhận ra một trong số những bài rất quen thuộc của ông như “Tangled up in Blue” (Rối bời trong nỗi buồn) hay “A Hard Rain's a-Gonna Fall” (Mưa to sắp đổ)…

Một số tác phẩm mới hơn của Bob Dylan, ra đời trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 hoặc đầu thế kỷ 21 như “Love Sick” (Tương tư – 1997) hay "'Tweedle Dee & Tweedle Dum” (2001)… được chơi gần với nguyên bản hơn. Tuy nhiên, khán giả thực sự cuồng nhiệt khi ông cùng ban nhạc chơi “Highway 61 Revisited” (Thăm lại Xa lộ 61) và “All Along the Watchtower” (Dọc theo tháp canh) với phong cách rock mãnh liệt; cũng như một trong số những ca khúc nổi tiếng nhất mọi thời đại và được khán giả mong đợi nhất của ông là “Like a Rolling Stone” (Như hòn đá lăn).

Hát và chơi nhạc gần như liên tục mười mấy bài, chỉ rút vào trong nghỉ giữa chừng trong chưa đầy 5 phút, Bob Dylan đã không phụ lòng người hâm mộ và hát “Forever Young” thay cho lời kết, hẳn ông muốn nhắn nhủ mình là một minh chứng sống của lòng đam mê âm nhạc cuồn cuộn chảy, giữ cho người nghệ sĩ đam mê đích thực trẻ mãi không già.

Nguồn : Dantri.com.vn
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top