Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang - Gỡ bỏ rào cản, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý tài nguyên v

thi55cnsh

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/4/2011
Bài viết
835
Thứ năm, ngày 25 tháng 08 năm 2011
nguồn: monre.gov.vn

17234_anh_bo_truong.jpg


Tại buổi trả lời phỏng vấn báo chí chiều 23/8, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, ông "tự tin ngồi trên ghế nóng" là có cơ sở. Đó là bởi hệ thống pháp luật ngành TN&MT đã tương đối hoàn chỉnh và đang được cập nhật kịp thời, công tác thanh kiểm tra được quan tâm nhiều hơn và đội ngũ cán bộ đã và đang trưởng thành vững chắc. Báo TN&MT lược ghi nội dung cuộc phỏng vấn.

Thưa Bộ trưởng, ngành TN&MT có rất nhiều vấn đề được dư luận quan tâm. Trên cương vị mới, Bộ trưởng có ưu tiên thế nào về những vấn đề cần giải quyết ?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Có nhiều việc phải làm đối với một Bộ trưởng mới. Trước tiên, tôi dành nhiều thời gian chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành TN&MT. Đồng thời với hoàn thiện thể chế chính sách là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật TN&MT. Làm tốt thanh tra, kiểm tra sẽ kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về TN&MT ở địa phương. Qua đó, nắm bắt các vấn đề mới của cuộc sống đang đặt ra đối với công tác quản lý, những bất cập, tồn tại của chính sách để bổ sung, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý TN&MT.
Bảy lĩnh vực mà Bộ TN&MT quản lý hiện nay là rất rộng, liên quan trực tiếp tới mọi người dân, trong đó đất đai, môi trường và khoáng sản đang "nóng" cần được ưu tiên. Các lĩnh vực khác cũng không kém phần quan trọng, đó là tăng cường quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước, kiểm soát việc xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, quản lý biển trong phát triển kinh tế và khẳng định chủ quyền…

Đất đai là vấn đề nóng, nhạy cảm, phức tạp có liên quan đến mọi người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Tới đây, Bộ TN&MT có những giải pháp nào để phát huy hơn nữa hiệu quả từ tài nguyên đất, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Cần hết sức quan tâm tới nguồn lực đất đai và có giải pháp phát huy nguồn lực này hiện nay và cả trong tương lai để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo tôi, cần thực hiện các giải pháp sau:
Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổng kết đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về "tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", ra Nghị quyết mới với định hướng, tư tưởng mới, Bộ sẽ nghiên cứu, sửa Luật Đất đai 2003 một cách căn bản, toàn diện.
Tiếp đó, phải đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch. Thông qua quy hoạch, Nhà nước sẽ chủ động điều tiết được nguồn cung về đất đai phục vụ các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội; điều tiết được giá trị địa tô do Nhà nước đầu tư hạ tầng mà có; đồng thời thông qua quy hoạch làm tăng giá trị sử dụng, khả năng sinh lời của đất. Mặt khác phải tăng cường công tác giám sát để quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đi vào thực tiễn trong cuộc sống.
Để hạn chế tiêu cực, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, cần tăng cường tạo quỹ đất sạch của Nhà nước, phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; tiến tới xóa bỏ cơ chế "xin - cho" trong giao đất, cho thuê đất.
Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường tính công khai minh bạch trong quản lý sử dụng đất đai nhằm tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để khuyến khích được các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Hoàn thiện các công cụ tài chính như thuế và phí sẽ góp phần xử lý tình trạng đầu cơ, ôm đất, bỏ hoang đất gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Khoáng sản là tài sản quan trọng của quốc gia, là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng hầu hết không tái tạo được. Việc khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên này phải đi đôi với có chế tài xử phạt nghiêm minh, khen thưởng thích đáng nhằm tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Tài nguyên khoáng sản nhất thiết phải được khai thác, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Phải tính đến dự trữ nguồn tài nguyên khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và cho các thế hệ mai sau. Luật Khoáng sản vừa được Quốc hội thông qua trong năm 2010 đã thể hiện rất rõ quan điểm này ở các khâu lập chiến lược, quy hoạch khoáng sản; thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản.
Luật Khoáng sản đã nêu rõ, nội dung chiến lược khoáng sản nhất thiết phải đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thăm dò, khai thác khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác; dự trữ khoáng sản quốc gia.
Trong hoạt động thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ trữ lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò, không được bỏ sót khoáng sản. Khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản; khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm. Khoáng sản phải được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, tức là không được sử dụng khoáng sản có giá trị cao hơn vào các lĩnh vực chỉ yêu cầu khoáng sản có giá trị thấp hơn. Nhà nước khuyến khích dự án đầu tư khai thác khoáng sản gắn với chế biến sâu, sử dụng khoáng sản để làm ra các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội.
Đối với các chế tài xử phạt, một số tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản đã được quy định tại Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, Bộ TN&MT đang hoàn thiện để trình Chính phủ dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, mức xử phạt các hành vi vi phạm được nâng lên đủ mức ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản.
Bên cạnh chế tài xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật thì việc biểu dương, khen thưởng xứng đáng, kịp thời cho việc sử dụng, hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả khoáng sản là việc làm cần thiết.

Theo Bộ trưởng, để nâng cao hơn nữa công tác quản lý của ngành TN&MT, chúng ta phải làm gì và có những bước đi như thế nào ?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Mục tiêu hướng tới của công tác quản lý TN&MT là các nguồn tài nguyên thiên nhiên phải được quản lý tốt, phát huy vai trò, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để nâng cao hơn nữa công tác quản lý của ngành, theo tôi cần tập trung vào bốn vấn đề sau:
Một là, cần tiếp tục làm rõ những cơ chế, cách làm tốt, đã được khẳng định để phát huy; kết hợp phát hiện những bất cập, những gì không còn phù hợp để điều chỉnh, sửa đổi; đồng thời nghiên cứu áp dụng các cơ chế, công cụ, cách làm mới để bắt nhịp cùng với tiến trình đổi mới, phát triển của đất nước và thời đại, đặc biệt là quá trình hội nhập quốc tế để cơ chế, cách làm của chúng ta phù hợp, liên thông được với bên ngoài, với các nước.
Hai là, những lĩnh vực đã có cơ chế, chính sách, pháp luật tốt, hoàn thiện thì tập trung vào tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, thanh tra. Những lĩnh vực mà cơ chế quản lý còn chưa rõ, chưa có hoặc chưa hoàn thiện cần chú trọng đến công tác hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, thiết lập và vận hành thông suốt cơ chế quản lý.
Ba là, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục, phiền hà, sách nhiễu, làm khó người dân và doanh nghiệp. Chú ý cải thiện mối quan hệ trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương theo hướng thiết lập một hệ thống quản lý Nhà nước về TN&MT thống nhất trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, phát huy vai trò của Bộ TN&MT là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về TN&MT trên phạm vi cả nước.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật đủ tầm, hiểu biết rộng, có chuyên môn tốt, có kiến thức về pháp luật, kinh tế, xã hội; đội ngũ cán bộ có khả năng tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, thanh tra có kiến thức chuyên môn, nắm chắc pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, có kinh nghiệm thực tiễn và có ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp là rất quan trọng.
Ngoài ra, cần phải chú ý nâng cấp, hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống thiết bị, công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, thời tiết và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối chiếu với các yêu cầu nêu trên, ngành TN&MT sẽ tiến hành rà soát, có lộ trình và bước đi phù hợp nhằm phát huy thế mạnh, khắc phục bất cập, gỡ bỏ các rào cản, nâng cao hơn nữa công tác quản lý của ngành, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới và phát triển, mong muốn và nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng. Chúc Bộ trưởng thành công trên cương vị mới và hoàn thành trọng trách nặng nề mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.

PV (lược ghi)

Đối với vụ việc các doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý ra môi trường bị phát hiện vừa qua, chúng ta cần nhìn nhận qua một quá trình lịch sử. Trước đây, chúng ta ưu tiên thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nên quá trình thẩm định về môi trường, đánh giá tác động môi trường còn chưa thật kỹ càng. Vì vậy, giờ đây cần nỗ lực thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh xử lý, đồng thời có lộ trình để các doanh nghiệp đó đầu tư khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường. Còn đối với các dự án đầu tư mới, quan điểm của Bộ TN&MT là dứt khoát phải làm tốt thẩm định về môi trường, đánh giá tác động môi trường nếu cấp phép đầu tư. Việc thẩm định phải làm hết sức nghiêm ngặt.
 
×
Quay lại
Top