Bí quyết học giỏi của các thủ khoa đại học năm 2013

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Mẫu số chung của các thủ khoa đều là học một cách chủ động, không nhồi nhét kiến thức mà phải thật sự có đam mê.

Học tập là cả quá trình dài. Muốn học tốt phải có phương pháp học phù hợp. Hãy cùng lắng nghe xem những thủ khoa đại học năm 2013 chia sẻ bí quyết học của họ.
Nguyễn Thanh Tùng (THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) là thủ khoa Đại học Dược với tổng số điểm là 29,5 (khối A). Tùng chia sẻ: “Với các môn thi đại học, tôi không thích dùng thêm sách tham khảo. Môn Toán, tôi học trong sách giáo khoa rồi phân chia các dạng bài ra với nhau, làm các bài tập trong đó. Tôi đã làm thật nhuần nhuyễn, sao cho nhìn vào phải làm được luôn. Tôi cũng liên tục tìm những đề thi các năm trước, đề thi thử các trường; tự làm ở nhà và thi thử nữa để làm quen với tâm lý phòng thi. Môn nào tôi cũng học hết sách giáo khoa, tất cả lý thuyết, bài tập. Sách giáo khoa gần như là “Hiến pháp” rồi nên cứ theo đó mà học thôi. Với môn Lý, thầy giao nhiều bài khó nên tôi lên mạng tìm thêm những hướng giải”.

thu-khoa.jpg
Nguyễn Thanh Tùng (THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) thủ khoa Đại học Dược

Lê Tiến Đạt (học sinh Trường THPT Nông Cống 2, Thanh Hóa) là thủ khoa Học viện Y học cổ truyền Việt Nam đạt 26,5 điểm trong đợt thi vừa rồi. Đạt khiêm tốn cho biết, phương pháp học tập của Đạt rất đơn giản. Đó là học từ những kiến thức cơ bản trên lớp, về nhà học bài cặn kẽ, chăm chỉ và đặt quyết tâm cao sẽ có kết quả. Không học quá nhiều sách, tập trung vào một số cuốn sách cơ bản của mỗi môn để hiểu cặn kẽ. Đạt là cậu học sinh khá chăm chỉ khi tiết lộ rằng cậu thường học bài từ 1-2h sáng mới đi ngủ.

Thủ khoa đại học Ngoại Thương Hà Nội, khối A, là thí sinh Nguyễn Trọng Hùng (THPT Nam Khoái Châu, Hưng Yên) với tổng số điểm 29,5. Mỗi buổi tối Hùng chỉ dành 2 tiếng để học, chú trọng những kiến thức trong sách giáo khoa, sau đó chuyên tâm vào giải các đề thi. Cậu hay vào các diễn đàn toán học, vật lý trên mạng để tìm tư liệu và đề thi rồi tải về máy để làm. “Tôi luôn tự học và không bao giờ có ý nghĩ phụ thuộc vào thầy cô mà chỉ coi thầy cô giáo là những người chỉ đường”, Hùng khẳng định. Bởi vậy Hùng không ủng hộ cách học thụ động, nhồi nhét kiểu mọt sách, người học sinh cần phải chủ động trong khi tiếp thu kiến thức của mình.

le-tien-dat---tan-thu-khoa-.jpg
Lê Tiến Đạt (học sinh Trường THPT Nông Cống 2, Thanh Hóa) thủ khoa Học viện Y học cổ truyền Việt Nam đạt 26,5 điểm

Thủ khoa đại học Ngoại Thương, khối D1, thí sinh Nguyễn Khánh Hiền (THPT Amsterdam, Hà Nội) là một học sinh chuyên Hóa nhưng lại đỗ thủ khoa vào khối D1. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi Hiền là người học khá đều tất cả các môn, ngoài ra em còn yêu thích tiếng Anh và văn học. Đối với Khánh Hiền, để có kết quả cao trong học tập, phương pháp và cách thức học rất quan trọng. Khi học trên lớp, Hiền chăm chú nghe thầy cô giáo giảng bài và cố nắm bắt kiến thức để không phải mất thời gian học lại.

Đến khi về nhà, Khánh Hiền chỉ cần ôn lại bài vừa học và cố gắng nắm chắc tất cả những kiến thức cơ bản của từng môn học nên tất cả những bài tập trong sách giáo khoa, em đều làm được hết. Thời gian còn lại, Hiền luyện thêm các bài tập nâng cao trong các sách tham khảo và những đề thi đại học từ những năm trước. Tuy nhiên, không phải lúc nào Hiền cũng lao vào học. Cô gái này có sở thích lựa chọn cách học theo cảm hứng khi tinh thần cảm thấy thoải mái nhất.

Nguyễn Thành Danh (THPT Trần Phú, Hải Phòng), thủ khoa khối A, đại học Ngoại thương Hà Nội với số điểm là 29,5; lại chia sẻ về phương pháp học nhóm. Nhóm của Thành Danh chỉ có 3 bạn, mỗi khi cuối kì, các bạn thường tìm nhiều tài liệu để ôn tập, đồng thời cùng các bạn sắp xếp thời gian để học. Mỗi khi học, các bạn trong nhóm cùng nhau trao đổi, học lý thuyết là chính, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ nhau làm các bài tập khó, làm các đề thi thử để nâng cao kiến thức, kinh nghiệp làm bài.
Theo kinh nghiệm của Thành Danh, học nhóm nếu biết phát huy sẽ rất tốt, thoải mái trao đổi, học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bộ. Song bản thân mỗi người vẫn phải có ý thức tự học là chính.

Thay cho lời kết, chúng tôi xin được dẫn lời của Nguyễn Thành Trung (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An), thủ khoa 30 điểm trường đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: “Học tập cần nhất là niềm đam mê, nếu không có đam mê việc học sẽ không bao giờ hiệu quả”./.
Theo VOV
 
×
Quay lại
Top