Bệnh “ham quyền lực” của sinh viên

Suzibimon

Evergreen
Thành viên thân thiết
Tham gia
8/4/2011
Bài viết
817
imagesCA47ZL16_170x150.jpg


Lên đại học, bên cạnh việc phấn đấu đạt được thành tích học tập tốt, nhiều sinh viên còn thích có một chức vụ, vị trí nhất định…để khẳng định mình.
Nếu tham gia tích cực hoạt động xã hội để cống hiến và giúp ích cho tập thể, đó là việc nên làm.
Nhưng nhiều sinh viên cố gắng hết mình cũng chỉ vì muốn...có quyền để mọi người phải nể, từ đó, bệnh “ham quyền lực” bắt đầu xuất hiện và họ trở thành một con người khác.


Hay than thở, phàn nàn, kể lể, hoặc…tự khen
Có một chức vụ khá oai trong hội sinh viên của trường, B.M (sinh viên năm 2 ĐH TĐT) được rất nhiều bạn biết đến. Tuy nhiên, B.M được yêu mến thì ít nhưng bị chỉ trích thì rất nhiều vì tính cách của anh chàng.
Ngoài việc tham gia vào hội sinh viên, B.M còn là lớp phó học tập. Khi mọi người cần hỏi về lịch học, lịch thi, gọi cho B.M đều bị anh chàng cúp máy hoặc nói ngắn gọn: “Mình sẽ thông báo cho các bạn sau, bây giờ mình đang bận lắm!”, nhưng rồi chẳng thấy B.M nói gì cả, cả lớp nhiều phen mệt mỏi chỉ vì “hôm đó thầy thông báo nghỉ nhưng B.M chẳng nói lại với bọn mình vì bận tổ chức cuộc thi gì đó cấp trường”. Lên facebook của anh chàng chỉ toàn thấy những dòng than thở, rằng sao nhiều việc quá, bận rộn quá, làm thế nào để đỡ căng thẳng đây… “Có ai bắt cậu ấy phải như thế đâu chứ, tự cậu ấy làm khổ mình đấy thôi” — T.P (cùng lớp với B.M) bày tỏ.
Còn V.A (sinh viên năm 3 ĐH Cần Thơ) là bí thư chi Đoàn, thích tham gia các hoạt động xã hội. Chính vì vậy, gặp V.A là mọi người đều nghĩ ngay đến các hoạt động trong đoàn khoa. Ngày nào V.A cũng lên lớp thông báo cho mọi người về những thông tin liên quan đến Đoàn và “khoe” những công việc trong đoàn mà cô nàng đã làm được.
“Nếu đó là những thông tin cần thiết với bọn mình, thì V.A là một đoàn viên xuất sắc và mình ủng hộ điều đó. Nhưng những lúc mọi người cần nghỉ ngơi thì cô nàng cũng lên kể cho cả lớp nghe ở một khoa nào đó đang tổ chức một chương trình gì đó, và bắt bọn mình phải sôi nổi hơn, hăng hái hơn mới “đuổi kịp” họ. Tham gia hoạt động phong trào đâu nhất thiết phải căng thẳng và chạy theo thành tích như thế. Hơn nữa, bọn mình chỉ là đoàn viên, có tham gia hay không là việc của bọn mình, V.A luôn cho rằng ai cũng phải ham thích các hoạt động ấy như cô nàng vậy” — T.T (lớp trưởng lớp V.A) cho biết.

Coi thường các bạn “dưới quyền”, chỉ chơi chung với những bạn “ngang hàng”
Nhiều sinh viên luôn ảo tưởng với danh nghĩa mà mình có được, nên từ đó cách cư xử với các bạn cũng thay đổi, làm mọi người mất thiện cảm, dần dà “tẩy chay.
T.M (sinh viên năm 2 ĐH HB) là một ví dụ điển hình. Đầu năm, bằng một sự khôn khéo và thân thiện hiếm thấy, anh chàng đã được cả lớp tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, thái độ của T.M làm nhiều bạn trong lớp không thích. “Khi thông báo điều gì đó cho cả lớp, cậu ấy nói giọng như ra lệnh. Bọn mình hỏi lại, cậu ấy quát nạt. Có khi còn hăm dọa bọn mình hoặc bày tỏ thái độ bực bội. Bạn bè cậu ấy là lớp phó, bí thư, những bạn trong hội sinh viên… Cậu ấy nghĩ cậu ấy là ai? Với bọn mình, cậu ấy cũng như bạn bè bình thường, chỉ khác một điều là trọng trách của cậu ấy nhiều hơn người khác và cậu ấy có khả năng hoàn thành tốt điều đó, thế thôi” — T.P (bạn cùng lớp T.M) nói.
Một điều rất dễ thấy với những bạn hoạt động trong Đoàn, Hội mà mắc bệnh “ham quyền lực” chính là chỉ chơi chung với những bạn “có quyền” giống nhau và tỏ ra xa cách với đoàn viên, hội viên trong lớp.
Hoài Nam (sinh viên năm 1 ĐH Mở) cho biết: “Cách nói chuyện của nhiều bạn “có quyền” trong lớp luôn tỏ vẻ bề trên và hay nâng giá bản thân. Họ luôn thể hiện mình nằm ở một “đẳng cấp khác” nên tác phong, điệu bộ của họ đối với những bạn không có chức vụ làm mình không đồng tình. Chẳng hạn như có lần nhỏ bạn mình hỏi về một hoạt động Đoàn sắp tổ chức và muốn đăng kí tham gia, thì bí thư đoàn khoa hay thở dài, mỉm cười rồi giảng giải chi tiết cho bạn mình với một thái độ không mấy dễ chịu và có phần khinh người. Lúc đóng tiền thì người thu cũng không chịu ngước mặt lên nhìn mà chỉ hỏi cộc lốc “tên gì?”. Chịu thua với những bạn bị bệnh ảo tưởng về chức vụ”.

Thích chỉ đạo
Tất nhiên, đã có chức vụ, có quyền, thì tất nhiên họ sẽ có một chút năng khiếu lãnh đạo và dẫn dắt, một thần thái nào đó khiến cho mọi người phải nể. Nhưng sự nể trọng phải được đi kèm với sự đồng tình và yêu mến. Và không phải bạn nào cũng làm được điều này.
Bong Bóng Bay (sinh viên năm 1 trường ĐH KHTN) cho biết: “Là một người hay tham gia các hoạt động đoàn trường, đôi khi chính mình còn không thích tính cách của một số bạn “có quyền” trong đó. Họ hay ra lệnh, chỉ đạo, và phàn nàn khi người khác không làm được, trong khi họ chỉ nói và chẳng làm được điều gì. Nhiều bạn hay ra vẻ với những sinh viên khóa dưới. Cách nói chuyện hay, cách tổ chức tốt, nhưng sự chỉ đạo của họ luôn khiến mọi người khó chịu. Dù gì thì cũng là sinh viên với nhau, chứ không phải mối quan hệ “sếp — nhân viên”, không nhất thiết phải thể hiện bản thân quá đà”.

Nếu “có quyền”, hãy trở thành một người dễ mến
Rất nhiều bạn sinh viên tham gia Đoàn, Hội đều dễ dàng tìm được việc làm và dễ thành công sau khi ra trường, bởi họ có rất nhiều kĩ năng trong thời gian tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và tích cực cống hiến hết mình cho nhiều phong trào, từ đó mối quan hệ rộng mở hơn, họ dạn dĩ và được rèn luyện nhiều hơn. Nhiều bạn dù có chức vụ cao, đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng nhưng vẫn được rất nhiều người yêu mến và tín nhiệm. Đơn giản vì họ tuy có quyền nhưng vẫn biết mình đang ở đâu, vẫn vô tư đi chơi cùng bạn bè sau giờ tan học, vẫn thích “tám” khi rảnh rỗi, và là một sinh viên thực thụ khi cùng mọi người làm việc nhóm. Họ luôn phân biệt rõ ràng giữa Đoàn, Hội, phong trào, và học tập, bạn bè, các mối quan hệ khác.
Để được yêu mến rất khó, nhưng làm cho nhiều người ghét thì cực dễ. Đừng để một chút “quyền” làm bạn thay đổi. Nếu không được mọi người thích, thì quyền lực cũng là một điều gì đó rất ảo, và bạn chỉ mãi dậm chân tại chỗ chứ không thể tiến xa hơn. Quyền lực cần đi kèm với sự yêu mến, hãy làm sao cho mọi người tin tưởng bạn, hài lòng về bạn, chứ không nhất thiết phải thể hiện để được nể, được đề cao, được ngưỡng mộ.


Nguồn: Mực Tím

chả thích!
cứ làm lớp viên cho lành!
 
×
Quay lại
Top