Bàn về văn hóa "Cảm Ơn" và "Xin Lỗi" của người Việt

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Có lẽ khỏi phải nói, ai cũng đều biết rằng khi người khác làm giúp mình 1 điều gì đó, cần phải có lời "cảm ơn" và khi mình sai, hãy nói lời "xin lỗi". Đó đơn giản là văn hóa! Tuy nhiên, văn hóa "cảm ơn" và "xin lỗi" phổ biến của người Việt Nam chúng ta quả là có nhiều điều đáng phải ngẫm nghĩ.



Hai tuần trước là ngày kỉ niệm ngày 22 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa của Việt Nam. Theo truyền thống đạo lí của người Việt chúng ta phải ghi ơn những người đã nằm xuống trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhưng rất tiếc hình như trong giới quan chức ít ai nhớ đến ngày này, đến nổi báo chí không thấy nhắc đến cụ thể.

Cám ơn và xin lỗi đôi khi trở thành một đề tài xã hội. Khoảng 2 năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam “phàn nàn” rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Tiếp theo đó là một thư khác của bạn đọc người Việt chỉ ra rằng chẳng những ít nói xin lỗi, mà người Việt còn ít nói cám ơn. Điều này có vẻ mâu thuẫn với truyền thống đạo lí của người Việt, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo,ghi ơn tiền nhân. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn của thời thực dụng kinh tế, không ít người Việt, trong đó có cả những quan chức, quên nói lời cám ơn. Và, sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến quốc thể và gây ấn tượng không đẹp ở người nước ngoài về người Việt.

Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây còn cho thấy hình như trong một số quan chức, thể hiện sự tri ân vẫn còn khá khó khăn. Anh là một kĩ sư người Đức, do cơ duyên nào đó, lấy vợ Việt Nam và quê vợ ở một làng nghèo thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ để làm một nghĩa cử đẹp cho quê vợ, anh về Đức quyên tiền, và đem số tiền đó về quê vợ xây một bệnh xá cho người dân nghèo. Người dân trong làng ai cũng nhớ anh ta trực tiếp chỉ huy việc xây dựng, rất quan tâm đến chất lượng đến nổi cẩn thận gõ từng viên gạch để đánh giá xem thật hay dỏm. Kết quả là một bệnh xá khang trang và có chất lượng cao. Đến ngày khai mạc, các quan chức trong làng đua nhau cám ơn Đảng và Nhà nước, nhưng không có đến một lời cám ơn chàng rể người Đức dù anh có mặt trong buổi lễ khánh thành bệnh xá.

Một câu chuyện “quên” cám ơn khác có liên quan đến Giáo sư Bùi Trọng Liễu, người vừa mới qua đời khoảng 10 ngày trước ở Paris. Gs Liễu là một người rất tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, đóng góp hàng trăm bài viết để cải tiến giáo dục và chuẩn mực giáo sư. Gs Liễu cũng là một trong những người sáng lập ra Đại học dân lập Thăng Long, nay là Đại học Thăng Long. Sau 1 tuần Gs Liễu qua đời, tôi tò mò vào trang web của Đại học Thăng Long xem ban giám hiệu có lời nào về sự ra đi của Gs Liễu. Hoàn toàn không. Tôi rất ngạc nhiên. Nhưng nay thì tôi không còn ngạc nhiên nữa.

Câu chuyện bên Úc mà tôi thuật ở đây cho thấy người phương Tây có cách thể hiện sự tri ân một cách thiết thực. Viện nghiên cứu y khoa Garvan của chúng tôi có nhu cầu thành lập một phòng thí nghiệm mới chuyên về phân tích di truyền, và may mắn thay, chúng tôi được một “đại gia” trong ngành bảo hiểm tài trợ để trang bị phòng óc và các thiết bị quan trọng. Hội động quản lí của Viện quyết định lấy tên của nhà tài trợ đặt tên cho phòng thí nghiệm. Ngày khai mạc, chúng tôi mời nhà tài trợ, phu nhân và con của ông đến tham dự, phát biểu ý kiến, và cắt băng khánh thành. Tôi để ý thấy chẳng những phòng thí nghiệm mang tên ông, mà ngay cả trước phòng thí nghiệm còn có một bảng đồng khắc một đoạn văn ghi ơn ông đã hỗ trợ tài chính cho việc thành lập phòng thí nghiệm. Đó là một cách ghi ơn của người phương Tây.

Thật ra, trong xã hội Âu Mĩ, việc ghi nhận đóng góp của các nhà từ thiện được xem là một đặc điểm của văn minh. Ở các đại học, thỉnh thoảng các thương gia tài trợ cho một ghế giáo sư hay ghế chủ nhiệm một bộ môn khoa học, trường đại học thường lấy tên nhà tài trợ đặt cho chức danh giáo sư. Do đó, thỉnh thoảng chúng ta thấy một số giáo sư Âu Mĩ, chẳng hạn như ông bạn tôi kí tên là “Rebecca Cooper Professor of Medicine” để cho thấy người giữ chức danh giáo sư y khoa đó là do bà Rebecca Cooper tài trợ.

Ngay cả trong các hội nghị khoa học có sự tài trợ của các công ty dược, ban tổ chức còn gửi thư nhắc nhở các nghiên cứu sinh hay các nhà nghiên cứu trẻ đến quầy của các công ty dược để nói một tiếng cám ơn. Nếu không có tài trợ của các công ty đó, chắc gì các nghiên cứu sinh được đi dự hội nghị. Lời cám ơn ở đây rất quan trọng, vì đó không chỉ là một cách tri ân người hỗ trợ, mà còn là một cử chỉ bày tỏ rằng ở trên đời mọi người đều phải tùy thuộc nhau mà sống.

Có thời người Việt chúng ta có cảm nhận không đúng với người phương Tây. Hồi còn nhỏ, tôi thỉnh thoảng nghe người ta nói người phương Tây tuy bề ngoài tỏ ra lịch sự nhưng tâm thì họ vô đạo đức lắm, vô ơn lắm. Nhưng khi có dịp sống và làm việc chung với người Mĩ, Anh, Úc và Âu châu nói chung, tôi thấy quan điểm đó quá sai. Tôi thấy cám ơn và xin lỗi gần như là một nét văn hóa của người phương Tây. Ngày tôi mới sang Úc, tôi thấy hai chữ “thank you” (cám ơn) và “sorry” (xin lỗi) giống như là những chữ nằm lòng. Thật ra, ngay từ ngày mới vào học tiếng Anh, người ta dạy khi được hỏi “How are you today” (Hôm nay anh khỏe không), thì câu trả lời lúc nào cũng kèm theo hai chữ cám ơn –thank you. Phải có chữ cám ơn đằng sau. Đi chợ mua hàng, sau khi trả tiền, người bán hàng cũng “cám ơn”, và mình (người mua hàng) cũng “cám ơn” lại. Bên Mĩ, họ còn lịch sự hơn nữa: cám ơn, và chúc ông/bà một ngày tốt đẹp.

Ở xã hội Âu Mĩ, trẻ em ngay từ lúc còn rất nhỏ đã được dạy phải có trách nhiệm xã hội, phải biết nói “cám ơn” và “xin lỗi”, và nói thật lòng chứ không nói qua quít. Khi lớn lên, họ chẳng những trở thành những người rất lịch sự mà còn rất có đạo đức, có trách nhiệm với cộng đồng. Họ không bao giờ quay mặt với một tai nạn để cho nạn nhân nằm chết trên đường lộ như ở Việt Nam ta.

Ngược lại với Âu Mĩ, ở Việt Nam, tôi thấy hình như tần số của hai chữ “cám ơn” còn khá thấp. Dự nhiều hội nghị trong nước tôi ít thấy khi nào diễn giả cám ơn cộng sự hay nghiên cứu sinh, làm như tất cả slides và dữ liệu là tự họ sáng tạo ra vậy (một điều không thể)! Vào quán ăn, ăn uống xong và được nhân viên phục vụ, khách hàng chỉ việc tính tiền (hay cho thêm tiền “tip”), nhưng không hay ít nói lời cám ơn. Viết đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện của Mahatma Gandhi rằng khi ông ăn trưa trong một quán ăn bình dân, sau khi trả tiền ông nói với người phục vụ lời nói cám ơn, và người phục vụ tâm sự: "Thưa ông, tôi sẽ nhớ ông mãi vì hơn 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe ai nói cám ơn".

KenhSinhVien.Net-de4.jpg

Trong thời buổi hội nhập quốc tế, tôi thiết nghĩ chúng ta nên thực hành văn hóa cám ơn. Thật ra, văn hóa này chẳng xa lạ gì với người Việt Nam. Như nói trên, người Việt có câu “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” để ghi ơn những người đi trước đã tạo nên nền móng cho ngày nay. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời có nói một câu đơn giản mà nổi tiếng: sống trên đời cần phải có một tấm lòng, phải sống tử tế với nhau. Sống tử tế với nhau cũng có nghĩa là ghi nhận sự đóng góp và giúp đỡ của người khác. Cám ơn chẳng những tỏ lòng tri ân người mình thọ ơn mà còn là một cách tôn trọng nhân phẩm của người đó.

Cảm ơn bài bình luận sâu sắc của Gs. Nguyễn Văn Tuấn
Nguồn Yume.vn

 
Hiệu chỉnh:
Đừng biến câu cảm ơn thành... hàng xa xỉ!

Ngay từ khi bập bẹ học nói, chúng ta đã được dạy phải biết nói lời “cảm ơn” khi ai đó giúp đỡ ta việc gì cũng như cho ta thứ gì đó… Nhưng dường như giờ đây, những người hiểu về ý nghĩa lời “cảm ơn” không còn nhiều lắm.

Người Việt Nam chúng ta đa phần thường có thói quen chỉ nói hai từ “cảm ơn” (thậm chí “quên” không nói) khi một ai đó mang lại lợi ích cho mình, chứ không giống người phương Tây – họ nói“cảm ơn” ngay cả khi tưởng như... không có gì cần cảm ơn cả.

Tôi xin đưa ra một ví dụ về lời cảm ơn của người nước ngoài trong hoàn cảnh họ không nhận được sự giúp đỡ từ đối phương. Trên đường phố một đôi bạn trẻ người nước ngoài dừng lại hỏi đường một người đàn ông “Xin hỏi, đường Hàng Gai đi lối nào?” – Người đàn ông lắc đầu (không biết) - Mặc dù không nhận được sự giúp đỡ trong hoàn cảnh này, nhưng đôi bạn người nước ngoài vẫn nói “Vâng, cảm ơn ông”.

Một ví dụ ngược lại về trường hợp người Việt mặc dù nhận được sự giúp đỡ nhưng vẫn “quên” nói lời cảm ơn. Đó là trong trường hợp bạn nhắc nhở một ai đó quên không gạt chân chống khi đi xe máy, có những người không cần nhìn xem ai là người nhắc (chứ chưa nói đến “cảm ơn”), chỉ gạt chân chống xuống rồi nhấn ga đi luôn (còn may là không bị mắng là... rỗi hơi!").

KenhSinhVien.Net-thank-you-note.jpg

(nguồn ảnh: internet)

Qua bài viết "Bội thực”… cảm ơn! của tác giả Brian đăng trên mục Blog của Dân trí, nhiều độc giả đã chia sẻ suy nghĩ, quan điểm riêng về cách nói lời “cảm ơn” giữa người nước ngoài với người Việt Nam.

"Bội thực”… cảm ơn!
(Dân trí) - Khi nói cảm ơn ở Việt Nam, đôi lúc tôi bị nhìn một cách kỳ lạ. Nhưng giờ đây tôi nghĩ có lẽ ở Mỹ nói cảm ơn như vậy quá nhiều. Việc lặp đi lặp lại một từ nào đó đôi khi có thể dẫn tới việc chúng bị mất đi ý nghĩa.
KenhSinhVien.Net-mhcamon-4ac0e.jpg



(Minh họa: Ngọc Diệp)​

Một trong những từ tiếng Việt đầu tiên tôi học là "cảm ơn". Lý do tôi học từ này đầu tiên là vì khi một người từ Mỹ đến, muốn học một vài câu hữu dụng bằng tiếng Việt, người đó thường hỏi từ tương đương của những từ mà chúng tôi thường dùng nhất trong tiếng Anh là gì: "How much is this?", "Oh, my god!", "How old are you?", "You're very pretty" ("Cái này giá bao nhiêu?", "Ối giời ơi", "Bạn bao nhiêu tuổi?", "Em xinh quá").
Nhưng từ đầu tiên khiến tôi rất quan tâm. Ở Mỹ, chúng tôi nói cảm ơn về mọi thứ. Nếu bạn mua dầu gội đầu ở cửa hàng, bạn đứng xếp hàng rồi trả tiền, rồi nói cảm ơn với người thu ngân.
Cô thu ngân có làm ân huệ gì cho chúng tôi không? Không. Công việc của cô ấy là thu tiền của khách hàng rồi đưa dầu gội đầu cho họ mang về. Thế nhưng, chúng tôi vẫn nói cảm ơn.
Tại sao chúng tôi lại quá ám ảnh với việc nói cảm ơn?
Tôi không chắc. Nhưng tôi có thể nói rằng thường khi các gia đình Mỹ ăn tối với nhau (một việc ngày càng ít xảy ra), bạn phải nói, "Làm ơn chuyển cho con (bố/mẹ/chị/em...) đĩa đậu".
Sau khi nhận được đĩa đậu, bạn phải nói "Cảm ơn bố (mẹ/con/anh/em...). Nếu bạn không nói, bố bạn sẽ cốc cho một phát vào đầu: "Nhớ nói cảm ơn mẹ vì đã chuyển đĩa đậu cho con đấy nhé".
Cảm ơn. Không có gì. Chúng đã được tiêm vào ý thức của chúng tôi từ khi còn rất bé.
Thế có phải là lịch sự? Có. Thế có phải là tốt? Tôi không chắc.
Tôi tự hỏi không biết người Việt có thấy việc người phương Tây nói cảm ơn quá nhiều là kỳ cục. Ngay cả một khách Tây "ba lô", chỉ ghé đây 1 hay 2 tuần, cũng sẽ học được cách cảm ơn một người rót trà cho anh ta.
Nhưng sau khi đã ở Việt Nam một thời gian, tôi đã bắt đầu băn khoăn về thói lịch sự của chúng tôi. Liệu đó có phải chỉ là sức mạnh của thói quen?
-----------
Tôi đã gặp nhiều người Việt nói rằng cha mẹ họ chưa bao giờ nói với họ "Bố/mẹ yêu con".
Lúc đầu chuyện này rất sốc đối với tôi, cũng như hẳn nó sẽ sốc đối với những người khác lớn lên ở phương Tây. Nhưng, sau khi suy nghĩ về chuyện đó, tôi tự hỏi nếu bạn nói những từ đó hàng ngày, liệu chúng có bắt đầu mất đi ý nghĩa?
Có một cảnh "kiểu Mỹ" sáo mòn, với một người chồng/cha bước xuống nhà ăn sáng. Bà vợ đã làm món trứng với bánh mì nướng. Ông ấy ăn vội, ực nhanh cốc nước cam. Ông phải đi làm; không có thời gian chuyện phiếm với lũ con, ngoài câu "Ở trường thế nào?". Ông vội vã ra khỏi nhà, nhưng luôn luôn, trước khi ra đến cửa, ông hôn vợ và nói... chắc chắn bạn đã biết...
"Anh yêu em".
-----------
Thế là tôi bắt đầu tự hỏi liệu việc liên tục nói những từ này có phải là tốt? Nếu một người chồng nói như vậy với vợ mỗi ngày, liệu anh ta có thực sự nghĩ vậy? Mỗi ngày?
Cũng giống như với "cảm ơn". Chúng tôi - những người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, nói chung, nói câu đó suốt, ngay cả khi chẳng có gì để mà phải biết ơn.
Mẹ tôi từng nói yêu tôi hàng ngày. Mỗi lần bà nói, tôi đều biết những lời đó là từ trong tâm. Nhưng tôi có cảm giác là tôi là người may mắn mà thôi. Tôi biết nhiều gia đình mà mọi người nói yêu nhau hàng ngày, nhưng rồi làm những việc tồi tệ với nhau: trộm cắp, bạo lực, hoặc tệ hơn nữa.
Khi nói cảm ơn với mọi người ở Việt Nam, đôi lúc tôi bị nhìn một cách kỳ lạ.
Lúc đầu tôi cho rằng việc đó là bất lịch sự. Chẳng có "không có gì", cũng không có cười. Nhưng giờ đây tôi nghĩ là cách của Việt Nam có thể là đúng hơn.
Có lẽ mọi người ở Mỹ nói như vậy quá nhiều. Việc lặp đi lặp lại một từ nào đó đôi khi có thể dẫn tới việc chúng bị mất đi ý nghĩa.
Ở đây tôi là người ngoài, nên tôi không thể nói chắc chắn được. Tôi chỉ có nhiều người bạn Việt để cho tôi biết chuyện này chuyện kia. Nhưng nếu đúng là những từ "Bố/mẹ (con) yêu con (bố/mẹ)" không được nói nhiều trong các gia đình Việt Nam, thì có lẽ đó không phải là chuyện xấu. Suy cho cùng, tình yêu thực sự được thể hiện qua hành động. Nếu Cha và Mẹ làm việc cật lực mỗi ngày để đảm bảo con cái họ có một tương lai tốt, thì con cái sẽ hiểu, mà không cần tới lời nói.
Lần duy nhất tôi nghe câu "Anh yêu em" ở Việt Nam là trong các bài hát pop. Ở đó, bạn có thể nghe câu này thường xuyên. Nhưng khi tôi nghe ở đó, câu đó nghe hơi trống rỗng (có thể chỉ là do khả năng hiểu hạn chế của tôi). Có thể là vì sự lặp lại quá nhiều.
Nếu tôi đúng (và tôi không biết liệu tôi có đúng), cách hạn chế sử dụng những từ này của người Việt, hẳn là tốt hơn.
Tuy nhiên, sau tất cả những thứ triết lý về ngôn ngữ này, tôi vẫn hơi hoang mang về việc khi nào thì là phù hợp để nói cảm ơn. Khi ai đó bán cho bạn ly trà đá? Khi họ mời bạn tới dự tiệc? Khi họ cho bạn vay tiền?
Các bạn có thể cho tôi biết? Cảm ơn các bạn trước.
Brian
U.M dịch

* Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả

Nói đúng lúc

Tôi lại thấy ông bạn nói có lý. Vì chúng ta không đề cập vấn đề là nói cảm ơn tốt hay không mà là nói cảm ơn ở đâu, lúc nào cho phù hợp mới là đáng bàn. Dĩ nhiên một người đủ lịch sự để cảm ơn người khác thì chắc cũng đủ hiểu biết để lúc nào thì nói "Cảm ơn".

Còn về vấn đề nói lời yêu thương thì tôi lại càng đồng ý, vì không thể nào đánh đồng việc nói lời yêu thương với những hành động yêu thương. Ai cũng nói được nhưng chưa chắc đã làm được, tôi ghét nhất sự giả dối hoặc chứ ít là sự sáo rỗng. Những lời nói đó không thể là chót lưỡi đầu môi.

Dĩ nhiên yêu thương thì phải bày tỏ nhưng không thể miễn cưỡng nói lời yêu thương. Bạn sẽ nghĩ sao nếu phát hiện ra những lời nói yêu thương dành cho bạn là giả dối? Còn vấn đề của người Việt Nam ta thì tôi thấy buồn quá, rất ít người nói xin lỗi chứ đừng nói đến cảm ơn. Tôi đã nghe ở đâu đó người ta nói về người VN rằng "Không cần xin lỗi, không cần cảm ơn". Buồn!”-
liscom.info - Nam - 26 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh

Theo tôi, tác giả bài viết băn khoăn rất đúng! Mỗi nền văn hóa có điểm khác biệt của mình. Ở phương Tây những lời "cảm ơn", "xin lỗi", "Bố/mẹ (con) yêu con (bố/mẹ)"... là những câu nói cửa miệng. Họ nói thường xuyên, ở bất cứ đâu nên theo tôi nó cũng làm giảm đi khá nhiều ý nghĩa của những từ này. Có thể các bạn cho đó là thói quen tốt, là lịch sự . Nhưng tôi thấy họ quá lạm dụng nên nó trở nên sáo rỗng và bản thân người nói cũng nói theo thói quen, chứ thực ra có lẽ họ cũng không hề có trách nhiệm với câu nói đó.

Ở phương Đông cũng như ở Việt Nam thì khác, chúng ta rất hiếm khi sử dụng những lời "cảm ơn", "xin lỗi", "Bố/mẹ (con) yêu con (bố/mẹ)"... Chính vì thế mà có vẻ như chúng ta thường gặp khó khăn trong việc bày tỏ tình cảm và sự quan tâm với người khác. Tuy nhiên, theo tôi thì chúng ta lại là những người có "trách nhiệm" hơn người phương Tây với những lời nói đó. Học hỏi, tiếp thu những thói quen, hành vi, cách cư xử "tốt" của các nền văn hóa khác là cần thiết. Tuy nhiên vấn đề là cần "chọn lọc" và "tiêu hóa" để hoàn thiện nền văn hóa của chính mình. Chúng ta cần phải học nói lời "cảm ơn", "xin lỗi", "Bố/mẹ (con) yêu con (bố/mẹ)"... đúng lúc, đúng chỗ, đúng tình huống chứ không nên nói những lời này mọi lúc, mọi nơi
” - Kiến Đen - Nam - 26 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh.

Mình nghĩ cách nói cảm ơn của người Việt hay người Mỹ đều có cái hay riêng cả. Thật sự thì có những lời cảm ơn của người Mỹ theo mình là không cần thiết. Ví dụ như câu hỏi cuối, khi ai đó bán cho bạn ly trà đá, người mua không cần cảm ơn (vì chính mình bỏ tiền ra để có li trà đó cơ mà, đâu phải là vay mượn ai đâu), mà chính là người bán mới cần phải cảm ơn cho việc người mua đã đến cửa hàng. Nhưng trong nhiều trường hợp, như có người khác giúp đỡ mình điều gì đó, thì người Việt thật sự vẫn chưa biết cách nói cảm ơn. Chúng ta nên học cách biết sử dụng lời nói cảm ơn hay xin lỗi 1 cách đúng đắn, hợp lí” - Hoàng - Nam - 20 tuổi - Từ Nghệ An

Xin đừng nói thanh-kiu. Người Việt ngại nói câu "Cảm ơn". Nhiều khi thấy bực mình vì giúp ai đó việc nho nhỏ, mà nghe họ nói "Thanh kiu". Hình như họ không muốn nói nhưng chắc là không nói cũng ngại, thành ra nói thanh-kiu cho đỡ phải nói cảm-ơn??? Thực lòng, không muốn nghe câu thanh-kiu bằng cái giọng ngượng nghịu, suồng sã đó. Nếu có thể, xin đừng nói gì cả. Còn nếu muốn cảm ơn, hãy cười hoặc nói bằng tiếng Việt "cảm ơn"” - Nhân - Nam - 34 tuổi - Từ Hà Nội

Tôi thấy người Việt cũng nói cảm ơn nhiều đấy chứ. Tất nhiên thì không thường trực trên môi như người Mỹ, nhưng với những người tử tế ở Việt Nam, tôi thấy câu nói đó là thường xuyên đó chứ. Còn câu "I love u" thì có lẽ hơi khó nói. Có lẽ câu đó tôi mới hay nói với con trai nhỏ của tôi, còn với bố mẹ đúng là chưa bao giờ, với "người yêu cũ" - (giờ là chồng) thì may ra có 1-2 lần. Còn là chồng rồi thì chỉ may có nhắn tin lúc đi xa, he he. Đúng là người Việt nói câu đó thấy... gượng lắm. Nhưng văn hoá Tây khác ta, cũng phải lựa sao cho phù hợp. Quan trọng là bạn thể hiện bằng hành động, chứ không phải lời nói sáo rỗng mà hành động ngược lại” - Hoàng Tâm - Nam - 26 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh

Cảm ơn” - câu nói thần kỳ

Mỗi một đất nước, có một nền văn hóa khác nhau....Ở các nước phương Tây, mọi người thể hiện tình cảm bằng cả lời nói và hành động. Nhưng ở Việt Nam, cách mọi người thể hiện tình cảm của mình đó chính là hành động, lời nói rất ít khi được nói ra đặc biệt là những từ như "yêu", "xin lỗi", "cảm ơn". Với mình, mình vẫn thích nói từ "cảm ơn" nhiều hơn vì mình đâu có phải trả tiền cho từ " cảm ơn" đâu, từ " cảm ơn" có thể làm cho con người gần nhau lại hơn” - Phương Thủy - Nam - 26 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh

Nói cảm ơn để bày tỏ sự ghi nhận về sự giúp đỡ của người khác! Lời nói chẳng mất tiền mua, sao không làm cho mọi người xung quanh bạn thấy vui vẻ? Hãy biết cảm ơn vì những gì người khác đã làm cho bạn! Tôi thích "Cảm ơn"!” - Ngọc Lan - Nam - 28 tuổi - Từ Hải Phòng

“Cảm ơn mọi người hàng ngày! Tất cả mọi lúc, mọi nơi. Tôi nói cảm ơn khi chồng bật cho tôi bình nước nóng khi tôi chuẩn bị đi tắm. Tôi cảm ơn mẹ khi mẹ nấu cho tôi bữa cơm ngon. Tôi cảm ơn đồng nghiệp khi nhận được sự giúp đỡ từ họ, khi được họ chúc mừng nhân dịp gì đó, được chia sẻ khi tôi không vui. Cảm ơn là câu nói thần kỳ! Nếu có thể hãy cảm ơn tất cả mọi người đã chia sẻ với bạn cuộc sống, từ bà bán rau Rau của cô hôm nay tươi quá, cảm ơn"; chồng hay vợ "Cảm ơn Mình yêu nhé". Cảm ơn!”- Sơn Quỳnh - Nam - 20 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh

Cá nhân tôi lại rất mong muốn Việt Nam cũng giống như các nước phương Tây, có thể nói cảm ơn mà không phải ngại ngùng. Trong khi đó ở Việt Nam, việc nói xin lỗi hay cảm ơn nhiều khi không được bộc lộ. Nhiều người Việt Nam mặc dù rất yêu bố mẹ hay con cái của mình và thực sự muốn nói lời cảm ơn hay những lời yêu thương với họ... nhưng vì câu đó không xuất hiện thường xuyên trong đời sống người Việt như ở Mỹ... nên người ta phải giấu đi cảm xúc của mình mà không bộc lộ ra ngoài.

Tôi cũng không phản đối rằng họ thể hiện bằng hành động nhiều hơn. Thế nhưng thử ví dụ rằng một người mẹ tất bật chăm lo cho gia đình, nhiều lúc cảm thấy thực sự mệt mỏi. Nếu chỉ cần nghe một câu yêu thương từ người chồng hay con của mình rằng anh yêu em, con yêu mẹ... chắc chắn họ sẽ cảm thấy vui hơn và không cảm thấy mệt mỏi nữa... Dù nói thế nào, tôi cũng mong Việt Nam cũng có thói quen nó cảm ơn xin lỗi như người Mỹ... và mọi người có thể bộc lộ tình cảm của mình với những người thân yêu của họ...”
- nguyễn hảo - Nữ - 21 tuổi - Từ Nam Định

“Tất nhiên lời nói không thể thay thế cho hành động, nhưng không phải chúng ta đều có thể thể hiện sự cảm ơn bằng hành động ngay khi ai đó làm điều tốt cho ta. Vậy thì tốt hơn hết hãy nói lời cảm ơn ngay lúc đó, người làm điều tốt cho bạn sẽ cảm nhận được lòng tốt của họ được bạn biết đến” - Vũ Thị Thu - Nữ - 22 tuổi - Từ Hà Nội.

Biết nói lời “cảm ơn” không chỉ thể hiện phép lịch sự mà còn làm cho người giúp đỡ hay người được nghe cảm thấy thoải mái, hạnh phúc. Nói lời “cảm ơn” tưởng đâu không cần phải học, không cần phải dạy, nhưng đó cũng là một kỹ năng sống quý báu cần có cho mỗi chúng ta.

Linh Nhã
Dân Trí
 
Hiệu chỉnh:
Văn hoá cảm ơn xung quanh chuyện “vỗ tay”

Tôi chơi thân với một anh bạn cùng lớp, thi thoảng chúng tôi vẫn thường hay đi xem các chương trình ca nhạc. Và lần nào tôi cũng phải nhắc anh vỗ tay mỗi khi một tiết mục kết thúc, các ca sỹ, diễn viên cúi đầu chào khán giả.

KenhSinhVien.Net-vo-tay.jpg


Nhiều khi “cảm ơn” đâu cần phải nói thành lời, chỉ cần một hành động rất đơn giản là vỗ tay khi diễn viên diễn xong một vở kịch, ca sỹ biểu diễn xong một tiết mục hay thầy giáo giảng xong bài giảng của mình…Chỉ cần nhìn họ bằng ánh mắt tràn đầy niềm vui, ánh lên sự cảm ơn và vỗ tay khen ngợi, khuyến khích họ, tôi nghĩ họ sẽ thấy thật hạnh phúc. Vì thế “vỗ tay” cũng được gọi là văn hoá bởi xung quanh chuyện “vỗ tay” cũng có nhiều cái để bàn, nó bộc lộ văn hoá của những người giao tiếp.

Nhìn những nghệ sỹ trên sân khấu lấm tấm mồ hôi, thở gấp gáp nhưng vẫn mìm cười cúi chào khán giả sau tiết mục của mình. Vậy mà nhiều khi người xem quên cả vỗ tay cảm ơn vì còn bận bàn cãi với nhau về nhân vật này nhân vật kia, hay về cái kết như thế có hợp lí hay không. Đến khi nghệ sỹ vào sau cánh gà rồi nhiều khán giả lại bảo: “Ơ hay! Thế diễn xong không chào khán giả mà cứ thế đi vào luôn à?”.

Đối với khán giả thì được ngồi dưới sân khấu xem biểu diễn là khoảng thời gian thư giãn nhưng đối với nghệ sỹ thì đó chính là lúc họ phải làm việc nghiêm túc nhất thậm chí là mất nhiều công sức nhất. Vì thế chỉ mong sao mỗi khán giả hãy biết cách cảm ơn họ đã mang lại cho mình những giây phút nghỉ ngơi thoải mái hay những điều thật bổ ích bằng một tràng pháo tay. Điều đó có khó khăn hay nặng nhọc gì đâu?

Nhiều người hầu như không có thói quen vỗ tay như anh bạn của tôi, thế nên mỗi lần tôi nhắc vỗ tay là dường như cái việc ấy được làm một cách ngại ngùng, gượng ép. Có nhiều người thì cho rằng khán giả đông như thế mình không vỗ tay thì đã có người khác lo gì. Nhưng sao việc bày tỏ sự cảm ơn của mình lại ỉ lại và trông chờ vào người khác? Như thế không hiểu có còn gọi là cảm ơn thật lòng nữa hay không?

Trong tiết học biên tập văn học của chúng tôi, khi thầy giáo kết thúc bài giảng của mình cả lớp tôi đã đứng lên chào thầy và vỗ tay rất to. Thầy hỏi:
-Các em học xong cũng vỗ tay sao?
Cả lớp tôi đều bảo:
-Chúng em vỗ tay để cảm ơn thầy vì bài giảng hôm nay của thầy rất hay và bổ ích.

Thầy chỉ mỉm cười nhưng chúng tôi đều biết là thầy đang hạnh phúc. Từ hôm ấy không bao giờ thầy hỏi “sao các em lại vỗ tay?” nữa mà thầy luôn đáp lại chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu, như thể thầy cũng muốn nói “Thầy cảm ơn các em”. Bài giảng của thầy ngày càng hay hơn, thầy giảng hăng say hơn mà chúng tôi cũng chú ý nghe giảng, đóng góp ý kiến xây dựng bài nhiều hơn trước. Tiết học cuối cùng, trước lúc chia tay thầy bảo:
-Thầy sẽ rất nhớ tiếng vỗ tay cuối bài giảng của các em. Nó thật là ấm áp.

* * *
Cũng có nhiều khi người ta vỗ tay khi tiết mục biểu diễn kết thúc chỉ vì nó dở quá mà người xem thì đang nóng lòng chờ xem tiết mục tiếp theo. Hay người ngồi nghe vỗ tay để gọi người đang nói ngồi xuống, đừng nói nữa. Như vậy là từ cái “vỗ tay” khuyến khích, động viên, cảm ơn người khác thì nhiều người đã biến “vỗ tay” thành một hành động vô văn hoá, bất lịch sự, thiếu tế nhị làm buồn lòng người khác.

Thế nên “cảm ơn” đôi khi không cần phải nói lên lời, chỉ đơn giản là một tràng vỗ tay thôi, nhưng nó thay nghìn lời cảm ơn gửi đến những người vừa mang đến cho mình một niềm vui, một điều ý nghĩa. Hãy biết cảm ơn người khác theo cách của riêng mình. Miễn sao nó phải thật sự chân thành.

Hãy tự kiểm điểm lại mình và chấn chỉnh bạn nhé!

Vũ Thị Huyền Trang
Nguồn Yume.vn
 
Lòng biết ơn!

Khi nói lời cám ơn, trước hết chúng ta mang đến cho mình cảm giác hạnh phúc. Bởi không phải lúc đón nhận, mà là lúc trao đi ta mới cảm nếm được vị ngọt hạnh phúc trọn vẹn hơn.
Những khi đi gửi xe, mỗi lần được dắt xe ra trao tận tay mình, tôi luôn nhìn vào gương mặt người giữ xe, nhoẻn miệng cười và bày tỏ lòng biết ơn chân thành “Cảm ơn anh”. Mỗi lần như vậy, tôi cảm thấy rất vui vì mình vừa làm được một điều tốt đẹp cho người khác – đem đến niềm vui cho họ. Cảm giác vui còn nhân lên gấp bội khi tôi nhìn thấy gương mặt người giữ xe dãn ra, tươi lên, mặc cho mồ hôi và đôi phần nhọc nhằn trong công việc. Đó là thứ cảm xúc diệu kỳ khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn.

Nếu bạn cảm thấy đời mình buồn chán, chẳng có gì để phải biết ơn cuộc sống, để cám ơn mọi người xung quanh, bạn hãy bình tâm để nhìn lại một cách khách quan về những điều bạn đã từng có và đang có trong đời. Bởi đâu bạn được sinh ra trong cuộc đời này? Ai đã nhọc nhằn tháng năm để nuôi bạn lớn khôn? Ai đã bên cạnh bạn để chia sẻ và đỡ nâng những lúc bạn thất bại, quị ngã? Hay sau một đêm ngon giấc, bạn mở mắt chào đón một ban mai tinh lành – chưa đủ để bạn biết ơn cuộc sống?

Bày tỏ lòng biết ơn là một thói quen, nếu mỗi chúng ta được nuôi dưỡng trong mình lòng biết ơn từ bé, nó sẽ trở thành một giá trị mang lại hạnh phúc trong suốt hành trình cuộc sống. Ngay từ trong mỗi gia đình, chúng ta hãy rèn luyện thói quen cám ơn từ những điều quen thuộc nhất: cám ơn vì thức ăn ta có mỗi ngày, không khí ta thở, cuộc sống còn phía trước, những người mang đến niềm vui cho ta từ những việc nhỏ nhặt nhất - như giúp ta lấy xe, nhường đường cho ta…

Mọi tình huống tự thân nó không tạo nên cảm giác biết ơn hay sự bực dọc. Chính cách suy nghĩ của chúng ta gán ý nghĩa cho sự việc. Trong lúc chúng ta phàn nàn về một bữa cơm không có cơm lành canh ngọt như thường ngày, thì đâu đó không ít những gia đình lại biết ơn vì đã lâu lắm rồi họ mới có một bữa ăn có thêm món dưa cà.

Lòng biết ơn cần thiết cho tình yêu, cho cảm nhận hạnh phúc và cho cuộc sống như con người cần hơi thở vậy.



~ST~.
 
văn hóa phương tây khác văn hóa Á ĐÔNG. Lời cám ơn hay xin lỗi không đơn thuần chỉ là lời nói xuôn, nó thể hiện rất nhiều ý nghĩa nên đôi khi nó khó mà cất thành lời. Nhưng dù sao chúng ta cũng đừng nên kính kẽ mà hãy nói lời này ra 1 cách chân thành và thoãi mái nhất không nên quá gò bó chuyện được mất mà hãy nhìn nhận sâu sắc vấn đề. TKS topic
 
Nói Câu "Xin Lỗi" Có Dễ Không?

Cho mình xin lỗi" - thật là dễ dàng để viết câu này xuống giấy. Nhưng khi phải thốt ra với một ai đấy, ta thường cảm thấy "nghẹn nghẹn" trong cổ họng, như danh ca Elton John đã từng nói: "Xin lỗi dường như là từ khó nói nhất".

Xin lỗi là sự công nhận chúng ta đã làm một điều sai trái - dù đấy là một lời bình phẩm vô tình, một hành động nông nổi hay một cử chỉ không đẹp. Bằng lời xin lỗi, chúng ta muốn đưa ra thông điệp như sau: "Mình cảm thấy vô cùng ân hận và dày vò vì việc mình đã làm. Mong bạn hãy tha thứ cho mình!". Cũng chính vì điều này mà khi xin lỗi, chúng ta thường cảm thấy bản thân quá... "nhỏ nhoi", thấp bé", rằng xin lỗi là dấu hiệu của sự yếu đuối, của sự mất quyền lực và để cho nguời khác "nắm đầu".

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là "nhân vô thập toàn", không có ai trên cuộc đời này dám vỗ ngực tự hào là mình hoàn hảo cả. Cho nên, việc bạn sẵn lòng nhận lỗi lầm, đối diện thẳng thắn với nó và hành động để đưa mọi việc vào trật tự tốt đẹp như cũ, cho thấy nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao và cá tính tuyệt vời của bạn. Bạn bè (người thân, đồng nghiệp, cha mẹ v.v...) sẽ không đánh giá thấp những nỗ lực của bạn. Ngược lại, họ sẽ đánh giá bạn cao hơn, mở rộng lòng hơn cho sự tha thứ và bỏ lại đàng sau quá khứ những niềm đau, nỗi buồn.

* Nên xin lỗi vào lúc nào?

Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, câu xin lỗi cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, để chứng tỏ sự thiện chí của bạn. Nếu cứ chần chừ biện hộ cho rằng bạn không cần xin lỗi vì chẳng có lỗi chi cả, hoặc bạn sẽ xin lỗi với một số điều kiện từ đối tượng, thì e rằng bạn đang làm vấn đề rắc rối thêm. Hãy nhớ lại những chi tiết sau đây để bạn hiểu rõ sự cần thiết và khẩn cấp của một lời xin lỗi:

- Bạn đã phát biểu một câu nói gì đấy không được duyên dáng, êm tai cho lắm và bạn đã nhìn thấy nét đau đớn ngạc nhiên trên khuôn mặt người ấy? Như vậy là bạn đã làm tổn thương bạn mình không ít!

- Ðã có ai la hét, gằn giọng, hạ bệ bạn bằng những ngôn từ không trau chuốt chưa? Hẳn bạn sẽ không ưa thích gì, thậm chí bực bội nữa là khác. Vậy mà bạn đã làm điều ấy cho người thân yêu của mình, thật đáng trách biết bao!

Một số người có tâm hồn nhạy cảm hơn những người khác. Ðiều mà bạn cho là nhỏ nhoi lại có sự tác động rất lớn đến cuộc sống của họ. Hoặc khi đôi bên tranh cãi nhau, ai cũng cố đưa ra những lời nói "nặng ký" nhất để dành chiến thắng, và bạn nghĩ rằng "kẻ kia" phải hạ mình xin lỗi bạn mới đúng.
Vấn đề cần bàn ở đây không phải là việc bạn có chủ ý làm người khác tổn thuơng, thất vọng, đau đớn hay không, mà là việc bạn đã gây ra "tội ác" ấy, dù bạn thật sự "vô tội".
Bằng bất cứ gịá nào, bạn hãy xin lỗi và nói cho người ấy hiểu, rằng bạn không cố ý làm một việc xấu như vậy. Xin lỗi sớm trong trường hợp này chứng tỏ bạn rất dũng cảm và nhanh nhạy, còn hơn là khi bị "dồn đến mức đường cùng" rồi mới tỏ thái độ ân hận muộn màng, thì lời xin lỗi sẽ không còn giá trị lớn nữa.

* Phải tự hoàn thiện bản thân


Biết xin lỗi là nét sống lành mạnh của một con nguời có lòng tự trọng và biết chia sẻ với cảm xúc của những người khác. Tuy nhiên, việc lạm dụng từ "xin lỗi" quá thường xuyên sẽ bớt đi nét đẹp vốn có của nó. Nếu bạn xin lỗi mà cứ tiếp tục phạm sai lầm tuơng tự, người khác sẽ nghi ngờ mức độ thành thật của bạn. Hãy cho từ "xin lỗi" một tác động lớn hơn và kỳ diệu hơn, khi sự tự hoàn thiện bản thân chứng tỏ bạn đã để tâm và trí để cải thiện mối quan hệ theo chiều hướng tốt đẹp.

* Nói câu xin lỗi như thế nào?


Nói câu xin lỗi là một bước quan trọng để sửa chữa lại những lỗi lầm, thiệt hại mà bạn đã gây ra thông qua hành động "trêu ngươi" vừa rồi. Thế nhưng, phụ thuộc vào mức độ thiện chí của bạn, bạn vẫn có cách hay nhất để xây dựng lại niềm tin và những cảm xúc tốt đẹp giữa đôi bên.

- Không nên xin lỗi qua email, điện thoại, nếu như bạn có điều kiện gặp trực tiếp

- Hãy nói câu xin lỗi bằng ánh mắt chân thành, cử chỉ thân ái, từ tốn.

- Không nên biện luận dài dòng để "chạy tội", mà hãy nhìn thẳng vào vấn đề và nhận lãnh trách nhiệm về phía mình.

- Thể hiện một cử chỉ đặc biệt của lòng tốt khác hẳn ngày thường, để tạo ra sự khác lạ đáng lưu ý trong cung cách ứng xử.

-Nếu có thể thì nên tặng hoa kèm với lời xin lỗi, bạn sẽ thấy cực kỳ "ép-phê".

- Sau khi đã xin lỗi xong, bạn cần phải biết tha thứ cho bản thân mình trước, bởi vì bạn đã công nhận sai lầm và cố gắng để sống tốt hơn. Hãy rút kinh nghiệm để trở thành một con người mới mẻ hơn, tích cực hơn, khôn ngoan hơn. Nếu không, bạn sẽ phải hối tiếc và lại phải xin lỗi 1001 lần nữa!

(sưu tầm)

.
 
Lòng biết ơn là một “chất keo” liên kết mạnh mẽ tình cảm trong gia đình, nhất là đối với người bạn đời. Bạn không tin ư?

Đây nhé hãy nghĩ về điều này: Nếu bạn để một thứ gì đó ở đâu, bạn sẽ quay lại lấy nó, phải không? Tương tự như nếu bạn luôn biết trân trọng giá trị và lòng biết ơn với một người nào thì điều đó cũng sẽ quay trở về bên bạn.
Hãy tưởng tượng xem bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc đến thế nào nếu người bạn đời luôn đưa ra các cơ hội để biểu lộ sự biết ơn của họ đối với bạn trong cuộc sống, mặc dù mỗi việc bạn làm cho họ chỉ rất bé nhỏ mà thôi?
Mỗi một cử chỉ quan tâm, chăm sóc và một lời cảm ơn nho nhỏ trong gia đình sẽ là gia vị cho hạnh phúc của bạn. Cả bạn và người ấy đều cảm thấy sâu thẳm trong trái tim là những hạnh phúc hiện tại do mình tạo nên, những điều mà trước đó có thể bạn chưa bao giờ cảm nhận.
Vậy thì bắt đầu thực hiện nó vào ngày hôm nay để khám phá những thay đổi bất ngờ trong cảm giác hạnh phúc cùng người bạn đời nhé.
1. Những lời cảm ơn hàng ngày
- Tìm một lý do nào đó như tại sao bạn lại cảm thấy cuộc sống của bạn tốt hơn? Có phải do người ấy đã đem hạnh phúc đến cho bạn không? Viết ra một tờ giấy ghi chú nhỏ dán lên một nơi thật ấn tượng với nội dung: Em cảm ơn anh vì…
- Bất kỳ lúc nào người ấy làm cho bạn điều gì hay cho gia đình thì hãy nhẹ nhàng đến bên người ấy với nụ hôn ngọt ngào và cảm ơn họ.
2. Lời cảm ơn trong tuần
- Viết một danh sách tất cả những điều bạn biết ơn người đó và cả cuộc sống của bạn nữa. Mỗi tuần cảm ơn một tiêu điểm trong danh sách đó. Trong hành trình viết ra những điều biết ơn ấy, bạn sẽ thấy nó giúp ích cho cuộc sống của bạn rất nhiều.
- Làm một điều gì đó cho người bạn đời thay cho lời cảm ơn cũng đem lại rất nhiều ý nghĩa. Nhớ đừng để họ biết bạn đang chuẩn bị thực hiện kế hoạch, mà nên tạo bất ngờ cho người ấy.
- Bạn cần truyền đạt thông điệp lời cảm ơn của mình một cách khéo léo, tế nhị nhưng vẫn để người ấy biết được họ quan trọng với bạn mức nào và giúp họ cảm nhận được lòng biết ơn của bạn đối với mọi thứ họ làm. Thần hạnh phúc sẽ gõ cửa ngôi nhà bạn mỗi ngày đấy.
Minh Anh
Việt Báo (Theo_DanTri)
 
Uhm, để thay đổi những định kiến đã có sẵn không phải dễ dàng, nhưng nếu thế hệ trẻ chúng ta cũng quyết tâm thay đổi, Chúng Ta Sẽ Làm Được.
Chỉ những hành động nhỏ cũng có thể tạo ra một sự đổi thay lớn mà, cùng cố gắng nhé:KSV@06:
 
Nếu một ngày nào đó trên thế gian này không có lời "cám ơn" thì những điều mà người khác từng giúp bạn sẽ không đến lần thứ hai. Nếu một ngày nào đó trên đời này không có từ "xin lỗi" thì một khi bạn lằm lỗi sẽ không có ai thứ tha... Túm lại một điều là hai từ "cảm ơn" và "xin lỗi" rất quan trọng đối với mõi người chúng ta và nó cũng là một nét văn để thể hiện chúng ta là người có văn hóa. Vì vậy chúng ta nên bảo tồn nét văn hóa ấy.
 
Hãy nói lời "cám ơn" khi bạn nhận được 1sự nhiệt tình giúp đỡ,... từ người khác, và "xin lỗi" khi bạn làm người khác không vui,...
Cám ơn & xin lỗi là hành vi biểu hiện của một người có Văn hóa!
 
Người có văn hóa là người phải biết nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ hoặc nhận được sự sẻ chia,phải biết nói lời xin lỗi khi làm người khác không vui.
 
Cám ơn và xin lỗi luôn đi cùng nhau. chúng ta là con người văn minh thì luôn phải biết cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ và cũng phải biết xin lỗi.
 
haizzzzzzzzzzzzz
người Việt Nam mình còn "tiết kiệm" cả lời Cám Ơn và Xin Lỗi nữa mà.
đồng ý là tiết kiệm thì cũng là 1 đức tính tốt nhưng không nên tiết kiệm đối với lời cảm ơn và xin lỗi chứ nhỉ.????!!!!!!!
 
Thế hệ trẻ hiện nay khi bàn về vấn đề văn hoá "cảm ơn' or " xin lỗi thật là 1 vấn đề đáng lo ngại .Văn hoá thể hiện tinh hoa của cả 1 dân tộc .Cứ như nước Nhật ấy .Văn hoá của họ đáng thật nể phục .

Mình nhớ có lần mình sang Nhật mà ko biết đường thì mình liền nhờ 1 anh bạn ở trạm xe bus chỉ đường .Rất nhiệt tình và thân thiện . A ấy đưa mình đến tận nơi .(dù chỉ mới gặp nhau ) Trước khi ra về anh ấy xin mình ký hộ 1 chữ vào cuốn sổ nhỏ có ghi là "Hôm nay nghỉ làm vì giúp đỡ 1 vị khách nước ngoài " để trình lên sếp của anh ta ...Ôi chao .lúc đó mình cũng ko biết nói gì chỉ cảm ơn rối rít vì ái ngại .Nhưng anh ta cũng chỉ mỉm cười và cảm ơn mình đã đến và du lịch tại đất nước Nhật Bản hy vọng mình sẽ quảng bá về văn hoá con người ở đây ra thế giới .Ôi thật đáng khâm phục
 
Nếu là thế thì nể thật! "Hôm nay nghỉ làm vì giúp đỡ 1 vị khách nước ngoài" :KSV@08:
 
×
Quay lại
Top