Bài học hoa mai...

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Tết đến xuân về, cỏ cây hoa lá đua khoe sắc thắm. Đất trời như rạng rỡ hơn, cả thiên nhiên bao la dường như bừng lên một sức sống mới. Những sắc thái nỗi niềm của hạ - thu - đông dường như đã ngậm ngùi trước nàng xuân "thay áo" mới với chồi non lộc biếc...

Xuân đến rồi, thong dong đi ngắm hoa xuân, chợt thấy lòng vương vấn với... mai hoa. Cái sắc vàng tươi tắn kia, cứ như bừng lên nồng ấm giữa nhân gian đất trời, lại càng nhìn càng quyến rũ.



images915158-1.jpg


Mỗi đóa hoa mai với những nụ chúm chím sắp nở ra, cùng những lá non xanh tơ như xua hết đi những nỗi ảm đạm của mùa đông giá lạnh vừa đi để đón xuân về. Vì vậy, cùng với hoa đào thì hoa mai cũng được người ta xưa nay xếp vào loài hoa "bất nhị". Với người phương Bắc, hoa đào là khởi thủy của hệ quy chiếu xuân thì trong Nam, đó chính là hoa mai. Không phải xuân đến lòng người gợi nhớ hoa mai mà thời khắc những cây mai thay lá, nở hoa là lập tức gợi lòng nhớ xuân về. Lại nhớ đến cách so sánh rất hay của cổ thi, thấy người xưa làm phép so sánh hoa mai với gương mặt người con gái đẹp, nên có chữ dùng là "mặt hoa".
Đã đành là đẹp, nhưng cái quý của hoa mai, khiến bao người mê hoa còn ở một lý lẽ khác. Đó là ý nghĩa sâu xa của hoa về triết lý nhân sinh. Kiểu như một hạt muối mà mặn cho cả biển cả mênh mông, thì hoa mai cũng nằm trong ý nghĩa bất diệt ấy khi xuân về ngời lên sắc thắm vàng, là cái áo xuân choàng lên đất trời nhân gian. Hoa mai là loài hoa quen thuộc trong sắc xuân. Đó là một loài hoa cao quý. Nhưng đâu chỉ có thế, thi hào Cao Bá Quát đã viết:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa


(Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai).


Vậy đấy, cụ Chu Thần, tức Cao Bá Quát, một trong những nhà thơ nổi tiếng trong văn học Việt Nam, người tự phụ riêng mình chiếm đến hai trong bốn bồ chữ của thiên hạ, đã thốt lên...nỗi niềm với hoa mai. Mượn hoa mai để bày tỏ cốt cách của riêng mình. Hoa mai có những đặc tính nào mà đã giành được sự tôn kính của nhà nho kiêu ngạo, "ngất ngưỡng" chốn quan trường? Có thể nói, trong các loài cây, kể cả cây có hoa hay không, mai là loài được ưa chuộng nhất từ xưa đến nay.

Người cổ kim xưa nay thường bị quyến rũ bởi sự tương phản của mai: Tuy thân và cành gầy guộc, có hoa mỏng manh và mang hương thơm dịu dàng, thanh khiết, nhưng ở bên trong mai là cả một sự kiêu dũng. Và chính sự kiêu dũng này đã giúp mai vượt qua được mưa gió sương hàn của mùa đông buốt giá để đơm hoa kết nụ khi xuân về.

Các cụ nhà Nho thường xem hoa mai là tấm gương cho người về sự hòa hợp giữa chữ "nhẫn" và chữ "dũng"... Không những thế, đã kiêu dũng, có hương thơm, lại thường nở sớm nhất trong các loại hoa xuân nên hoa mai được tôn phong địa vị bách hoa khôi. Mai được "đề cử" chung với tùng và trúc thành bộ "tam hữu". Có lẽ bắt nguồn từ sách Luận ngữ:

"Ích giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn" (bạn có ích gồm ba hạng: ngay thẳng, rộng lượng và hiểu biết nhiều).

Người xưa thường ví von ba loại cây này là ngự sử mai, trượng phu tùng, và quân tử trúc. Ngoài ra, mai còn được kết hợp với lan, cúc, và trúc thành bộ tứ quý để biểu tượng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Trong thơ văn, mai thường được dùng để ví von cho phẩm chất của người quân tử.

"Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" (Một đời chỉ cúi đầu lạy hoa mai)

Một bậc thần thơ thánh chữ như Chu thần nói ra như thế ắt hẳn không phải để nói chơi. Một người ôm lý tưởng duy mỹ

"Hà đương thế sự như hoa sứ" (Việc đời đẹp như hoa).

Vì vậy khi Cao Bá Quát bỏ cả một đời để tôn thờ hoa mai thì chắc hẳn nó phải có một điều gì hơn hẳn các loài hoa khác. Phải chăng những cái duy nhất của hoa mai mà những loài hoa khác khó sánh kịp là mỗi năm hoa chỉ nở duy nhất vào dịp xuân về, khi khai hoa trên cành chỉ có duy nhất là hoa lại có màu nổi bật và phổ biến duy nhất là màu vàng.

Mặt khác, người ta thường chăm chút uốn tỉa chỉ dùng vào mục đích duy nhất là chơi Tết, hoa nở rực rỡ nhất vào ba ngày Tết... Những "đặc tính" ấy nên hoa mai tượng trưng cho cốt cách một người quân tử và cây mai sống càng lâu càng đáng kính, giá trị cao nên trang trọng gọi là "lão mai". Có lẽ chính những thứ "độc nhất" ấy đã nâng mai lên thành một loài hoa đáng nâng niu, chiêm ngưỡng và đáng kính phục.


images915158-1-1.jpg


Ngay khi còn mùa đông giá rét, mai đã trút lá. Từ những cành khẳng khiu đã ấp ủ bao nhiêu là búp nụ. Xuân về là bừng nở một trời hoa viên mãn. Sau đó lại từ từ lui về cùng với thế giới cỏ cây, cùng hòa mình vào thiên nhiên để dành tinh túy cho xuân sau. Cái đáng quý, đáng trân trọng ở hoa mai là phát tiết với tất cả khả năng để dâng tặng cho đời với một vẻ đẹp rực rỡ tinh hoa trong thời gian vừa đủ, không quá ngắn để có cảm giác phù hoa, không quá dài để tạo cảm giác nhàm chán. Một khúc reo vui vàng son vào đầu năm mới ai mà không có cái cúi đầu trọng vọng.

Từ hoa nghĩ về kiếp người. Dù có dằng dặc bách niên thì cũng có một quãng đời rất ngắn để phát tiết để dâng cho đời một dấu ấn lóe sáng tự sao băng. Có được phút lóe sáng đỉnh cao đó là niềm hoan ca:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.

(Xuân Diệu)

Sự can trường sự phát tiết của hoa mai là bài học cho những ai thích dấn thân, thích dâng hiến, muốn đem cái chí của mình để lập đời, để vẫy vùng cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ kiểu như

"Không công danh thì nát với cỏ cây"
(Nguyễn Công Trứ).

Hoa mai tuy giản dị nhưng đã cho ta một bài học, một đốm sáng rực lên trong đêm:

"Đình tiền tạc dạ nhất chi mai"
(Mãn giác Thiền sư).

Mai hoa - biết bao bài học quý giá và đã gửi cho biết bao người một tình yêu "đặc biệt" theo cách riêng của mình. Một ngày nào đó, nghe cỏ cây thay lá trở mình, bất chợt nhìn nụ mai chúm chím như người con gái đẹp, lòng biết là mùa xuân đang về...

Theo CAĐN
 
×
Quay lại
Top