Ăn trái Thần Kì

leduy

Là chính anh
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/8/2010
Bài viết
2.078


ap_20111106104456889.jpg


Một lần dạo chợ ven sông tôi tình cờ được người bán hàng giới thiệu cho một thứ trái cây lạ mang tên trái “Thần Kì”. Trái có màu đỏ, chỉ nhỏ bằng đầu bằng đầu ngón tay, mới nhìn qua trông mường tượng hạt cà phê. Gọi là trái Thần Kì vì thứ trái này có khả năng đánh lừa vị giác rất đặc biệt, hễ khi ăn vào rồi thì tất cả các vị chua, cay, đắng nếm sau đó đều chuyển sang ngọt.
Tôi nhặt một trái lên ăn thử. Cảm giác đầu tiên là một vị ngọt ngọt tan nơi đầu lưỡi nhưng rất dịu chứ không gắt như các loại trái có vị ngọt khác. Rồi sau khi ăn trái Thần Kì xong, tôi cầm vội quả chanh nhỏ cho ngay vào miệng nhai ngấu nghiến. Thật lạ là, quả chanh nào càng chua thì sau khi ăn trái Thần Kì xong vị chanh lại càng trở nên ngọt. Thích thú với hiệu nghiệm của trái Thần Kì, tôi bắt đầu thử ăn các hoa quả chua khác như khế, dứa, thanh trà rồi cả những loại thức ăn cay như tiêu, ớt, đắng như bia, rượu…. Cũng vì ham mê thử mà buổi chiều hôm đó, sau khi về nhà, cái bụng tôi quay ra biểu tình dữ dội. Bác sĩ bảo, dạ dày tôi bị tổn thương do ăn quá nhiều chất chua, cay, đắng trong cùng một lúc. Tôi nghiệm ra, quả thần kì tuy có khả năng đánh lừa vị giác nhưng bản chất những thứ đồ chua, cay, đắng vẫn là chua, cay, đắng.
Câu chuyện về trái Thần Kì nhắc tôi liên tưởng đến những điều giản dị trong cuộc sống thường ngày. Hầu như mỗi người trong số chúng ta đều thích nghe những lời nói ngon ngọt, càng ngon ngọt càng dễ lọt tai thì lại càng thích nghe. Tôi nhớ những lần chạy long nhong dang nắng giữa trưa về nhà bị mẹ đánh đòn la mắng hoặc là những lần mê game bỏ học khiến mẹ nổi giận đùng đùng. Và những lời dạy dỗ của mẹ bị tôi quy kết vào những lời nói “nặng tai”, đầy chất “chua, cay, đắng” nên vội gạt chúng ra ngoài. Còn những lời rủ rê, mời mọc của đám bạn giang hồ khi chúng tâng bốc tôi thì tôi lại cho đó là những lời ngon ngọt và vội vàng nghe theo. Kết quả của việc thích nghe lời đường mật ghét lời “chua-cay-đắng” ấy là tôi suýt nữa bị đám bạn giang hồ đẩy vào chốn bùn lầy sa ngã. Giờ, tôi lớn hơn, ý thức được rằng đâu là lời đường mật thật sự, đâu là lời “chua-cay-đắng” để không bị đánh lừa thêm lần nữa. Nhưng bản chất tôi vẫn là thế, cứ thích những ngọt ngào ghét phải nếm chông gai, trái đắng…
Sớm nay, tôi thức dậy, chạy nhanh ra chợ mua thức ăn và giật mình thấy lạ khi phát hiện ra trái Thần Kì đã có mặt ở cái chợ nhỏ kế nhà tôi tự lúc nào. Người bán rong lại cầm trái Thần Kì lên quảng cáo, nói cho tôi nghe điều kì diệu từ thứ trái nhỏ này rồi mời mọc tôi mua chúng. Tôi ậm ờ, đứng suy nghĩ một lúc và mỉm cười quay sang nói với bà chị bán hàng: “Em đã ăn trái này rồi, nhạt nhẽo lắm”. Bà chị thẩn thờ còn tôi rảo bước bỏ đi trong điệu cười bí hiểm. Mà chị bán hàng không biết, khi tôi cười bí hiểm như thế cũng là lúc tôi nhận ra, vị giác của con con người sinh ra trên cõi đời này là để nếm tất cả thứ chua-cay-đắng-mặn-ngọt. Vậy thì hà cớ gì phải dùng trái Thần Kì để chuyển tất cả các vị ấy thành một vị ngọt duy nhất. Như thế chẳng phải cuộc đời sẽ nhạt nhẽo lắm sao?
CHILLI
(ST)
 
×
Quay lại
Top