Ăn bánh Trung thu nhân “từ Tết”, chơi đồ chơi nhiễm độc

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Bên cạnh tình trạng đồ chơi Trung Quốc độc hại tràn lan trên thị trường, hàng tấn bánh Trung thu ra lò hằng ngày được làm bằng nguyên liệu tái chế từ bánh tồn kho năm ngoái (từ mứt bí, lạp xưởng còn lại dịp Tết trộn với hương liệu “phù phép” thành bánh mới với bột tẩy trắng...).


TP Hồ Chí Minh


Hàng tấn bánh Trung thu ra thị trường hằng ngày nhưng không ai ngờ nó có thể đã được ra lò từ nguyên liệu tái chế từ bánh tồn kho năm ngoái, hay từ mứt bí, lạp xưởng còn lại dịp Tết trộn với hương liệu “phù phép” thành bánh mới; bột tẩy trắng, bột chống mốc pha trộn tùy tiện qua đội ngũ nhân viên làm việc trong cảnh mình trần, không khẩu trang, găng tay;…
Cảnh sản xuất bánh Trung thu đầy nguy cơ trên đã được phát hiện khi tổ công tác thuộc Đội 2 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CSPCTP về MT) PC49, Công an TP Hồ Chí Minh đột kích bất ngờ tại nhiều cơ sở (CS) sản xuất bánh Trung thu ở TP Hồ Chí Minh tuần qua. Điều cảnh báo là việc làm ăn gian lận như trên không phải ở CS nhỏ lẻ mà ở ngay các CS có thương hiệu.


mgk1c3vc.jpg
Nhân viên Hồng Hoa Đồng Khánh (TP Hồ Chí Minh) làm việc không bảo hộ lao động.

Được biết, gần 1 tháng qua thực hiện chỉ đạo của Cục CSPCTP về MT - Bộ Công an, lực lượng PC49 TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nắm tình hình và kiểm tra 12 CS bánh Trung thu trên địa bàn các quận 6, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn. Hàng tấn nguyên liệu hết hạn sử dụng, không nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí biến chất chuẩn bị được đưa vào chế biến bánh Trung thu, các loại bột tẩy trắng, chống mốc không nguồn gốc đã được phát hiện kịp thời, tiêu hủy và lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm.
Theo Trung tá Lâm Hiếu Nghĩa, Đội trưởng Đội 2 PC49, dựa vào uy tín của 2 thương hiệu bánh lâu đời tại TP Hồ Chí Minh như “Nhà hàng Đồng Khánh” và “Đồng Khánh - Bông lúa vàng” (của Công ty Du lịch Saigon tourist), khá nhiều nhãn hiệu “na ná” khác xuất hiện gần đây tại TP Hồ Chí Minh như: Huy Đồng Khánh, Kim Ngân Đồng Khánh, Hồng Hoa Đồng Khánh, Phổ Thiên Đồng Khánh. Điều tra của PC49 lần này nhắm vào các CS này. Trong đó rõ ràng các CS có giấy phép kinh doanh, có công bố tiêu chuẩn các sản phẩm nhưng hoạt động hoàn toàn theo đúng tính chất “thời vụ”. Mọi hoạt động được thực hiện và chấm dứt sau những hợp đồng mướn mặt bằng vài tháng đủ để kiếm lời nhanh trong dịp Trung thu. Làm nhanh nên CS là tạm bợ. Nguồn nguyên liệu thu gom trôi nổi. Hoặc có CS sử dụng nguồn nguyên liệu nhập nhưng không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt.


yxusc2uy.jpg
Mứt bí, lạp xưởng “hết date” từ Tết được “tận dụng” làm nhân bánh Trung thu tại TP Hồ Chí Minh.

Có CS sản xuất 11 loại bánh Trung thu như Đông Hưng Viên (176-177 Bãi Sậy, phường 4 quận 6) nhưng chỉ làm hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 9 loại, còn 2 loại chủ CS “lý luận”: Do thành phần bên trong “hao hao như nhau” nên không làm. Bên cạnh đó, các CS khi kiểm tra đều sử dụng một loại nước đường đã cô đặc, trữ trong các xô, thùng nhựa cũng không phải đồ chuyên dùng cho sản xuất thực phẩm.


Tại CS Phổ Thiên Đồng Khánh, Hồng Hoa Đồng Khánh… chủ CS đều không trưng được bằng chứng về nguồn gốc nguyên liệu từ bột làm vỏ bánh, nhân bánh làm sẵn, hương liệu… Hay lợi dụng sự cho phép của Bộ Y tế về việc được dùng chất chống mốc trong sản xuất bánh Trung thu vì là đây mặt hàng dễ lên men, các CS trên sử dụng hóa chất này nhưng không theo một công thức nào, thích pha bao nhiêu là tùy. Và cũng không hề được công bố trong thành phần của sản phẩm theo quy định của Bộ Y tế.


Tại cơ sở Hồng Hoa Đồng Khánh (A 9/16, Võ Văn Vân, Vĩnh Lộc B, Bình Chánh), khi kiểm tra phát hiện toàn bộ nguồn nguyên liệu như lạp xưởng, mứt bí, trái tắc, đều là nguyên liệu từ Tết còn lại. Khoảng 120kg lạp xưởng chất tại đây qua cảm quan đã thấy biến chất, chảy dầu, 60kg mứt bí, tắc không nhãn mác, thậm chí đang trong tình trạng ruồi nhặng bu đầy, côn trùng xâm nhập.


Đặc biệt khi phát hiện công ty có kho chứa bánh Trung thu để lạnh, sau một hồi chối cãi không được, người quản lý thừa nhận CS lấy bánh cũ bỏ phần vỏ bánh, lấy nhân bên trong “tái chế” thành bánh mới. Và tại kho chứa bánh CS này, hiện PC 49 đang đặt nghi vấn về việc có làm bánh nhái hay không vì trong kho phát hiện nhiều hộp bao bì được in nhãn hiệu bánh Trung thu Bibica, Kinh đô… được chứa tại đây…
Ngoài ra, tại CS Phổ Thiên Đồng Khánh (hương lộ 2, Bình Trị Đông A, Bình Tân), được phát hiện nhập 1,2 tấn mứt bí thu gom từ các nơi, đã sử dụng 800kg. 400kg còn lại theo yêu cầu của tổ công tác đã bị tịch thu, tiêu hủy…


TP Hà Nội


Sau khi có chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương về việc tiến hành rà soát, kiểm tra, thu hồi đèn lồng hình con chuồn chuồn có xuất xứ từ Trung Quốc vì có khả năng gây ung thư, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tiến hành kiểm tra. Trước đó, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng đã xét nghiệm ngẫu nhiên mẫu đèn lồng hình con chuồn chuồn xuất xứ từ Trung Quốc, kết quả cho thấy độc chất cadimi trong đồ chơi này cao gấp 123 lần tiêu chuẩn Việt Nam.


3x7rnkzq.jpg
Đèn lồng hình con chuồn chuồn có nguồn gốc từ Trung Quốc đang bị Cục Quản lý thị trường đề nghị thu hồi tại Hà Nội.

Trưa 25/9, mặc dù trời mưa nhưng tại phố Hàng Mã, Hà Nội vẫn có rất đông phụ huynh và các bạn trẻ đến đây mua đồ chơi Trung thu. Sắc đỏ, sắc vàng của các loại đồ chơi tràn ngập, nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là đèn lồng. Đèn lồng có đủ loại với nhiều màu sắc bắt mắt. Người bán hàng khi được hỏi xuất xứ đều cho rằng đó là đèn Thái Lan, Malaysia…Nhưng xem qua thì hầu hết mẫu đèn lồng bày bán đều không có tem hợp quy. Không những thế, rất nhiều đồ chơi Trung thu ở tuyến phố này do nước ngoài sản xuất cũng không gắn dấu hợp quy.


Tại cửa hàng đồ chơi số 72 Hàng Mã, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp cùng Đội Cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và chức vụ, Công an quận Hoàn Kiếm đã thu giữ cả bao tải đồ chơi các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác. Hàng chục mặt hàng đồ chơi đang bày bán đều được giới thiệu là do nước ngoài sản xuất nhưng chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu.


h7t1mgp3.jpg
Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra mặt hàng đèn lồng ở cửa hàng 72 Hàng Mã (TP Hà Nội) trưa 25/9.

Ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường, từ ngày 24/9, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra và thu hồi mặt hàng đèn lồng hình con chuồn chuồn bày bán trên địa bàn, nhất là 2 tuyến phố chuyên kinh doanh về đồ chơi là Hàng Mã và Lương Văn Can. Qua 2 ngày kiểm tra hầu như không có đèn lồng chuồn chuồn bày bán, chỉ thu hồi được 1 chiếc”.
Qua khảo sát của chúng tôi ở hai tuyến phố kinh doanh đồ chơi lớn nhất Hà Nội thì hầu như không thấy bày bán đèn lồng chuồn chuồn. Hỏi mua mặt hàng này, chủ hàng đều lắc đầu kêu “không có”. Tuy nhiên, lại có rất nhiều đèn lồng gần giống hình con chuồn chuồn trên thị trường. “Đèn lồng có rất nhiều loại, hiện mới chỉ kiểm định mẫu đèn hình chuồn chuồn, còn các loại khác thì chưa kiểm định được nên không biết chất lượng thế nào. Qua kiểm tra, cứ mặt hàng đồ chơi nào không có chứng từ thì đều bị tạm giữ”- ông Chiến cho biết.


Trong buổi sáng 25/9, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp cùng Công an quận Hoàn Kiếm kiểm tra 6 cửa hàng kinh doanh đồ chơi gồm: số 72, 22, 13, 23, 71, 58 phố Hàng Mã và đã phát hiện một lượng lớn hàng hóa là đồ chơi các loại do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ. Trước đó, tối 24/9, tại điểm tập kết số 8 phố Hàng Mã, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện và tạm giữ 11 thùng đồ chơi các loại là hàng nhập lậu.


Trung thu đang đến rất gần, chọn mua đồ chơi như thế nào để an toàn cho con là điều khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Chị Phạm Minh Huệ, ở phường Tràng Tiền đang chọn mua đồ chơi ở phố Hàng Mã phàn nàn: “Toàn đồ chơi Trung Quốc mà đèn lồng chuồn chuồn thì độc hại, có lẽ tôi mua đồ chơi trong nước thôi”. Đi một lúc, chị Huệ mua được 2 chiếc đèn ông sao, 2 chiếc trống bỏi và 1 chiếc trống ếch về cho con. Ở phố Hàng Mã, giữa ngập tràn đồ chơi ngoại, chúng tôi vẫn bắt gặp những phụ nữ ngồi, đứng bán từng chiếc trống bỏi, trống ếch. Có cụ bà ở tuổi “thất thập” từ làng Hảo, phố Nối, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên khoác áo mưa lên đây bán trống ếch. Chiếc trống không quá kỳ công, đường nét dù chưa tinh xảo, mỗi chiếc cụ bán 15.000đ nhưng lại được nhiều phụ huynh lựa chọn mua cho con.


Tới đây, Cục Quản lý thị trường sẽ đề nghị cấm nhập khẩu đèn lồng hình con chuồn chuồn có xuất xứ từ Trung Quốc. Hy vọng mùa Trung thu này, các bậc cha mẹ sẽ là người tiêu dùng thông thái trong việc chọn lựa đồ chơi an toàn cho trẻ.



Nghi ngờ nhân bánh Trung thu không rõ nguồn gốc được sử dụng tại nhiều cơ sở
“Các CS không khai nhận nguồn nhân bánh làm sẵn có tại CS là nhập lậu nhưng tại các CS như Công ty TNHH La cao (bánh Maxim) - 148/8f Tân Hiệp, Hóc Môn), CS Nam Long (173, 43/65 Khuông Việt, Tân Phú); CS Tài Thủy (quận Bình Tân),… đều phát hiện có nhiều nguyên liệu nhân bánh làm sẵn không xuất xứ, nhiều loại bột làm bánh Trung Quốc, chất chống mốc, tẩy trắng, phụ gia không nguồn gốc”.
Đó là nhận định của Trung tá Lâm Hữu Nghĩa, Đội trưởng Đội 2 PC49 Công an TP Hồ Chí Minh về việc có hay không nguồn nguyên liệu nhân bánh Trung Quốc làm sẵn vừa được phát hiện tại phía Bắc được vận chuyển vào thị trường TP Hồ Chí Minh. Cũng theo Trung tá Nghĩa, trên đây mới là kiểm tra các CS có tên tuổi, còn tại TP Hồ Chí Minh có hàng trăm CS bánh Trung thu mà vì nhiều lý do chưa thể kiểm soát được. PC49 sẽ tiếp tục mở rộng và lên kế hoạch kiểm tra về ATVSTP trên lĩnh vực khác, nhất là nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu.
Đồng thời việc kiểm tra ATVSTP bánh Trung thu phải thực hiện rà soát ngay từ sớm, trước thời điểm mùa bánh ít nhất 2 tháng, để kịp thời ngăn chặn những kiểu làm ăn phi pháp, coi thường pháp luật và sức khỏe người tiêu dùng như trên.


[/FONT]

Theo CAND
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top