5 bước giúp tình bạn vượt qua “bão tố”

Sun Glare

Tân Sinh Viên
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/6/2009
Bài viết
2.855
Chơi theo một nhóm, hẳn nhiên không tránh được những lúc xích mích tranh cãi. Và tuy bạn hoàn toàn không gây ra chiến sự, thì cũng không thể yên ổn sống giữa hòa bình.
Bước 1: Hoàn toàn trung lập

Trong lúc chiến tranh đang leo thang giữa hai đầu chiến tuyến, hẳn nhiên lúc này bạn sẽ là người…có giá trị nhất, ai cũng tranh thủ lôi kéo bạn về cùng một phe, ai cũng muốn có thêm quân, thêm lực lượng.
Bạn sẽ “được” nghe toàn bộ những thói hư tật xấu được bên này kể về bên kia và ngược lại, bạn sẽ được dụ dỗ, được …o bế để nghiêng ngả theo. Nhưng cách tốt nhất là giữ nguyên vị trí trung lập. Tuyệt đối tránh trường hợp hùa theo bên này rồi lại bênh vực bên kia, để khi hòa bình được thiết lập, ba mặt một lời thì hậu quả kinh hoàng lắm đấy!
Bên cạnh đó, nếu bạn là người trung lập thì những lời nói mới có giá trị, và công tác hàn gắn chiến tranh mới được suôn sẻ chứ phải không!


Bước 2: Đơn giản hóa mọi vấn đề
Khi đang cãi nhau, người ta thường rơi vào tình trạng nghiêm trọng hoá bất cứ điều gì đối phương làm, suy diễn lung tung để rồi cuộc chiến ngày một lớn và khoảng cách tình bạn càng lúc càng rộng hơn. Chỉ một hành động vô tình hay một cái nhìn lướt qua cũng dễ bị suy nghĩ tiêu cực kiểu như dám nhìn đểu, liếc xéo hay cố ý gây sự.
Điều quan trọng là bạn hãy dùng con mắt người ngoài cuộc để nhận định đúng vấn đề và truyền đạt lại cho cả hai, đừng có gật gù đồng ý tán thành với bất kỳ bên nào đấy nhé! Cứ gạt đi những suy nghĩ trầm trọng của bạn mình, và đơn giản rằng “Không có đâu, tại cậu đang giận nên nghĩ thế!”

Bước 3: Kể về những kỉ niệm vui

Bước tiếp theo sẽ là chiêu bài ôn kỉ niệm, vì dù có tức giận cỡ nào, mà nghe về những chuyện vui thì cũng mau mau hạ nhiệt thôi!

Bạn cứ nhắc nhớ về chuyện hôm lễ hội Halloween hóa trang rất vui. Hay cuốn lưu bút của nhóm dán toàn ảnh sticker nhí nhố. Rồi những lần kéo nhau lê la hàng quán, chơi trò lồng tiếng phim Hồng Kông, hay đợt kéo về quê cô chủ nhiệm bắt cá trèo cây cả ngày.



Không thể nào để những hiểu lầm nho nhỏ làm mất đi tình bạn bao năm mình cố công gầy dựng, phải không nào?

Bước 4: Nói tốt với cả hai
Cãi nhau, ai cũng ôm một núi tự ái to đùng, chẳng ai muốn mình là người phải lui quân trước cả mặc dù lúc này cơn giận đã xẹp dần rồi. Thế là nhiệm vụ của bạn lúc này là hãy lên tiếng cho bên này thấy thiện chí của bên kia thì mới mong tình bạn quay trở về.
Hãy tận dụng những câu chuyện nho nhỏ để làm dịu bớt sự nóng nảy lẫn tự ái bằng cách thì thầm “Lúc nãy tao thấy nó nhìn lén mày hai lần, mặt mũi nhìn biết lỗi lắm rồi đó, chắc là nó còn ngại nên chưa dám mở lời” hay “Ê, hồi chiều nhỏ cứ theo hỏi tao mày còn giận nó không, chắc là nó nhớ mày rồi đó!”
Bước 5: Tạo ra sự tình cờ
Cuối cùng, bây giờ bạn cần tạo ra một tình huống gặp gỡ có vẻ…tình cờ một chút để cả ba đối mặt.
Ví dụ đơn giản nhất là tạo ra một lễ kỉ niệm gì đó, hay “tình cờ” gặp nhau trong quán. Bạn lúc này cứ giả vờ ố á lên ngạc nhiên, tỏ ra hết sức bất ngờ, rồi cứ… liều mạng xởi lởi kéo hai bên ngồi lại với nhau. “Trời ơi, hên quá, gặp được mày ở đây. Thôi ngồi xuống ăn chung cho vui!”. Chắc chắn đối phương đều biết tỏng “âm mưu” của bạn, nhưng chẳng ai “truy cứu trách nhiệm “của bạn đâu. Yên tâm nhé!
Khi cơn giận đã nguôi thì việc gặp mặt nhau với một đại sứ thiện chí ở giữa dễ thương như bạn thì chắc chắn là giận hờn sẽ qua thôi.
Cười một cái cho hoà bình vừa được thiết lập nào!
 
×
Quay lại
Top