1001 kiểu online và những mặt trái...

Suzibimon

Evergreen
Thành viên thân thiết
Tham gia
8/4/2011
Bài viết
817
ANTĐ - Kết bạn online, mai mối online, thậm chí s.ex online… nay đã “xưa như trái đất”. Giờ đây, mọi thứ có trong cuộc sống thực tại đều có thể online: nghĩa trang online, thậm chí cúng giỗ cũng… online. Tiện thì có tiện nhưng cũng khối chuyện dở khóc dở cười từ… online.

online.jpg

Ảnh Internet​

Chuyện tình thời công nghệ

Công việc bận rộn khiến việc tìm bạn đời trở nên khó khăn với nhiều người. Cũng vì vậy mà những năm gần đây không ít website mai mối qua mạng đã ra đời như Namtay.com, Viss.vn, Noi.vn, Henantrua.vn… Nói là ảo nhưng không thể phủ nhận dịch vụ mai mối online đã kết đôi cho không ít cặp đôi ngoài đời thực. Trên Noi.vn, đến thời điểm này sau hơn 3 năm hoạt động đã có gần 100 cặp công khai đã kết hôn trên website cùng hàng trăm cặp khác công khai hẹn hò. Tương tự, các website khác cũng kết tóc xe tơ cho hàng chục cặp đôi. Tuy hoạt động chủ yếu qua mạng nhưng phần lớn các trang web cũng hướng đến các hoạt động offline giao lưu ngoài đời thực. Qua đó, các thành viên có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, nảy sinh tình cảm hay kiểm chứng “đối tác”.

Tuy nhiên, những kết cục đẹp đó chỉ là con số quá nhỏ so với những kết cục đáng buồn mà chưa có một thống kê nào được thực hiện. Chỉ cần một cái click chuột, bạn có thể tìm thấy một thế giới trao đổi, mua bán “tình ảo” với những nick name “nặng mùi” khiêu khích. Đáng buồn là đa phần những người tham gia vào thế giới này là những người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường. Họ sẵn sàng “cởi đồ” vì bất kỳ mục đích gì, có thể chỉ để vui vẻ, cũng có thể trao đổi chỉ bằng một cái thẻ điện thoại hay một khoản tiền nhỏ phục vụ nhu cầu tầm thường nào đó. Không ít bạn trẻ đã trở thành con nghiện của chat s.ex hay s.ex online mà không biết rằng thế giới ảo đầy rẫy những hiểm họa đang chực chờ.

Ngồi một chỗ để... đi chợ

Nhắc đến “bà nội trợ” trong gia đình, nhiều người vẫn hình dung về những người phụ nữ sáng dậy sớm, tất tả mua thức ăn, chiều về lại chen lấn ghé vào các chợ cóc mua mua, bán bán rồi lại sấp ngửa vào bếp. Nhưng giờ đây, với “đi chợ online”, mọi việc có thể thay đổi. Dạo qua các diễn đàn có nhiều phụ nữ tham gia như webtretho.com, lamchame.com… hay các trang rao vặt khác, mới thấy các “shop online” thật rôm rả với lượng khách truy cập rất lớn. Mặt hàng thực phẩm thường là đặc sản của các vùng miền hoặc cả các món phổ thông nhưng các bà nội trợ ngại làm như cá rô đồng tách xương, thịt cua đồng tinh chế…

Cũng nắm bắt được xu hướng khá mới mẻ này, một số doanh nghiệp đã mở các siêu thị trực tuyến chuyên bán thực phẩm. Còn đơn giản hơn với các cá nhân bán hàng, việc lập các toppic trên diễn đàn chẳng tốn một xu nào hoặc chỉ cần một chút kinh phí nhỏ nếu bạn muốn bài của mình luôn ở vị trí “top”, là người bán hàng đã có một gian hàng hoành tráng.

Thế nhưng, khi hành làng pháp lý bảo vệ người tiêu dùng mua hàng qua mạng còn chưa đầy đủ, việc mua, bán chủ yếu dựa vào lòng tin nên không ít khách hàng đã phải ăn quả đắng khi mua phải món hàng không vừa ý, hàng cận date, thậm chí hàng giả, hàng nhái. Người bán nhiều khi cũng lâm phải cảnh dở khóc dở cười. Trên một diễn đàn đã có hẳn một topic: Bán hàng online - chua hay ngọt với những lời than phiền khi gặp những vị khách “củ chuối”. Chẳng hạn khi khách đặt mua hàng và hẹn địa chỉ giao hàng nhưng đến nơi gọi điện thì “tò te tí”, hay có người hẹn đem quần áo đến, thử chán chê rồi xin lỗi không lấy…

Khám bệnh qua... mạng

Hẳn một dự án liên quan đến y tế online đã được tiến hành, đó là Dự án chẩn đoán, chữa bệnh từ xa do Sở Y tế, Sở Thông tin - Truyền thông và 3 bệnh viện (Nhi đồng 1, Phụ sản Từ Dũ, Chấn thương Chỉnh hình) của TP Hồ Chí Minh đã được phối hợp thực hiện, mở ra cơ hội rất lớn cho bệnh nhân nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Trường hợp bệnh nhân Đào Thị Thu L, 27 tuổi, ở huyện Đắc Đoa (Gia Lai) là một ví dụ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, qua hệ thống chẩn đoán từ xa, các chuyên gia ở Bệnh viện Từ Dũ đã chỉ ra đúng bệnh (một căn bệnh hiếm gặp ở thai phụ) và tư vấn cho đội ngũ chuyên môn tại chỗ xử lý, cứu được bệnh nhân.

Đây là hình thức khám, chẩn đoán bệnh qua hình ảnh bằng màn hình trực tuyến giữa hai đầu. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn bệnh viện tuyến dưới phải chuyển hồ sơ, bệnh án của bệnh nhân qua đường truyền Internet lên tuyến trên, đồng thời phải kết nối ngay hình ảnh của bệnh nhân lên màn hình. Ở bệnh viện tuyến trên sẽ cử những chuyên gia có đủ năng lực chuyên môn, hỗ trợ chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị... Dự án này mở ra cơ hội mang lại nhiều lợi ích thiết thực, trước hết là cấp cứu kịp thời các bệnh nhân nguy kịch, mà cơ sở điều trị ở tuyến dưới không đủ khả năng. Thứ hai là giảm chi phí tối đa cho người bệnh, thay vì phải thuê xe để đi cấp cứu ở tuyến trên, vừa tốn kém, vừa nguy hiểm, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân. Thứ ba là nâng được trình độ chuyên môn của cơ sở, tạo niềm tin cho người bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên... Chưa biết đề án liệu có đi vào thực tiễn một cách thiết thực hay không, nhưng nó đã cho thấy, Internet đã có thể đáp ứng nhu cầu chữa bệnh online, vấn đề còn lại là khả năng, trình độ, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên y tế.

Trước đó, đã có nhiều “bệnh viện online” ra đời với các dịch vụ như giải đáp thắc mắc liên quan đến sức khỏe, cung cấp thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc, giới thiệu bác sĩ gia đình, giới thiệu người chăm sóc bệnh, chăm sóc người cao tuổi…

online-2.jpg


Chôn cất cái vô hình

Năm 2008, Nhomai.vn ra đời, đây là nghĩa trang online đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đến thời điểm này. Đến nay, sau hơn 3 năm hoạt động, nghĩa trang online đã có hàng chục nghìn thành viên, với trên 10 nghìn đề tài, khoảng 100 nghìn bài viết. Ở đây, mọi người có thể lập mộ cho những người thân, người mình ngưỡng mộ hoặc đơn giản chỉ là một cái nick chat, blog, một nhân vật trong game online… Các thành viên thì có thể vào thắp nhang, nến, cắm hoa hoặc để lại lời viết chia sẻ với những người lập mộ…

Tuy là ảo nhưng nghĩa trang online đã thể hiện khá sinh động thế giới thực, trong đó có cả mặt trái trong đời sống người trẻ. Ngoài những phần nghĩa trang được nhiều người quan tâm như nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang nghệ sĩ, những người nổi tiếng… thì nhiều người không khỏi nhói lòng khi ghé thăm nghĩa trang cho thiếu nhi, đặc biệt là nơi mộ phần dành cho các thai nhi. Ở đây, có những người mẹ, người cha ngày ngày vào thắp nến cho mộ phần của sinh linh vì lý do nào đó không được sinh ra trên cõi đời này. Có thể dễ dàng bắt gặp những dòng xót thương hay ân hận, dằn vặt của những người cha người mẹ đã trót chối bỏ sinh linh mình tạo ra. Có thể thấy thế giới ảo đang phản ánh rõ nét dung mạo của đời sống thật: đó là lối sống vội, sống hưởng thụ, sai lầm và ân hận muộn màng…

Và cúng giỗ cũng... online

Mới đây, sự ra đời của dịch vụ cúng giỗ online mới thật sự nhận được nhiều ý kiến. Bởi với một dân tộc theo văn hóa Á Đông như Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tục lệ, là nét đẹp văn hóa thì chưa hẳn ai cũng đồng tình với dịch vụ này.

Chuyện là cùng với Dự án nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) cách trung tâm Hà Nội hơn 50km thì Công ty CP ĐTXD&TM Toàn Cầu cũng cho ra đời dịch vụ cúng giỗ online không lâu sau đó. Theo ông Trần Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty thì việc cúng giỗ online sẽ được thực hiện như sau: Khi con cái ở xa thậm chí nước ngoài, ngày rằm, mùng 1 không về được có thể lên website của Lạc Hồng Viên, qua một cái click là có thể chọn một gói cúng giỗ online với tiền vàng mã, trầu cau, đĩa xôi, con gà… Sau đó, sẽ có bộ phận dịch vụ đúng ngày giờ sẽ thực hiện cúng giỗ, thắp hương tại khuôn viên phần mộ khách hàng, sau đó gửi hình ảnh đến khách hàng. Và mục đích của cúng giỗ online, theo ông là muốn dần thay đổi quan niệm là phải đến tận nơi để hương khói, mà nay qua công nghệ hoàn toàn có thể làm được từ xa, giúp giảm chi phí cho xã hội, tiết kiệm thời gian.

Ở khía cạnh khác, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc khai thác công nghệ thông tin giờ rất gần gũi với đời sống con người, và cúng giỗ online giúp mọi người vẫn gìn giữ được tập quán hướng về tổ tiên, thực hiện nghĩa vụ đạo lý nhưng phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Bà Lê Thị Bích Hường (phố Nguyễn An Ninh) có người thân an táng ở công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên cũng cho biết, do nghĩa trang ở xa, gia đình không có điều kiện lên thăm viếng thường xuyên nên thường cảm thấy bất an. Vì vậy thông qua cúng giỗ online, mỗi tháng, gia đình có thể thắp hương cho người thân. Còn TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình lại cho rằng dịch vụ này cho thấy chúng ta đang dịch vụ hóa tuyệt đối hầu hết mọi việc trong xã hội. Và cúng giỗ online là họ đang “cố gắng làm những điều để an ủi tinh thần cho chính họ”. Vậy nên, tựu trung lại đồng tình hay phản đối là quan niệm của mỗi người. Cúng giỗ online cũng chỉ nên xem là một việc làm mang tính dịch vụ. Còn đạo hiếu của kẻ làm con cháu, dù ở xã hội nào, cốt là ở trong tâm của mỗi người.

hở? nghĩa trang online?????:KSV@13:
đến bó tay với mấy kiểu online này:KSV@08:
 
×
Quay lại
Top